CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:11

Những gia đình thoát nghèo bằng nghề “Cha truyền con nối”

Chúng tôi đến nhà chị Hoàng Thị Mai, trú tại thôn Kỳ Thọ Nam 2 thuộc xã Hành Đức huyện Nghĩa Hành khi chị Mai đang chuẩn giao 30 ngàn trứng vịt cho khách. Chị lấy chồng đã trên 30 năm. Chồng chị trước đây làm nghề chăn vịt. Khi lấy nhau rồi anh chị vẫn bám nghề, anh chăn vịt, chị ấp trứng rồi đi bán. Sau 20 năm từ ngày cưới, ngoảnh đi, ngoảnh lại cũng chỉ đủ ăn qua, không dư được chút nào. Chị Mai nhớ lại: “Mình đâu có vốn, làm đâu ăn đó, không dư đồng nào. Ông xã tui đi chăn vịt thuê chớ đâu có đàn vịt riêng. Năm đó khoảng 2010, vợ chồng tui đánh liều mượn sổ đỏ của người em vay 200 triệu đồng, mua vịt đàn về thả, xây lò ấp trứng. Cũng nhờ trời thương và chịu khó, hiện giờ mọi việc rất thuận lợi”.

Chị Hoàng Thị Mai bên trang trại nuôi vịt của gia đình.

Chị Hoàng Thị Mai bên trang trại nuôi vịt của gia đình.

Theo ông Nguyễn Sỹ Hải-Chủ tịch UBND xã Hành Đức, việc các gia đình thoát nghèo từ nghề “Cha truyền con nối” ở xã Hành Đức không phải là hiếm. “Cái khó là trước đây họ chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay, chưa thể tiếp cận với cách thức làm ăn mới, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động. Còn bây giờ các nguồn vốn vay đã được đa dạng hóa, người dân đã quen dần với cách làm mới, học hỏi kinh nghiệm qua các phương tiện truyền thông nên mỗi ngày công việc của họ cũng tiến triển tốt theo đà tăng trưởng của toàn xã hội”, ông Nguyễn Sỹ Hải chia sẻ.

Như trường hợp của chị Đoàn Thị Đảnh trú tại thôn An Hòa xã Hành Dũng cũng là 1 ví dụ về việc nối nghiệp làm nghề từ gia đình. Trước khi lấy chồng, gia đình chị ở xã Nghĩa Kỳ huyện Tư Nghĩa làm nghề chổi đót, lấy chồng chị mang theo nghề về Hành Dũng quê chồng mưu sinh. “Ngày ấy tui phải tự đi gom đót về bó, bện lại thành chổi mang ra chợ bán rau cháo qua ngày, chồng ở nhà làm nông. Cách đây 15 năm ảnh qua đời vì bệnh tật. 1 mình tôi gồng gánh nuôi 2 đứa con. Cũng may năm 2008, tổ chức Plan hỗ trợ cho gia đình 7,5 triệu đồng làm đỡ căn nhà ở. Thông qua Hội phụ nữ xã tui được vay 30 triệu đồng để làm nghề chổi đót. Sau 10 năm, giờ các con đã có việc làm tui cũng đỡ khổ rồi. Mà giờ làm chổi đót cũng sướng nhiều rồi, đót thương lái mang đến, làm chổi xong thương lái đến gom chổi đi bán mình chỉ việc ngồi nhà gia công là chính”.  

Đoàn Thị Đảnh trú tại thôn An Hòa xã Hành Dũng đã thoát nghèo bằng nghề truyền thống của gia đình.

Đoàn Thị Đảnh trú tại thôn An Hòa xã Hành Dũng đã thoát nghèo bằng nghề truyền thống của gia đình.

Chị Võ Thị Phẩm-Chi hội Trưởng chi hội phụ nữ thôn An Hòa cho biết: “Gia đình chị Đoàn Thị Đảnh trước đây nghèo lắm, từ khi tiếp cận được nguồn vay từ Hội phụ nữ, kinh tế gia đình đã có chuyển biến rõ rệt, mà không riêng gì gia đình chị Đảnh, nhiều gia đình khác trong thôn cũng đã “đổi đời” từ các nguồn vốn vay”.

Nhìn căn nhà khang trang của chị Bùi Thị Mỹ Hạnh trú tại thôn An Phước xã Hành Dũng ít ai biết rằng cách đây chừng 5-7 năm gia đình chị luôn thuộc diện hộ nghèo “có thâm niên”. Chị Hạnh giải bày: “ở quê thì nghề truyền thống là chăn nuôi, trồng trọt vậy thôi, chứ sao làm thêm gì đâu, nhưng cứ nghèo mãi, làm không đủ ăn. Khi có nguồn vốn vay, vợ chồng tui mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Rãnh thì chạy ra chợ làm gà, vịt thuê cho các đầu nậu tại chợ. Cũng đủ kiếm cơm qua ngày. Còn lãi thì từ chăn nuôi, trồng trọt. Sau nhiều năm tích góp cách đây 2 năm vợ chồng tui cất được căn nhà mới này, mừng rơi nước mắt luôn em ơi. 2 đứa con cũng vào đại học rồi. Cũng còn phải lo nhiều nhưng đã có “của để dành” nên cũng rất yên tâm.

2.Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh chăm sóc đàn gia súc của gia đình

2.Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh chăm sóc đàn gia súc của gia đình

Những người phụ nữ ở Nghĩa Hành trong bài viết này đã có những năm tháng cơ cực để mưu sinh, để lo cho mái ấm của mình. Với họ, ngoài sự tần tảo vốn có của người phụ nữ thì các trợ lực khác từ xã hội đã làm “bệ phóng” để họ vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no trên mảnh đất quê hương mình.

HOÀNG NGÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh