THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:16

32 tỉnh/ thành chưa có trường chuyên biệt cho học sinh khuyết tật

 

NKT có quyền được học nghề và có việc làm để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.


Từ Pháp lệnh người tàn tật năm 1998, đến Luật NKT (2010), tháng 11/2014, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của liên hợp quốc về Quyền của NKT, đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của NKT. Chính sách pháp luật đối với NKT tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận quyền con người, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NKT phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qúa trình tổ chức thực hiện Luật NKT trong những năm qua đã phần nào khẳng định, Nhà nước, gia đình và xã hội đã có nhiều nỗ lực cho mục tiêu bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội cũng như quyền, lợi ích đặc thù của NKT. Đời sống của NKT từ đó đã được cải thiện hơn, ngày càng có nhiều tấm gương NKT không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, được xã hội, cộng đồng tôn vinh, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực từ các chính sách bảo trợ xã hội, giáo dục hòa nhập, tham gia giao thông của NKT..., cũng phải thừa nhận, hiện vẫn còn nhiều chính sách thực hiện đối với NKT còn hạn chế, chưa đảm bảo được quyền của NKT. Trong đó, phải kể  đến quyền được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng của NKT.

Tại hội thảo vai trò của các tổ chức NKT trong việc thúc đẩy thực hiện hóa quyền của NKT do Liên Hiệp hội về NKT Việt Nam tổ chức mới đây tại TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Hồng Ngọc, chuyên viên cao cấp, Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội đã chỉ ra rằng, phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng là nội dung quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho NKT. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nội dung này rất hạn chế. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Ngọc, hiện nay, Bộ Y tế mới đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện PHCN dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo, trong đó phải kể đến nhân lực thực hiện công tác PHCN tại hầu hết các địa phương còn thiếu và chưa đạt trình độ theo yêu cầu. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, một cán bộ của Sở Y tế thành phố cho biết, cán bộ y tế được đào tạo có kiến thức về PHCN rất ít, trong 54 bệnh viện của thành phố chỉ có 13 bác sỹ được đào tạo chuyên môn về PHCN; tại 319 trạm y tế, cũng chỉ có 117 cán bộ y tế có kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực này.

Bên cạnh quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học văn hóa cũng là một trong những nội dung quan trọng đối với NKT. Ông Nguyễn Hồng Ngọc cho biết, hiện còn 32 tỉnh, thành phố (trong đó có nhiều tỉnh miền núi, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu IV cũ) chưa có trung tâm, trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Cả nước mới chỉ có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Còn lại, đa số các trường phổ thông đều chưa đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập. Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên dạy học sinh khuyết tật cũng chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn trong trường có học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Về quyền được học nghề và việc làm đối với NKT, theo TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ ( Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay số lượng NKT được dạy nghề vẫn chỉ đạt ở mức thấp và hầu hết là trình độ sơ cấp. Giai đoạn 2010 - 2014 có khoảng 120.000 NKT được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm.

Đáng nói, ngoài vấn đề về kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, hiện nhiều địa phương cũng chưa thực hiện việc hỗ trợ cho cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng 30% lao động là NKT trở lên... Quyền tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và quyền tiếp cận các công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin đối với NKT cũng còn những hạn chế nhất định.

Có thể nói, cùng với các chính sách đi vào cuộc sống, giúp NKT từng bước vươn lên, hòa nhập cộng đồng, vẫn còn đó những sự nhìn nhận khuyết tật theo mô hình từ thiện hoặc y tế, coi NKT là những người bất lực cần các dịch vụ trợ giúp đặc biệt hoặc cần được chữa trị. Đó là những rào cản làm cho NKT không có khả năng hoạt động và tham gia đóng góp một cách bình đẳng trong cuộc sống. Việc thúc đẩy thực hiện quyền của NKT vì thế còn những hạn chế và không đạt được kết quả như mong đợi.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh