CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:09

Lạ lùng tục “xông” bàn thờ gia tiên của đồng bào dân tộc Tày, Nùng

 

Mỗi dịp Tết đến người Tày, Nùng đun nước lá bưởi thơm để xông bàn thờ gia tiên. Ảnh: TL

 

 

Ngay từ 30 Tết, không khí chuẩn bị cho đêm giao thừa của đồng bào dân tộc Tày - Nùng vùng núi cao đã trở nên tấp nập, rộn ràng khắp các bản làng. Trên bàn thờ gia tiên cũng đầy ắp những mâm cỗ với đầy đủ những món ngon nhất, đặc sắc nhất của đồng bào nơi đây.

Tại nơi biên cương Trùng Khánh (Cao Bằng), đa phần dân số ở đây là người dân tộc Tày - Nùng. Ở đâu cũng vậy, hễ có người Tày sinh sống thì cũng sẽ có người Nùng, hai dân tộc khác nhau nhưng dường như luôn gắn liền với nhau, sử dụng chung hệ ngôn ngữ Tày - Nùng vì vậy bản sắc của 2 dân tộc này cũng gần như là tương đồng. Đối với người Tày - Nùng, giao thừa không chỉ là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, mà đây còn là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu kính với những người đã khuất.

Tìm hiểu về những phong tục tập quán của các dân tộc miền núi, tôi mới có dịp chứng kiến những phong tục, văn hoá hết sức đặc sắc, nhưng cũng hoang sơ, mới lạ của đồng bào dân tộc nơi đây.

Mỗi dịp Tết đến người Tày, Nùng đun nước lá bưởi thơm để "xông" bàn thờ gia tiên. Mâm cỗ thờ cúng ngày 30 không chỉ là một nét văn hoá thể hiện sự hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên mà còn thể hiện sự thành đạt của con cháu trong gia đình.

Trong mâm cỗ, món đầu tiên không thể thiếu là những con gà trống thiến luộc vàng ươm được bày trí một cách tỉ mỉ. Những con gà thiến phải là những con béo ngậy nhất, được thả trong vườn và nuôi suốt 6 tháng trời.

Anh Triệu Văn Lực (ở xã Đình Minh, Trùng Khánh, Cao Bằng) cho biết: Những con gà thiến để thờ cúng phải là những con khoẻ, béo ngậy nhất. Để chuẩn bị cho ngày Tết, người Tày - Nùng ở đây sẽ tạm gác mọi công việc đồng áng lại từ ngày 28. Mọi người tập trung quét dọn, trang trí nhà cửa, dán câu đối bằng chữ Nôm trên nền giấy đỏ. Đêm 30 là thời khắc cả gia đình quây quần bên mâm cơm với đầy đủ những món ngon nhất, vào đúng thời khắc của giao thừa, người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ thắp một nén nhang lên bàn thờ gia tiên để thông báo thời khắc chuyển giao năm cũ và cầu chúc may mắn cho tất cả các thành viên trong năm mới. Sau đó sẽ là lễ xông hơi để rửa bàn thờ.

Theo phong tục của bà con, người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ dùng một thanh sắt nung đỏ tượng trưng cho thanh kiếm nhúng xuống chậu nước có chứa các lá thơm như lá chanh, lá bưởi. Việc làm này nhằm mục đích xua đuổi tà ma của năm cũ đi để năm mới thuận lợi hơn trong mọi công việc.

Thực hiện nghi lễ rửa bàn thờ xong, người dân tộc Tày - Nùng sẽ thực hiện nghi lễ đầu tiên trong năm mới, đó là nghi lễ “lấy nước mới” Đúng vào 5h sáng ngày đầu tiên của năm mới, những người con gái trong gia đình sẽ thực hiện nghi lễ lấy nước mới, ngoài gánh nước họ còn mang theo 3 nén hương, giấy vàng mã.

Địa điểm lấy nước mới thường là một mỏ nước tự nhiên, nước trong veo. Khi đến lấy nước mới, họ chưa được múc nước ngay mà phải thực hiện nghi thức khấn vái bốn phương, sau đó đốt tiền giấy, vàng mã rồi mới được múc nước vào thùng. Trước khi mang nước về họ phải bẻ một cành lộc (thường là bưởi, chanh) thả vào thùng nước. Những thùng nước này sẽ dùng để sinh hoạt như pha trà, rửa mặt. 

Nguyễn Đạt (Giadinh.net)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh