THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:07

Những mạch nối tình quân dân

Công trình mang tên Bộ đội Cụ Hồ

     Đường “Bộ đội tăng-thiết giáp” được nhân dân thị trấn Chi Lăng (huyện Tịnh Biên, An Giang) đặt cho con đường bê tông rộng 4m, dài hơn 400m, trên địa bàn khóm 2, được khánh thành cuối tháng 5/2014. Anh Võ Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng cho biết: Trước đây, con đường này nắng thì bụi, mưa ngập lụt. Người dân sống hai bên đường có hoàn cảnh khó khăn, nhiều lần họp bàn, địa phương vẫn không thể triển khai thi công vì kinh phí quá cao. Được sự giúp đỡ về nhân lực, máy móc của cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 416, Quân khu 9, kinh phí làm đường giảm còn gần 1/3, chỉ trong nửa tháng con đường đã hoàn thành, rộng rãi, sạch đẹp, bà con rất phấn khởi...

     Hiện các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 9  đã ký kết tham gia xây dựng nông thôn mới với 183 xã (hầu hết là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa). Tổng số tiền, ngày công bộ đội tham gia xây dựng nông thôn mới là hơn 111 tỷ  đồng. Bộ đội còn tham gia sửa chữa, làm mới và nâng cấp hơn 4335km giao thông nông thôn; sửa chữa xây dựng 54 phòng học, 96 cây cầu, 7 nhà văn hóa, trạm y tế và 32 công trình công cộng khác; xây dựng 1.263 các nhà: Tình nghĩa, tình đồng đội, tình thương, đại đoàn kết tặng gia đình đối tượng chính sách, bộ đội nghỉ hưu, xuất ngũ và nhân dân, đồng bào dân tộc gặp khó khăn về nhà ở; nạo vét làm mới 175,5km kênh mương; tặng 405 bộ tài liệu, sách hướng dẫn về nuôi trồng, hỗ trợ vốn, cây, con giống cho 339 hộ nghèo phát triển sản xuất; thăm tặng 7.458 phần quà tới các gia đình, đối tượng chính sách; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 41.000 lượt người...

Bộ đội giúp dân gặt lúa chạy lũ ở tỉnh Quảng Ngãi.

     Trong những năm qua, việc giúp đồng bào biên giới phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo của bộ đội biên phòng đã có rất nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân. Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh thực hiện mô hình "Con đường và mái nhà cho dân", vận động các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 500 triệu đồng, kết hợp với tổ chức lực lượng lao động làm 251m đường, xây một cầu bê tông; xây mới và sửa 21 căn nhà cho người nghèo ở ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), tạo nên sự thay đổi phát triển cho vùng quê này.

     Dự án "Ngân hàng bò" của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, từ nguồn vốn 950 triệu đồng do UBND tỉnh cấp, bộ đội đã mua 280 con bò cho 280 hộ nghèo tại 12 xã biên giới, cử cán bộ, chiến sĩ đến từng gia đình hướng dẫn kinh nghiệm nuôi bò sinh sản. Sau 5 năm, 280 con bò mẹ đã sinh được 226 con bê luân chuyển cho các hộ nghèo khác. Ở các đồn biên phòng, với nguồn vốn 530 triệu đồng, 4 đồn biên phòng tại các xã biển thuộc tỉnh Cà Mau đã bám sát từng hộ, thực hiện luân chuyển cho vay theo kiểu cơ động vốn từng tháng, thực hiện hiệu quả dự án hỗ trợ việc làm, giúp 138 hộ dân thoát nghèo. Ở xã biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), bộ đội biên phòng đã xây dựng phong trào "Tổ tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế gia đình". Từ chỗ tay không, đến nay, xã Ngư Lộc đã xây dựng được 111 nhóm vốn quay vòng gồm 720 triệu đồng, mua được 620 ngư cụ cho ngư dân, giải quyết việc làm cho gần 3.000 người.

     Tại Đồn Biên phòng 493 (Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa), bộ đội đã khai hoang, xây dựng mô hình "Vườn-ao-chuồng-ruộng", trồng ngô hai vụ, xen canh rau đậu, đào ao thả cá, chăn nuôi dê, bò, rồi tổ chức cho đồng bào trên địa bàn đến tham quan và hướng dẫn quy trình, kỹ thuật để họ làm theo. Đến nay, người Mông ở đây đã xóa bỏ được tập quán canh tác cũ, chuyển sang làm ăn theo mô hình do bộ đội biên phòng hướng dẫn, đời sống cải thiện rõ rệt...

Về bản thực hiện “4 cùng” với dân

     Thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh (huyện Pắc Nặm, Bắc Kạn) là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Kạn. Toàn thôn có 84 hộ với 460 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông, sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác ngô, lúa trên những triền đất dốc. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, các cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn lên phương án phối hợp với các ngành chức năng tăng cường lực lượng thực hiện "4 cùng" với đồng bào. Trong thời gian công tác, các cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí, tuyên truyền vận động nhân dân bài trừ các hủ tục mê tín, lạc hậu, giúp bà con phát triển sản xuất, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Ông Lý Văn Mình, người dân thôn Cốc Nghè, cho biết: “Bộ đội đã tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn người dân trồng ngô, lúa trên đất dốc. Tối đến thì chiếu phim, cấp phát thuốc,  tặng quà cho những gia đình khó khăn, chúng tôi cảm ơn bộ đội lắm”.

     Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nơi đóng quân phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, đăng ký hộ khẩu, hộ tịch cho bà con. Tuyên truyền các văn bản, quy định về quản lý, bảo vệ rừng, giữ gìn truyền thống văn hoá, không di cư tự do, tuyên truyền để đồng bào hiểu và động viên con em đến trường theo độ tuổi, sinh đẻ có kế hoạch, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.

     Các mô hình bộ đội biên phòng giúp dân được triển khai rộng khắp ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực. Đời sống của nhân dân vùng cao biên giới có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở chính trị vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Châu Anh (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh