THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:44

Những điểm nhấn nổi bật sau vòng bảng World Cup 2018

 

Công nghệ VAR được áp dụng ở World Cup 2018

 

Công nghệ VAR lên ngôi

Không phải các cầu thủ mà công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài) mới được nhắc tới nhiều nhất ở vòng bảng World Cup 2018. Nó thực sự đã giúp cho các trọng tài xử lý đúng hơn trong các tình huống. Vì thế, vòng bảng World Cup 2018 chứng kiến nhiều quả phạt đền nhất trong lịch sử với 24 lần (trong đó, 18 lần công nghệ VAR giúp trọng tài xác định phạt đền).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công nghệ VAR cũng bị chỉ trích khá nhiều. Đơn cử như việc nó khiến trận đấu bị gián đoạn. Bên cạnh đó, việc trọng tài quyết định sử dụng VAR hay không cũng là câu chuyện tranh cãi.

Sau trận đấu với Tây Ban Nha, những người Ma rốc đã vô cùng bực tức vì công nghệ VAR. Họ cho rằng không ít lần khiếu nại và yêu cầu trọng tài sử dụng VAR nhưng đều bị từ chối. Thực tế, những lần Ma rốc khiếu nại đều chính xác như bóng chạm tay Pepe hay Pique. Trong khi đó, HLV Carlos Queiroz cho rằng công nghệ VAR sinh ra để phục vụ những đội bóng lớn. Bởi lẽ, ngay cả khi tham khảo công nghệ này, trọng tài vẫn không rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của C.Ronaldo vì pha đánh nguội.

Dù sao, theo thống kê, ngay cả khi không có công nghệ VAR thì số phận các đội bóng không thay đổi khi 16 đội đi tiếp vẫn như vậy (chỉ thay đổi hai vị trí đầu ở một số bảng). Nói vậy để thấy rằng, dù có tranh cãi về VAR hay không thì thực lực của đội bóng vẫn là yếu tố quyết định tấm vé đi tiếp (chứ không phải công nghệ).

Kỳ World Cup đầy toan tính

Thống kê chỉ ra rằng, vòng bảng World Cup 2018 có tới 122 bàn thắng (chỉ kém World Cup 2002 và 2014) với trung bình 2,54 bàn/trận. Ở cả vòng bảng, chỉ có một trận đấu không có bàn thắng được ghi (Đan Mạch và Pháp).

 

Trận đấu giữa Pháp và Đan Mạch khiến cho người ta cảm giác nhàm chán vì quá toan tính

 

Thế nhưng, những con số ấy đều “giả tạo”. Nói vậy bởi lẽ, người ta thấy rõ sự toan tính ở giải đấu này. Đơn cử như trường hợp của Pháp. Họ đã xóa đi hình ảnh đội bóng tấn công điên cuồng trong quá khứ mà thay vào đó là hình ảnh lầm lỳ. Như trận gặp Peru, sau khi có bàn dẫn trước ở hiệp 1, Pháp đã không tấn công mà chơi thực dụng ở hiệp 2 để… bảo toàn tỷ số.

Thậm chí, trận đấu cuối cùng vòng bảng giữa Pháp và Đan Mạch là đỉnh cao của sự toan tính. Trong bối cảnh cả hai đội bóng chỉ cần 1 điểm để hoàn thành mục tiêu, họ đã ra sân chơi bóng như… thủ tục. Trong cả 90 phút, người ta không thấy bất kỳ cơ hội nguy hiểm nào cả hai đội.

Tương tự, Nhật Bản cũng sẵn sàng bỏ tinh thần Samurai để “đá ma” câu giờ trong những phút cuối trận gặp Ba Lan. Hai “diễn viên” là Anh và Bỉ cũng trình diễn cho khán giả trận đấu hấp dẫn với… toan tính được định trước (Anh đã tránh được nhánh đấu khó khăn).

Chất thực dụng đã giúp những đội bóng nhỏ như Hàn Quốc, Iran… tạo nên những bất ngờ trước các đội bóng mạnh hơn rất nhiều lần (Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha).

Ở vòng bảng chỉ có 7/48 trận đấu có cách biệt 3 bàn trở lên, trong đó, một nửa số này thuộc về Anh và Bỉ, khi họ vùi dập hai đối thủ yếu là Tunisia và Tunisia. Trong khi đó, sau 6 trận đấu bảng C, người ta mới thấy 9 lần lưới rung. Trong khi đó, số thẻ vàng đã lên tới 158 thẻ (trung bình 3,4 thẻ/trận).

 

Đội tuyển Đức bị loại ngay từ vòng bảng World Cup 2018

 

Đội tuyển Đức bị loại sốc

Đội tuyển Đức bước vào World Cup 2018 với tham vọng sẽ bảo vệ thành công chức vô địch World Cup. Thế nhưng, đoàn quân của HLV Joachim Low lại gây thất vọng quá lớn. Ngay từ trận gặp Mexico, Đức đã cho thấy quá nhiều điểm yếu. Dường như họ tự tin thái quá vào khả năng tấn công của mình và dồn cả trung vệ lên cao để ép đối thủ. Do đó, Đức rất dễ “chết” bởi những pha phản công.

Trong khi đó, trước các đối thủ chủ trương “dựng xe bus”, đội tuyển Đức lại thi đấu quá thiếu biến hóa. Ngay cả trong chiến thắng Thụy Điển, họ cũng không thực sự gây ấn tượng và chỉ có 3 điểm nhờ khoảnh khắc lóe sáng của Toni Kroos. Đỉnh điểm cho thất vọng của Đức chính là trận đấu với Hàn Quốc. Họ không thể đẩy nhanh nhịp độ trận đấu dù thi đấu với đối thủ yếu hơn rất nhiều.

Việc Đức bị loại thực sự là cú sốc nhưng chứng kiến màn trình diễn của họ ở giải đấu này, chẳng ai bất ngờ. Họ đã nhận cái tát đủ đau để có thể nghiêm túc hơn trong việc xây dựng đội bóng trong thời kỳ chuyển giao thế hệ.

 

Nhật Bản là đội đầu tiên trong lịch sử World Cup đi tiếp nhờ luật fair-play

 

Nhật Bản đi tiếp nhờ luật fair-play

Nhật Bản đã trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử World Cup 2018 nhờ luật fair-play. Sau vòng bảng, đại diện xứ Mặt trời mọc có cùng 4 điểm và hiệu số bàn thắng bại 4-4 như Senegal nhưng nhận ít hơn 2 thẻ vàng so với Senegal (4 thẻ vs 6 thẻ).

Cũng vì luật fair-play mà Nhật Bản đã giành vé đi tiếp theo cách… thiếu fair-play nhất. Họ đã “đá ma” câu giờ trong những phút cuối trận đấu với Ba Lan (khi đang thua 0-1). Lối chơi này của Nhật Bản đã chịu sự chỉ trích lớn từ dư luận.

Trong khi đó, HLV Aliou Cisse của Senegal thừa nhận rằng đây là luật khắc nghiệt vì ông chẳng thể cấm các cầu thủ chịu thẻ vàng.

 

Iran để lại ấn tượng đẹp ở World Cup 2018

 

Những đội bóng chiếu dưới “nổi loạn”

Ở lượt cuối vòng bảng, Hàn Quốc đã gây cú sốc lớn khi hạ gục Đức. Tương tự, Iran đã khiến cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phải toát mồ hôi hột trong cả hai trận đấu. Thậm chí, nếu may mắn hơn, đại diện châu Á đã có thể đi tiếp.

Ma rốc cũng là “điều thú vị” ở vòng bảng. Cũng như Iran, họ đã khiến cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha điêu đứng. Thậm chí, ở góc độ nào đó, Ma rốc còn gây sức ép lớn hơn Iran bởi lối chơi tấn công đa dạn. Chính HLV Hierro của Tây Ban Nha thừa nhận rằng Ma rốc không xứng đáng bị loại sớm tới vậy.

Nhật Bản đã trở thành đại diện đầu tiên của bóng đá châu Á giành chiến thắng trước đại diện của Nam Mỹ ở World Cup khi quật ngã Colombia. Sau đó, họ cũng giành quyền vượt qua vòng bảng.

Rõ ràng, trình độ của bóng đá thế giới đã dịch chuyển theo hướng xích lại gần nhau hơn. Bởi lẽ đó, vòng bảng World Cup 2018 thực sự kịch tính.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh