THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:46

Những gương mặt đoạt giải Nobel 2015

 

Giáo sư Angus Deaton, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2015.

 

Lĩnh vực kinh tế

Nhà khoa học Angus Deaton, giáo sư kinh tế về các vấn đề quốc tế (Đại học Princeton) danh giá, đã trở thành người giành giải Nobel Kinh tế. Giáo sư Deaton, 69 tuổi, người mang hai quốc tịch Anh - Mỹ, nổi tiếng bởi công trình nghiên cứu về sự lựa chọn của từng người tiêu dùng. “Thông qua việc kết nối sự lựa chọn chi tiết của từng cá nhân với tổng thu nhập chung, ông đã giúp biến đổi các lĩnh vực kinh tế vi mô, vĩ mô và phát triển kinh tế”. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết đã tôn vinh giáo sư Deaton vì có phát hiện liên quan tới 3 câu hỏi quan trọng: Người tiêu dùng chi tiêu ra sao trên các mặt hàng khác nhau; thu nhập của xã hội được tiêu dùng và tiết kiệm ra sao; cách thức tốt nhất để đo đếm, phân tích phúc lợi và sự nghèo khó.

Ba nhà khoa học đã tìm ra phương thức chống ký sinh trùng hiệu quả.

 

Lĩnh vực y học

Nghiên cứu của 3 nhà khoa học William Campbell (CH Ireland), Satoshi Omura (Nhật Bản), Youyou Tu (Trung Quốc). Cả ba đã phát hiện ra loại thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu dịch bệnh ảnh hưởng đến nhân loại do virus ký sinh. Cụ thể, các bệnh do ký sinh trùng hoành hành phổ biến nhất ở các nước nghèo nhất thế giới, đặt ra thách thức lớn cho việc cải thiện sức khỏe và chăm sóc y tế cho con người. Bà Youyou Tu đã tìm ra loại thuốc mới chống ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Những phát minh đã giúp đỡ hơn 3 tỷ người. Các bệnh do ký sinh trùng gây ra đã ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư nghèo nhất thế giới, tạo ra một rào cản khổng lồ trong việc cải thiện và nâng cao sức khỏe của con người.

Lĩnh vực văn học

Nữ nhà báo, nhà văn CH Belarus, bà Svetlana Alexievich (67 tuổi) nhận giải Nobel Văn học 2015 nhờ vào những tác phẩm nổi tiếng đầy cảm xúc về thảm họa hạt nhân Chernobyl và chiến tranh thế giới lần 2 dựa trên lời kể các nhân chứng.

Nữ nhà văn Nobel 2015 Svetlana Alexievich.

Tác phẩm ghi nhận những nỗi kinh hoàng thông qua lời kể của các nhân chứng để phản ánh trong các tác phẩm của mình. Bà Alexievich có nhiều tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và trước đó được trao nhiều giải thưởng quốc tế. Bà Alexievich  bắt đầu ghi âm lời kể của những nữ binh sĩ từng tham gia chiến tranh Thế giới thứ 2, khi bà là phóng viên một tờ báo địa phương trong thập niên 1970, và sau đó cho ra mắt tác phẩm nổi tiếng đầu tiên là “War’s Unwomanly Face” (Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ) năm 1988.

Vào năm 1998, bà Alexievich xuất bản quyển sách mang tựa đề “Voices from Chernobyl” (Những tiếng nói từ Chernobyl), phơi bày nỗi kinh hoàng của những người làm công việc dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine.

Lĩnh vực hóa học

Ba nhà khoa học đoạt giải nhờ công trình nghiên cứu tế bào sửa chữa ADN và bảo vệ thông tin di truyền là Tomas Lindahl (77 tuổi), người Thụy Điển; Paul Modrich (69 tuổi) người Mỹ và Aziz Sancar (69 tuổi), người Thổ Nhĩ Kỳ. Các khám phá của ba nhà khoa học này "Đã cung cấp kiến thức cơ bản về cách một tế bào sống hoạt động như thế nào và có thể được sử dụng để phát triển các phương pháp chữa trị ung thư mới ra sao”.

Ba nhà khoa học đạt giải Nobel Hoá học 2015.

Theo các chuyên gia, tổn hại ADN luôn luôn xảy ra và lí do khiến vật chất di truyền của chúng ta không tan rã thành những mớ hỗn độn hoàn toàn về mặt hóa học là nhờ một loạt hệ thống phân tử liên tục giám sát và sửa chữa ADN. Ba nhà khoa học có công vẽ nên bản đồ về cách rất nhiều trong số những hệ thống sửa chữa này hoạt động ra sao ở cấp độ phân tử chi tiết. 

Hồi đầu những năm 1970, các nhà khoa học tin rằng, ADN là một phân tử vô cùng ổn định, nhưng nhà khoa học Tomas Lindahl chứng minh rằng, ADN phân rã ở một tốc độ chắc chắn đã tạo điều kiện cho sự phát triển của sự sống trên trái đất. Quan điểm thấu đáo này đã dẫn ông tới khám phá về một cơ chế sửa chữa đứt đoạn gốc ở cấp độ phân tử, liên tục chống lại sự sụp đổ của ADN của chúng ta. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp những kiến thức căn bản về cách thức hoạt động của tế bào sống và được sử dụng để phát triển các phương pháp chữa trị ung thư mới.

Giải Nobel hòa bình

Ủy ban Nobel Na Uy trong việc bênh vực phong trào Mùa xuân Ả Rập Bộ tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia vì góp phần vào phong trào Mùa xuân Ả Rập đầu tiên, cũng là thành công nhất. Những đóng góp này mang tính quyết định trong việc kiến tạo nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau Cách mạng Hoa nhài năm 2011. Bộ tứ trung gian hòa giải kể trên gồm 4 tổ chức chính trong xã hội dân sự Tunisia: Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT), Hiệp hội Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia (UTICA), Liên đoàn Nhân quyền Tunisia (LTDH) và Hiệp hội Luật sư Tunisia.

Các nhà lãnh đạo Bộ tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia tại một cuộc họp báo tại thủ đô Tunis.

Ra đời vào mùa hè năm 2014, bộ tứ này tiếp sức cho tiến trình dân chủ ở Tunisia đang có nguy cơ sụp đổ bằng cách tạo dựng cuộc đối thoại cho các thành phần khác nhau trong xã hội. Những nỗ lực hòa giải dân tộc của bộ tứ giúp Tunisia tránh được kịch bản đẫm máu tương tự các nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi trong phong trào Mùa xuân Ả Rập.

“Giải thưởng trên là nguồn khích lệ cho nhân dân Tunisia, những con người đã đặt nền tảng cho tình anh em dân tộc mà Ủy ban Nobel hy vọng sẽ là tấm gương cho các nước khác. Đây còn là công cụ giúp Tunisia thiết lập một hệ thống chính quyền hợp hiến, bảo đảm những quyền cơ bản cho toàn dân, bất kể giới tính, nhận thức chính trị hoặc niềm tin tôn giáo” - bà Kaci Kullman Five, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh.

QUÝ ĐỨC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh