THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:46

Những điều cần lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ đón Tết

Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, bàn thờ là nơi thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì ban thờ là nơi tôn nghiêm nên luôn phải giữ sạch sẽ, gọn gàng.

Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp là dịp ông Công ông Táo từ gian bếp của ngôi nhà cưỡi cá chép về trời bẩm báo những việc đã xảy ra trong gia đình suốt cả năm vừa qua. Vì vậy, đây cũng là dịp người dân tiến hành dọn dẹp bàn thờ (bao sái bàn thờ) trong nhà để đón năm mới.

Những điều cần lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ đón Tết - Ảnh 1.

Bày trí bàn thờ đón Tết.

Để chào đón năm mới, các gia đình đều chú trọng tới việc lau dọn bàn thờ hay còn gọi là bao sái bàn thờ để tỏ lòng hiếu kính đến ông bà, tổ tiên.

Đối với các gia đình ở Việt Nam, việc dọn dẹp bàn thờ hay còn gọi là bao sái bàn thờ là công việc được chú trọng đầu tiên để chuẩn bị đón Tết nguyên đán.

Ngày 23 tháng Chạp, sau lễ cúng ông Táo thì công việc dọn dẹp, bài trí bàn thờ được thực hiện. Vì quan niệm rằng đây là thời điểm "thần linh đi vắng", nên gia chủ tranh thủ sửa sang nơi thờ tự đón Tết, để làm sao cho đến đêm 30 Tết, khi các vị thần linh trở về thì mọi việc đã hoàn tất.

Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển- Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, bàn thờ trong mỗi gia đình là nơi linh thiêng, nơi ngự của Phật, của Thánh, của các thế hệ gia tiên.

Người Việt Nam gần như đón Tết Nguyên đán bắt đầu từ 23 tháng Chạp, khi thực hiện các nghi thức tâm linh tiễn ông Táo về trời. Sau ngày này, các gia đình tiến hành dọn dẹp bàn thờ.

Công việc chủ yếu là dọn dẹp, lau chùi, hóa chân hương (đốt các chân hương cũ đi cho đỡ đầy bát hương), chỉ để lại 3 chân hương, sau đó bày biện đồ lễ. Các đồ thờ tự lúc này có thể được hạ xuống để lau chùi, đánh bóng. Sau khi hoàn tất, người ta nấu nước thơm (thường là ngũ vị hương) để lau lại một lần nữa cho sạch sẽ, thơm tho.

Khi quét dọn bàn thờ cần dùng một chổi chuyên dùng để quét bụi, dùng khăn sạch với nước thanh tịnh để lau chùi đồ thờ.

Sau khi hóa chân hương, đừng đổ xuống sông, xuống hồ gây ô nhiễm môi trường mà có thể đem bón cây.

Một số gia đình thường thay bát hương vào dịp này. Tuy nhiên, theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, nơi thờ tự là nơi linh thiêng, quan trọng nhất phải được yên chứ không nên một năm thay bát hương một lần rồi đem bát hương vứt xuống sông hồ gây ô nhiễm môi trường hoặc đem để ở trong chùa gây mất mỹ quan, rồi nhà chùa phải dọn dẹp.

Ngoài bao sái bàn thờ, tỉa chân hương, các gia đình sẽ mua sắm các lễ nghi để bày biện đón năm mới gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, nên thanh tịnh và có thể theo tập tục cúng gia tiên nhà mình.

Không nên để một năm mới dọn dẹp bàn thờ

Thượng tọa Thích Đạo Hiển thông tin thêm, không có chùa nào một năm mới bao sái ban thờ một lần mà các nhà sư ngày nào cũng lau dọn bàn thờ vì đây là nơi trang nghiêm, linh thiêng. Một số người có quan điểm rằng không ai được động chạm đến bàn thờ, không được động chạm đến bát hương thì quan điểm đấy là sai lầm.

Ở các gia đình cũng thế, không nên để một năm mới dọn dẹp bàn thờ một lần mà nửa tháng nên lau dọn, vào trước ngày rằm và mùng 1 hàng tháng

Tránh không làm đổ vỡ đồ thờ. Đồ thờ cúng trên ban thờ là vật trang trọng nên bạn cần hết sức cẩn trọng khi dọn dẹp bàn thờ.

Trên bàn thờ, nơi quan trọng nhất là bát hương, nơi giáng của các hương linh, thần, thánh, tổ tiên và cũng thể hiện sự thành kính của mọi người trần thế đối với cõi tâm linh. Vì thế, khi lau dọn bàn thờ nên tránh việc bát hương bị di chuyển.

P.V (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh