Những lưu ý quan trọng khi sử dụng paracetamol trong điều trị sốt xuất huyết
- Y học 360
- 09:31 - 28/07/2022
Dịch sốt huyết đang ở tình trạng đáng báo động, theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca, 37 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp. Các chuyên gia lý giải dịch bùng phát mạnh là do tính chất chu kỳ, mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển; Đặc biệt năm nay có sự xuất hiện của chủng virus DEN2, chủng virus gây biến chứng nặng. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 đã được kiểm soát, người dân đi chơi, du lịch nhiều trong khi lơ là các biện pháp phòng bệnh.
Hiểu đúng bệnh - chọn đúng thuốc
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn. Virus sẽ tấn công tế bào máu, gan, lá lách khiến bạch cầu và tiểu cầu giảm. Tình trạng viêm nhiễm toàn thân khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, đổ mồ hôi nhiều, gây mất nước cùng với sự rò rỉ huyết tương vào các khoang trong ổ bụng và khoang ngực dẫn đến máu đặc lại. Điều này gây ra huyết áp thấp và lượng máu cung cấp cho mô kém và làm tăng nguy cơ tổn thương thận, gan, tim và cuối cùng là não. Trong trường hợp nghiêm trọng, với lượng tiểu cầu rất thấp, bệnh nhân có thể bị chảy máu tự phát như chảy máu mũi, chảy máu răng, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh, rong huyết và trường hợp xấu nhất là xuất huyết trong não.
Các triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết thường là sốt cao (39 - 40 độ C) kèm nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng đặc biệt là vùng hạ sườn phải kèm theo buồn nôn, nôn và các biểu hiện xuất huyết da niêm.
Vì sao paracetamol an toàn cho người bị sốt xuất huyết?
Bác sĩ Minh Tuấn nhấn mạnh, hiện chưa có thuốc kháng virus cụ thể để điều trị sốt xuất huyết. Nghỉ ngơi tại nhà hoặc nhập viện để được chăm sóc và áp dụng các biện pháp giúp giảm đau, hạ sốt như lau mát, uống thuốc hạ sốt, nước điện giải… sẽ giúp làm giảm tình trạng mệt mỏi, khó chịu.
Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau an toàn và hiệu quả được khuyến cáo điều trị các triệu chứng của sốt xuất huyết. Paracetamol tác động trực tiếp lên các trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi (vùng nhỏ ở trung tâm bộ não), làm tăng sự tản nhiệt của cơ thể thông qua giãn mạch và tiết mồ hôi.
Cơ chế tác dụng của paracetamol còn liên quan đến sự ức chế enzym cyclooxygenase (COX - chất tham gia vào quá trình sản xuất prostaglandin, hoạt chất trung gian gây viêm, đau, sốt…) của hệ thần kinh trung ương chứ không tác dụng trên cyclooxygenase toàn thân, nên giúp giảm đau, hạ sốt an toàn mà không gây ra tác dụng phụ. Do đó, paracetamol giữ vị trí "độc tôn" về hạ sốt giảm đau, an toàn cho cả người lớn và trẻ em, được chỉ định trong các bệnh nhiễm trùng như sốt xuất huyết để giảm đau và hạ nhiệt.
Trong khi đó, aspirin, ibuprofen và các thuốc chống viêm không steroid khác chống chỉ định vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm dạ dày, rối loạn chức năng tiểu cầu, chảy máu trong ở bệnh nhân. Đồng thời nhóm thuốc này còn làm ức chế COX-1 có trong mô cơ thể nên dễ gây ra các tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày-tá tràng…
Bác sĩ Tuấn đặc biệt lưu ý, dù paracetamol là thuốc không kê đơn, có thể mua được ở các nhà thuốc, tuy nhiên để an toàn và hiệu quả cần phải sử dụng đúng liều lượng, trong thời gian cho phép, cụ thể: liều paracetamol được tính theo 10-15mg/kg/ lần, lặp lại sau 4-6 tiếng.
Chính vì thế, khi có các triệu chứng nghi bị sốt xuất huyết hoặc đã được chẩn đoán và điều trị tại nhà người bệnh chỉ dùng paracetamol trong liều lượng cho phép và khoảng cách giữa các liều đúng thời gian. Không nên tự tiện tăng liều hoặc uống các liều tiếp theo trong khoảng thời gian ngắn.