THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 03:15

Những đứa trẻ nơi cửa Phật

Nằm trên quốc lộ 1A, thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định, niệm Phật đường Mỹ Hóa nhiều năm qua đã trở thành nơi cưu mang những đứa trẻ ra đời từ sự lầm lỡ của những người làm cha, làm mẹ. Nhìn bề ngoài nơi đây không khác gì những ngôi chùa khác, chỉ có điều là mỗi chiều về lại nghe tiếng trẻ con nô đùa, tiếng tụng kinh và tiếng những em bé sơ sinh khóc đòi sữa mẹ. Không biết từ bao giờ cửa chùa đã trở thành mái nhà cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Các em đều có chung một nỗi đau là bị chính cha mẹ mình chối bỏ, song lại được lớn lên trong tình yêu thương nơi cửa Phật từ bi, đón nhận sự cưu mang, chăm sóc ân cần từ các sư cô lẫn những người phụ nữ tình nguyện đến làm công quả tại chùa, những “người mẹ” chưa một lần làm mẹ...

Những mảnh đời con bị chối từ

Tiếng chuông chùa cứ thong thả ngân nga trong chiều tạo cảm giác thanh thoát, gần gũi thiêng liêng đến lạ thường. Vừa đặt chân vào phía trong sân, bên cạnh vòi nước, một sư cô đang thong thả cạo đầu cho các bé theo nghi thức nhà chùa. Sư cô thành thục đưa lưỡi dao cạo những mảng tóc tơ cho lần lượt từng bé, cả thảy có đến năm bé được sư cô chăm chú cạo đầu, để chỏm trước trán. Trong phòng, gần chục trẻ đang được ẵm bồng, chăm sóc. Có bé lên ba chạy nhảy như sóc. Có bé chừng một tuổi chập chững đi men. Cũng có cháu chỉ biết ê a, mang nét mặt ngây ngô của trẻ bị bại não. Tiếng trẻ con khóc cười cứ như một bức tranh tương phản giữa hai cuộc sống hoàn toàn biệt lập giữa đời thường.

Những đứa trẻ được sư Minh Tâm cạo tóc để chỏm theo đúng nghi thức Phật giáo.

Ngôi niệm Phật đường tuy nhỏ nhưng sạch sẽ và thoáng mát, nơi đây là mái ấm của tổng cộng 35 con người cả trẻ em lẫn người lớn, trong đó có 15 trẻ từ một đến 15 tuổi mồ côi được nuôi dưỡng chu đáo mỗi ngày. Trẻ nhỏ được nuôi tại chùa, cho đi học, lớn hơn chút nữa được gửi đi tu tập ở tu viện trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh. “Ngày tôi mới về trụ trì, chùa đã nhận nuôi một vài trẻ mồ côi. Nhưng vài ba năm nay, số người bỏ trẻ trước cổng chùa ngày một đông hơn. Có cháu vì hoàn cảnh gia đình ly tán hoặc khó khăn nên gửi chùa nuôi tạm, cũng có những đứa trẻ do mẹ chúng lầm lỡ nên sinh xong đem đến đây bỏ luôn. Như năm 2014, chùa chúng tôi có đến sáu trẻ sơ sinh bị bỏ lại trước cổng vào lúc sáng sớm hoặc trưa vắng...” - sư cô Thích Nữ Minh Tâm, trụ trì ngôi chùa, cho biết.

Những đứa trẻ tội nghiệp vốn đã bất hạnh khi phải rời xa hơi ấm của cha mẹ từ lúc mới chào đời nhưng chúng lại may mắn được bàn tay sư trụ trì Minh Tâm chăm bẵm, ấp ủ, bé nào cũng được yêu thương, được tạo điều kiện học tập như bao đứa trẻ khác. Nhìn bé Hồ Tâm Phúc, 13 tháng tuổi, kháu khỉnh, đôi mắt tinh anh, có ai ngờ vào một buổi sáng sớm cách đây hơn một năm, em bị bỏ lại trước cổng chùa khi còn đỏ hỏn, lúc ấy bé nặng đúng 1,4 kg. Sinh ra đã thiếu cân, lại được bao bọc sơ sài trong một tấm khăn mỏng, phơi mình hàng giờ dưới màn sương lạnh ngắt, sinh mạng em lúc đấy chẳng khác gì “chỉ mành treo chuông”. Các sư cô đã phải ngược xuôi đưa em đến bệnh viện nằm lồng kính để qua cơn nguy kịch do bị thiếu tháng, suy dinh dưỡng nặng.

Đưa ánh mắt về từng đứa trẻ đang tinh nghịch hồn nhiên, sư cô nhớ lại hoàn cảnh của hai chị em Tâm Như - Tâm Minh, lòng không giấu nghẹn ngào, chua xót. “Cha mẹ các cháu sau khi ly hôn đã gửi ba đứa con, đứa lớn nhất ba tuổi, nhỏ nhất còn đang ẵm ngửa, vào một ngôi chùa ở thị xã An Khê, Gia Lai. Đến khi một bé chết vì bệnh nặng, đứa út lúc đó cũng bị nhiễm trùng máu nên chùa này mới gửi xuống đây cho chúng tôi nuôi” - trụ trì Minh Tâm nhớ lại.

Theo lời kể của sư trụ trì, bé Tiểu Tâm Như cùng với chị gái Tâm Minh được đưa về chùa cùng một thời điểm. Lúc ấy Tâm Minh được ba tuổi, còn Tâm Như chỉ mới bảy tháng tuổi, toàn thân bị lở loét đến mức bị nhiễm trùng máu, phải chạy chữa, thuốc thang mất nửa năm trời mới lành lặn hẳn. Đến nay bé Như đã hơn ba tuổi, trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, suốt ngày quấn lấy sư cô không rời. Bé Minh thì được nhà chùa cho đi học, hiện em đang học lớp 3.

Trường hợp bé Hồ Tâm Đạo,12 tháng tuổi, là nặng nhất. Lúc nuôi được vài tháng bé rất bụ bẫm nhưng càng lớn lại càng ốm yếu, đi khám mới biết bé bị ngoại tạng (ruột nằm ngoài ổ bụng) cần được phẫu thuật sắp xếp lại các bộ phận. Rồi có bé bị Down, bị các dị tật bẩm sinh cũng bị cha, mẹ vứt bỏ trước cổng chùa…

Bắt nguồn từ chữ “duyên”

Ngôi chùa từ lâu đã trở thành mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh bị bỏ rơi. Chúng quấn quýt bên sư cô và coi sư cô như mẹ. Bởi trong sâu thẳm những tâm hồn còn non nớt ấy, chúng khát khao tình thương, sự che chở và hai tiếng “gia đình” hơn bao giờ hết. “Có đêm đang ngủ bỗng nghe tiếng khóc văng vẳng, chạy ra cổng thì thấy em bé nằm trong một cái giỏ ai đó bỏ lại trước cổng chùa. Cũng có khi là lúc sáng sớm hay giữa trưa vắng người.

Theo năm tháng, cùng với số trẻ thu nhận ngày càng đông, cả sư cô trụ trì, tiểu tăng lẫn những phụ nữ tình nguyện đến làm công quả tại chùa dần dần trở thành bảo mẫu, những người trông trẻ thực thụ. Bất kể sáng sớm hay tối khuya, các sư đều phải pha sữa cho bé uống. Mỗi khi cho ăn, các sư cô mất thêm vài tiếng đồng hồ để múa hát, làm mặt cười, mặt dữ, cố gắng cho được từng muỗng cơm vào miệng các bé.

Nửa đêm nửa hôm các bé sốt cao, co giật, mọi người phải tay ẵm, chân chạy, nhanh chóng đưa bé đến trung tâm y tế huyện, hay cắt cử thay nhau nuôi bé bị bệnh nặng trong lồng kính hàng tháng trời trong bệnh viện. Mỗi tháng chùa chỉ thu được một khoản tiền không nhiều từ việc cúng dường của Phật tử. Tất cả số tiền đó đều được dành để mua sữa, mua thức ăn và lo cho các em học hành. Hết tiền, hết sữa chùa lại xin các nhà hảo tâm, Phật tử đóng góp, nhờ vào của thập phương. Do đó bữa ăn hằng ngày của 35 con người nơi đây chỉ có cháo rau, củ đậu và mấy món đồ chay đạm bạc. Mặc dù vậy nhưng đó là tất cả những gì tốt nhất mà các sư có thể làm được cho các bé.

“Nhiều người có điều kiện hay những gia đình hiếm muộn từng đến đặt vấn đề xin trẻ về nuôi, ban đầu tôi và các sư cô cũng muốn chu toàn tâm nguyện của họ vì nghĩ cuộc đời của các bé sẽ thêm nhiều may mắn. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, ai cũng không yên tâm vì đời các bé đã một lần bất hạnh, cho đi rồi liệu có được sống sung sướng hay lại càng bất hạnh hơn. Mặt khác, nếu có cho thì cho ngay lúc nhận chứ đã mang vào chùa nuôi nấng rồi thì coi như em bé đó có duyên với chùa, với Phật. Mình mà cho đi, giả sử họ có cho lại mấy triệu đồng, dù mình có lấy hay không thì người ngoài cũng đồn đãi là mình bán trẻ, như thế không hay chút nào. Mình cứ nuôi lớn, cho các cháu đi học Phật pháp. Nếu cháu nào có duyên với Phật thì sẽ ở lại kế nghiệp chuyên tâm tu tập, còn không thì cho hoàn tục theo sở nguyện, như thế không phải tốt hơn sao?” - sư cô Thích Nữ Minh Tâm tâm sự.

Mọi trẻ em trên đời, dù là ai đi chăng nữa, dù xuất thân trong hoàn cảnh nào đi nữa, chúng vẫn có quyền được yêu thương, chăm sóc như bao đứa trẻ khác. Tôi lặng người, đôi mắt cay xè trước những gương mặt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của những bé con vừa chào đời đã phải gánh chịu nhiều khổ đau, bất hạnh. Nhìn bọn trẻ chơi đùa hồn nhiên cùng nhau như anh em một nhà sẽ khiến bất kỳ ai cũng phải vui lây niềm vui đó.

Theo Pháp luật TP

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh