Việt Nam phát triển thế nào vào năm 2035
- Huyệt vị
- 20:55 - 06/01/2015
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đang cùng thực hiện một nghiên cứu về con đường để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia giàu có và hiện đại, mang lại sự thịnh vượng cho mọi người dân.
Kể từ những năm 1980, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng với tốc độ cao mà không làm gia tăng đáng kể bất bình đẳng, một thành tích mà ít nước cùng trình độ phát triển có thể đạt được. Kể từ đầu những năm 1990, hàng chục triệu người đã thoát nghèo và nhóm 40% dân số thu nhập thấp nhất trong xã hội đã cùng tiến hòa nhịp với tốc độ tăng trưởng.
. Báo cáo Việt Nam 2035 sẽ phân tích các hành động chiến lược và chính sách quan trọng để Việt Nam đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại, phát huy thành tích tăng trưởng hòa nhập tạo phúc lợi cho mọi người.
Đặc biệt, mọi người dân đều được tham gia đóng góp ý kiến vào công tác soạn thảo báo cáo. Nhóm thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 cho biết: “Hãy chia sẻ với chúng tôi ý tưởng và giải pháp của bạn nhằm giải quyết các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt. Chúng tôi muốn nghe ý kiến của các bạn – các công dân Việt Nam và bạn bè quốc tế – để làm cho báo cáo này trở thành một tài liệu hoàn thiện và thiết thực đối với sự phát triển của Việt Nam. Hiện chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đầu xây dựng báo cáo và mới xác định một số vấn đề đầu tiên cần nghiên cứu”.
Một thách thức quan trọng đối với Việt Nam lúc này là quay lại tốc độ tăng trưởng cao. Chìa khóa ở đây là chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng được dẫn dắt bởi khu vực công và đầu tư vốn sang mô hình tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân và dựa trên tăng năng suất lao động nhờ khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh thông qua lựa chọn xanh trong các ngành năng lượng, cấp nước và giao thông, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Trong khi bất bình đẳng về thu nhập ở Việt Nam không quá cao, bất bình đẳng về cơ hội đang là một vấn đề ngày càng được quan tâm. Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề nghèo đọi, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số, và những thách thức mới nổi, ví dụ tình trạng già hóa dân số. Chính sách an sinh xã hội cần đồng bộ hóa các vấn đề bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, và các chương trình việc làm. Ngành y tế và giáo dục cần đổi mới để đáp ứng đòi hỏi của một nền kinh tế hiện đại, công nghiệp hóa và tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho mọi người.
Cải cách thể chế cần bắt kịp với phát triển kinh tế và đảm bảo tăng trưởng hòa nhập mang lại phúc lợi cho mọi người. Các thể chế nhà nước cần được xem xét kỹ lưỡng để nhà nước trở thành một nhân tố thúc đẩy thành công của nền kinh tế.
“Hãy cho chúng tôi biết liệu đó có phải là những vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần giải quyết để trở thành một nước công nghiệp trong thời gian ngắn nhất? Theo bạn chúng ta cần xem xét thêm vấn đề gì nữa?” - Nhóm thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 bày tỏ. Hiện nhóm đã xây dựng một trang thông tin tại địa chỉ www.dsi.mpi.gov.vn/vietnam2035/ để cung cấp thông tin về tiến độ xây dựng Báo cáo, và quan trọng hơn là để tất cả mọi người tâm huyết có thể đem hiểu biết, kinh nghiệm của mình để đóng góp vào nội dung của Báo cáo.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, sẽ tham gia trên website này (từ nay đến hết ngày 20 tháng 1 năm 2015) về các giải pháp cho con đường phát triển của Việt Nam đến năm 2035 mà báo cáo sẽ đề cập.
Đây là một trong những hoạt động đầu tiên phục vụ việc xây dựng “Báo cáo Việt Nam 2035”, một nghiên cứu do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cùng thực hiện, nhằm góp phần xây dựng văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam và hoạch định chính sách phát triển Việt Nam đến năm 2035. Nghiên cứu tập trung xác định hành động chiến lược và chính sách quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia giàu có và hiện đại,. |