THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:37

Những lá thư chưa kịp gửi

Cầu Sông Gianh hôm nay

Trích Nhật ký ngày 18/1/1968:

…12 giờ 24 phút trưa. Đang ở C.751, lại nghe một loạt bom phía Ba Trại dội về. Loạt bom không gây ấn tượng mạnh vì chỗ đứng khuất mái nhà. Một  lúc sau mới thấy khói bốc lên. Vẫn hy vọng các chiến sĩ an toàn như những lần trước, nhưng một lát sau, tin truyền qua điện thoại C.751 - một tin thật đau đớn. Kim Huế vừa từ trận địa về báo cáo với anh Nguyễn Hoàng 3 chiến sĩ vừa hy sinh. Cả ba cô gái - Tình , Thú, Thế đều là chiến sĩ A.6. Nghe tin, sững sờ. Các cô đã bao lần thoát chết trên đường 12A, thoát cả “cửa tử” tọa độ “Đồi 37”,  không ngờ về xuôi lại “dính” bom tọa độ.


 Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Hè bên bom nổ chậm trên đường Ba Trại bờ Nam Sông Gianh

Tôi chạy lên đồi thông, nơi an táng ba đồng chí vừa hy sinh. Con đường trèo lên một sườn đồi khá dốc, đi qua khu rừng thông cây đã lớn là tới một thung lũng bằng phẳng, cỏ xanh rì. Ở đây, anh chị em đang đào 3 cái huyệt, đất đỏ ùn lên xung quanh. Ngay bên cạnh là hai nấm mộ của Trần Đức Hè và Hồ Văn Niệm, cỏ chưa lên xanh, bia mới cắm, vòng hoa viếng có băng giấy “Tổ Quốc ghi công” chữ chưa phai mực. (Hai đồng chí hy sinh ngày 4/1/1968; bom nổ, Niệm bị văng xa 200 mét; Hè thì một ngày sau mới tìm ra…) Thi hài 3 cô gái đặt ở rìa rừng thông. Quả bom trúng giữa hầm, nên cả ba cô thân thể bị nát hết, chỉ còn những mảnh thịt nhỏ lẫn đất, vỏ cây thông và những nhúm tóc cũng bị cắt vụn ra! Lúc đó, Kim Huế cũng đứng gần hầm, định chui vào, nhưng thấy hầm đã chật, chạy sang hầm khác, nên thoát chết.

Thi hài ba cô được chia ra, gói vào ba tấm ni lông để trên một băng-ca, ở góc có nén hương đang cháy. Chị em ngồi quanh, đầu cúi xuống, cố nén khóc, chỉ nghe tiếng sụt sịt. Chờ một lúc mới có hòm. Ba nhúm thi hài như nhau, nên phải quy định hòm nào của ai! Một tấm vải được trải ra, rồi mở gói ni lông rải lên, nhặt những vụn tóc để lên đầu. Lúc này không thấy ai khóc nữa. Hai thằng cướp lại lượn trên đầu, rồi phóng nhiều loạt rốc-két phía biển.

Lấp xong ba mộ thì trời đã gần tối. Cũng hơi lạ là một số chị em khi chuyển đất lấp mộ lại cười! Khó mà giải thích được. Có phải vì đã quá nhiều lần gần bên cái chết, đã quen với cảnh tang tóc?...

Lại cùng các chiến sĩ xuống núi. Rừng thông yên lặng. Trời mây xám. Có người mang hai xẻng vì gồm cả dụng cụ của chị em vừa hy sinh…

Bữa cơm tối, nhiều mâm thừa. Sang A.6, vào trong nhà tối thui, nhìn ra ngoài trời một màu hoàng hôn buồn, rất buồn.

Sau cuộc họp cấp ủy, Ban chỉ huy, Thường vụ Đoàn…, tổ Đảng A.6 họp. Tiểu đội 12 người, có hai chưa phải đảng viên, một bị thương nằm bệnh viện, 3 đồng chí vừa hy sinh, chỉ còn 8 người họp. Với giọng nói là tiếng khóc cố nén, lời phát biểu chị em thể hiện niềm tự hào là một tiểu đội đầu tàu của C.759 anh hùng, 3 năm qua, lúc nào cũng đứng chỗ ác liệt, nay quyết tâm giữ đoạn đường mà ba đồng chí đã đổ máu, dù ngày mai, ba đồng chí nữa, hoặc cả A.6 hy sinh, cũng vững lòng!

Đó không phải là lời nói suông. Trên cả ba lá đơn đăng ký chỉ tiêu thi đua của Tình, Thú, Thế đều đã ghi những điều tương tự. Bình thường, những tờ giấy đó không ai chú ý đến mấy, nay các đồng chí đã hy sinh, những câu viết trên đó như là những dòng chữ viết bằng máu, là lời thề trang nghiêm của người chiến sĩ trước Tổ Quốc khi vào trận sinh tử.

 Đêm đó, ở hầm A.6, lúc mở ba bô của ba cô lấy lý lịch để làm điếu văn, ai cũng muốn nhắc đến những kỷ niệm với người vừa hy sinh. Kim Huế nhắc hồi trưa, đem đến cho chị em mấy quả cam mang từ quê lên, Thế vừa nói vừa cười: “Em nhỏ nhất nên phải ăn múi nhỏ nhất!” Rồi nói: “Nếu hy sinh thì tiếc là không được gặp em.” Đứa em của Thế vừa được sơ tán ra các tỉnh phía bắc trong kế hoạch “K8”. Thật không ngờ câu Thế buột ra lại linh nghiệm!..


Trong ba lô của Thế, có một tập thư khá dày, trong đó có một lá thư của cô em gái mà Thế vừa nhận: “… Em và gia đình rất mong chị về chơi một bữa mà không thấy về chơi đâu cả. Có những đêm em nằm mơ thấy chị về, em rất là vui mừng; còn những đêm thấy họ về mà không thấy chị về đâu cả, em khóc nói sao chị không về…”

Còn trong một cuốn vở mỏng, có bài tập làm văn (viết thư) của Thế ngày 13/1/1968:

“Liên bạn mến… Đơn vị mình được phụ trách một quãng đường rất đẹp. Hai bên đường, những cây thông đứng thẳng như so đũa, bóng râm mát, những cành lá reo vi vu như tiếng đàn bản nhạc…

Nhưng từ ngày đế quốc Mỹ đem bom ra tọa độ quãng đường này, cứ sau một lần tọa độ là những cây thông xơ xác như sau một trận bão khủng khiếp. Ngày 4/1, nó cắt 5-6 lần tọa độ. Bom chậm đang trơ ra đó. Sau mấy lần bom nổ, đơn vị mình cũng có xẩy thương vong, nhưng không ai nao núng, quyết thông xe để giành thắng lợi về ta…”

 

Trong ba lô của Tình cũng có một tập thư, trong đó có thư mẹ mà Kim Huế  vừa cầm lên, bảo Tết cố gắng về thăm nhà và “mẹ có gửi cho con chục chanh và một ít chùm bồ kết…” Và một ngày trước lúc hy sinh - ngày 17/1/1968, Tình viết thư gửi anh Lục. Lá thư chưa kịp gửi, bỏ trong một phong bì nhỏ, rất gọn. Mặt sau phong bì, có dòng chữ: “Nhờ anh Bưu điện chuyển hộ vào tận tay người anh Thanh Lục. Xin cảm ơn!” Xem qua thư, từ câu đầu “Anh Thanh Lục kính thương của em…”, đoán rằng hai người chưa có tình cảm gì sâu đậm; và Tình coi như một người anh lớn. Trong thư có đoạn như sau:

“… Đọc thư anh, em càng nghĩ đến người anh lúc này khá vất vả với mưa gió rét, lại đánh giáp mặt quân thù. Em nghĩ rất thương đến người anh mà em chưa hề gặp mặt, nhưng có rất nhiều tình cảm… Này anh, em thấy các anh ở trong Nam ra đi qua đây rất đông, em nghĩ rằng lúc này mà người anh của mình đi trong đoàn này thì vui sướng biết là bao… Anh ạ, lá thư này em còn cầm đọc và biên thư cho anh đây, chẳng hiểu lá thư sau có nhận được không hay là mảnh bom vô tình của đế quốc Mỹ nó cướp mất, nhưng đó là điều dĩ nhiên thôi…”

 Liệt sĩ Hoàng Thị Minh Thú bên bom nổ chậm trên đường Ba Trại bờ Nam Sông Gianh

Khi mở ba lô của Thú, thấy một cái áo mới trắng tinh, Mị nói như khóc: “Hồi sáng, Thú mới khoe là đi làm về sẽ cho chị em xem áo mới may…” Đặc biệt hơn, trong hộp các-tông của Thú có một lá thư viết xong, đã dán lại, nhưng chưa kịp gửi. Thư đề ngày 18/1/1968, tức là ngày Thú hy sinh. Xin được trích nguyên văn vài đoạn như sau:

 

Những lá thư của 3 liệt sĩ C.759 anh hùng

“Bố mẹ kính mến, các anh chị và 5 cháu nhớ thương!

… Con báo để bố mẹ rõ, con vẫn khỏe, công tác tốt, về mọi mặt được thầy yêu bạn mến, đơn vị thương con nhiều, vì qua những giờ sống chết anh em đều có nhau, ôm ấp lấy nhau làm cho các con càng thêm lòng tin tưởng vào nghiệp chống Mỹ của chúng ta…Về sự phấn đấu của con thì còn dang dở, anh chị em họ cũng mong con sớm đứng dưới là cờ tiên phong của Đảng; điều đó con cũng rất mong muốn và hiện nay con chỉ mới đối tượng Đảng, chưa được kết nạp đâu. Con cũng đang đem sức phấn đấu để  được vào Đảng càng tăng thêm vững vàng cho hàng ngũ Đảng. Con sẽ hứa phấn đấu để đạt tới.

Bố mẹ ạ, bây giờ con nói qua chuyện khác nhé. Ở đây máy bay ngày nào nó cũng đánh phá, nhất là tuyến đường các con phụ trách, rất gay go và ác liệt, hố bom chi chít, bom tọa độ ngày nào cũng xối xuống, cái chết và cái sống nó gần nhau lắm; nhưng bố mẹ ạ, chỉ có những người làm cách mạng mới mang tất cả những trái tim đầy dũng cảm để đem lại những kết quả cho Đảng cho nhân dân. Dù có đổ máu, các con cũng không tiếc tuổi xuân, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì Tổ Quốc mà hy sinh, vì nhân dân mà phục vụ. Ngày mai đất nước toàn thắng, chúng con trở về sum họp yên vui…

Con cũng không có gì gửi cho gia đình để giúp đỡ bố mẹ, cũng chịu tệ với gia đình thôi…

Những lá thư chưa kịp gửi của các cô gái tuổi đôi mươi đã làm nhiều người rơi nước mắt. Đã có những câu nói tương tự phát biểu trong hội nghị hay đăng báo, nhưng những lá thư của các cô gái A.6 gửi người thân là niềm tâm sự kín đáo, chứ đâu phải để công bố, nên thực sự là những dòng tâm huyết, thật xứng đáng ghi vào sử sách. Lạ một điều, cả ba cô trước lúc hy sinh đều thốt lên những điều “gở”. Hẳn là vì cái chết luôn cận kề, chứ không phải sự tiên báo. Thế thì nói trước sự tiếc nuối không gặp lại đứa em nhỏ ở quê vừa sơ tán theo đoàn “K8”; Tình thì viết cho anh Lục “điều dĩ nhiên” là cô sẽ bị bom Mỹ “cướp” mất, sẽ chẳng còn được đọc thư anh nữa; Còn Thú thì dặn trước chị Cẩm rằng “nếu em hy sinh thì chị đừng buồn nhé!”

“Đừng buồn” sao được Thú ơi khi sự mất mát vĩnh viễn và đau xót hơn cả vết dao chém đã hiện ra tức thời trong chớp mắt. Vậy là cô em nhỏ của Thế chẳng bao giờ được gặp người chị nữa; Thú thì cứ mãi “chịu tệ với gia đình”; người mẹ và hai đứa em Tình ngày Tết sẽ mỏi mắt chờ cô, cũng như anh Thanh Lục sẽ mãi mãi không bao giờ nhận được thư của cô gái huyện Tuyên nữa!...

Riêng với Hoàng Thị Minh Thú, lời hứa với bố mẹ “phấn đấu để được vào Đảng” đã tới đích. Trước đó, có ý kiến cho là Thú phải thử thách thêm vì mới được kết nạp Đoàn trên trận địa “Đồi 37”; với lại Thú chăm chút hơi nhiều đến cách ăn mặc, mái tóc! Trời đất! Còn thử thách nào hơn trước cái chết luôn cận kề. Và biết làm đẹp mình lại là khuyết điểm sao? Liệu Thú có biết, ngay trong lễ truy điệu sáng ngày 19/1/1968, Đảng uỷ cấp trên đã chính thức tuyên bố kết nạp Thú vào Đảng kể từ ngày 18-1-1968! Có điều, chẳng bao giờ Thú còn được vuốt ve mái tóc đen mượt của mình nữa!...

Buổi sáng ấy, ngay sau lễ truy điệu, các chiến sĩ TNXP C.759 với miếng vải đen để tang đồng đội trên vai, lại cất vang tiếng hát “Có chúng tôi trên mặt đường.” Và cùng với các tiểu đội khác, 8 chiến sĩ hiện còn trong A.6, lại lên đường Ba Trại tiếp tục cuộc chiến đấu…

Trích Nhật ký của Nguyễn Khắc Phê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh