Những góc nhìn về một "người hùng"
- Văn hóa - Giải trí
- 02:53 - 04/03/2021
Cảm phục vì anh đã rất dũng cảm, làm được một việc và với rất nhiều người khác là "bất khả thi" - cứu được sinh mạng cháu bé. Còn tự hào là bởi hành động của anh Mạnh được nhiều báo chí nước ngoài ngợi ca, qua đó nâng cao hình ảnh, vẻ đẹp của con người Việt Nam.
"Hero" (người hùng) hay "superhero" (siêu anh hùng) là những từ mà The Guardian, Independent (Anh) hay New York Post (Mỹ) dùng để nhắc về anh Nguyễn Ngọc Mạnh.
Thế nhưng, bên cạnh đại đa số nguồn tin phản ánh sự việc một cách đầy đủ, trung thực, đúng mức thì đây đó vẫn có một số luồng thông tin hoặc "nâng" tầm mức của vấn đề lên quá cao, biến anh Mạnh trở thành... "vị thánh" hoặc tìm cách "hạ thấp" vai trò của anh Mạnh trong việc cứu cháu bé.
"Nâng" anh Mạnh lên... quá đà, có tờ báo "cao hứng" ví anh như một nhân vật "đại hiệp" trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Nhưng "quái dị" hơn là có một số báo hay trang tin điện tử lại khai thác các yếu tố "ngoại vi" nhằm phủ nhận vai trò của anh Mạnh. Ví dụ, có trang điện tử khẳng định "chính mái tôn mới giúp bé gái rơi từ tầng 12 bảo toàn tính mạng", hay có trang điện tử khác giật tít với sự hoài nghi "Nguyễn Ngọc Mạnh có thật sự là người hùng?". Một tờ báo điện tử khác thì "cố gắng" khai thác những chi tiết từ góc quay của một clip được tải lên mạng xã hội, sử dụng cả... kiến thức vật lý để cố "chứng minh" rằng anh Mạnh "không hoàn toàn đỡ được cháu bé" khi cháu rơi từ tầng 12A xuống (!?).
Không biết động cơ của những bài báo nói trên là gì, chỉ biết rằng rất đông người dùng mạng xã hội đã phản ứng gay gắt với cách đưa thông tin vô cảm và vô tâm như vậy. Bởi "chỉ riêng hành động của anh Mạnh khi trèo tường, leo lên mái tôn để đỡ cháu bé trong tình cảnh ngặt nghèo như vậy đã là xứng đáng được tôn vinh lắm rồi!" - lời một người dùng Facebook.
Với hành động dũng cảm của mình, anh Mạnh đã được lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, TP. Hà Nội và nhiều cơ quan, đoàn thể khen thưởng xứng đáng. Nhưng bản thân anh vẫn rất khiêm tốn: "Tôi không phải là siêu nhân, anh hùng, trong tình huống cấp bách ấy ai cũng sẽ làm như tôi. Mong muốn bây giờ của tôi là cuộc sống sớm được quay trở lại bình thường, được tiếp tục đi làm công việc yêu thích của tôi, để có tiền nuôi gia đình, chứ không mong muốn gì cao siêu cả".
Mọi sự tung hô quá đà đều có thể phản tác dụng. Nhưng những động thái nhằm "dìm hàng" một hành động dũng cảm được dư luận cả trong và ngoài nước ngưỡng mộ là rất đáng bị chê trách, phê phán.