CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:08

Những danh nhân tuổi Dậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du.


Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 - năm con Gà cũng không nằm trong ngoại lệ đó.

Dưới đây là một số danh nhân tuổi Dậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam:

1. Ngô Quyền (Kỷ Dậu 899-Giáp Thìn 944)

Ngô Quyền quê ở Đường Lâm, huyện Phúc Lộc, Châu Giao (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ông là một danh tướng dựng nên vương nghiệp nhà Ngô.

Ông đã hai lần đánh bại quân Nam Hán xâm lược (lần I năm 930-931; lần II năm 938 trên sông Bạch Đằng).

Chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, thời kỳ trưởng thành của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng đó cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý, nhất là nghệ thuật đánh bại quân xâm lược ngay từ cửa ngõ đất nước.

Năm Kỷ Hợi 939, Ngô Quyền xưng vương, mở nền độc lập tự chủ cho nước ta.

2. Đinh Bộ Lĩnh (Ất Dậu 925-Kỷ Mão 979)

Đinh Bộ Lĩnh vốn tên là Hoàn, Bộ Lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lãm phong cho. Ông quê ở Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ông là con quan Thứ sử Châu Hoan thời Dương Diên Nghệ là Đinh Công Trứ.

Năm Ất Sửu 965, Nam Tấn vương Ngô Xương Văn mất, con là Xương Xí nối nghiệp, quá suy yếu phải về đống giữ đất Bình Kiều (Hưng Yên).

Ông thừa thế hưng binh đánh lớn, chỉ trong một năm dẹp yên được loạn 12 sứ quân. Ông được xưng tụng là Vạn Thắng vương.

Năm Mậu Thìn 968, ông lên ngôi vua, tôn hiệu là Đại Thắng Minh, đặt hiệu nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ông chính là người có công lớn trong việc thống nhất đất nước.

Năm Canh Ngọ 970, ông bắt đầu đặt niên hiệu là Thái Bình. Ông cho đúc tiền đồng (là tiền tệ cổ nhất ở Việt Nam) gọi là tiền đồng Thái Bình.

3. Giang Văn Minh (Quí Dậu 1573-Đinh Sửu 1637)

Giang Văn Minh là văn thần đời Lê Thần Tông. Ông quê làng Mông Phụ, huyện Phú Lộc, Châu Giao (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Năm Mậu Thìn 1628, ông đã là Tự Khanh, tước hầu. Năm 1637, ông được cử làm phó sứ sang nhà Thanh dâng lễ cống.

Đại thần nhà Thanh ra câu đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” dịch là “Cột đồng đến nay rêu đã xanh” và ông đối lại hiên ngang “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” dịch là “Sông Đằng từ xưa máu còn đó."

Vế đối của Giang Văn Minh khiến nhà Thanh giận, giết chết ông, tẩm xác ông vào thủy ngân đưa trả về nước.

Ông được truy tặng Tả thị lang Bộ Binh, tước Vinh Quận Công, đồng thời ông được ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

4. Đoàn Thị Điểm (Ất Dậu 1705-Bính Dần 1746)

Bà có hiệu là Hồng Hà nữ sỹ, con Đoàn Doãn Nghi và Võ Thị, em danh sỹ Đoàn Doãn Luân.

Bà là một nữ sỹ tài danh đầu thế kỷ ​18 sinh ra trên đất Kinh Bắc. Bà để lại nhiều bài thơ tràn trề tình cảm, da diết, u hoài và tập Truyền kỳ tân phả đầy ấn tượng.

Bản dịch song thất lục bát tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của bà được đánh giá là công trình dịch thuật từ thơ chữ Hán ra thơ Nôm hoàn hảo nhất trong nền thi ca nước ta thời xưa.

5. Nguyễn Gia Thiều (Tân Dậu 1741-Mậu Ngọ 1788)

Nguyễn Gia Thiều là nhà thơ đời Lê Hiển Tông, hiệu Tân Trai, tước Ôn Như Hầu. Ông sinh ngày 6 tháng 2 năm Tân Dậu 1741 tại Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh).

Ông được chúa Trịnh nuôi ăn học từ nhỏ. Lớn lên thành một trang thanh niên tuấn kiệt, văn võ toàn tài, được chúa Trịnh trọng dụng.

Năm 1759, ông được phong Hiệu uý, Quân trung mã tả đội. Năm 1763, ông được phong Chỉ huy Thiêm sự.

Năm 1771, ông được làm Tổng binh xứ Hưng Hoá và được phong tước Ôn Như Hầu.

Tuy vậy, Nguyễn Gia Thiều không chịu sống trong vòng cương tỏa, chán đường công danh trước cảnh loạn li, nên thường bỏ nhiệm sở, về Thăng Long uống rượu, làm thơ, luận đàm triết học.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông: "Ôn Như thi tập," "Tây Hồ thi tập," "Từ Trai thi tập," "Cung oán ngâm khúc."

6. Nguyễn Huệ (Quý Dậu 1753-Nhâm Tí 1792)

Ông là Anh hùng dân tộc, có tên là Quang Bình, Văn Huệ, nhân dân Bình Định đương thời gọi ông là Ông Bình, hay Đức ông Tám. Thân phụ ông họ Hồ sau đổi thành họ Nguyễn, người gốc Hưng Nguyên, Nghệ An.

Năm Tân Mão 1771, anh em ông lập đồn trại ở Bình Định chiêu tập nghĩa quân chống lại triều đình phong kiến chúa Nguyễn do quyền thần Trương Phúc Loan tác quái. Anh em ông thường lấy của cải của người giàu chia cho người ngèo.

Năm Cảnh Hưng thứ 37, 1776, ông cầm quân vào đánh Bình Thuận, tiêu diệt đạo quân của chúa Nguyễn đang tá túc ở khu vực này. Tiếp đó cùng Nguyễn Lữ vào bình định đất Gia định.

Năm Nhâm Dần 1782, Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc vào Nam đánh Nguyễn Ánh, Ánh thua phải bỏ chạy ra đảo Phú Quốc.

Cuối năm 1784, Nguyễn Ánh đem quân Xiêm về đánh chiếm Sa Đéc. Ngày 18/1/1785, Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định, đánh một trận quyết liệt tiêu diệt hơn 20.000 quân Xiêm. Nguyễn Ánh cùng đồng bọn cũng chạy theo quân Xiêm sang tá túc ở ngoại thành Băng Cốc.

Năm 1786, ông cùng Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra Bắc diệt họ Trịnh, bình định xong đất Bắc.

Mùa Xuân năm 1789, Hoàng đế Nguyễn Huệ lấy hiệu là Quang Trung cùng 10 vạn quân thần tốc ra Bắc đánh tan quân Thanh xâm lược do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu.

Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy về nước quên cả mặc áo giáp. Thái thú Sầm Nghi Đống đóng quân ở Đống Đa quá khiếp sợ thắt cổ tự tử.

Ngày mồng Năm Tết Kỷ Dậu (1789), ông và nghĩa quân vào thành Thăng Long mình còn vương thuốc súng, được nhân dân đón tiếp tưng bừng.

Trong những năm làm vua, ông đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục. ông là một vị anh hùng lỗi lạc, một nhà chính trị quân sự kiệt xuất của Việt Nam.

7. Nguyễn Du (Ất Dậu 1765 - Canh Thìn 1820)

Ông là đại thi hào của Việt Nam, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Ông quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An (nay là huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) nhưng được sinh ra ở Thăng Long-Hà Nội.

Năm 1802, dưới triều Gia Long, ông được bổ làm tri huyện Phù Dung, rồi làm tri phủ Thường Tín.

Năm 1805, ông được thăng hàm học sinh điện Đông các rồi làm Cần Chánh điện học sỹ, rồi làm chánh sứ nhà Thanh. Đi sứ về ông được làm Hữu tham tri bộ Lễ.

Nguyễn Du đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị như "Truyện Kiều," "Độc tiểu Thanh ký," "Văn tế thập loại chúng sinh," "Thanh Hiên thi tập"...

Trong số đó, Truyện Kiều là một kiệt tác văn học đã chinh phục được nhiều thế hệ bạn đọc; đồng thời là tác phẩm được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới với trên 35 bản dịch.

8. Trịnh Hoài Đức (Ất Dậu 1765-Ất Dậu 1825)

Ông là danh sỹ thời Nguyễn sơ, tự là Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai.

Năm 1788, ông thi đỗ làm quan dưới triều chúa Nguyễn Ánh. Đến khi Gia Long lên ngôi, ông càng được trọng dụng. Nhiều lần đi sứ Phương Bắc, làm đến Thượng thư bộ Lại, kiêm bộ Hình và Phó tổng tài Quốc sử quản.

Ông nổi tếng văn chương một thời, cùng Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh đựoc người đời tặng là "Gia định tam gia."

Thơ nôm của ông còn được truyền tụng khá nhiều: "Cấn Trai thi tập," "Bắc sự thi tập." Ngoài ra ông còn bộ "Gia Định thành thông chí," khảo cứu về địa lý, lịch sử một miền đất nước.

9. Nguyễn Trung Trực (Đinh Dậu 1837-Mậu Thìn 1868)

Quê ông ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định (Nay thuộc Long An).

Tên tục gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Sau khi đốt cháy tàu Pháp L’Espérance trên sông Nhật Tảo, ông đổi tên là Nguyễn Trung Trực.

Năm 1867, ông được triều đình Huế phong chức Hà Tiên thành thủ uý để trấn giữ đất Hà Tiên.

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23/6/1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ Hòn Chồng.

Ngày 16/6/1868, ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang tiêu diệt địch và làm chủ tình hình được 5 ngày. Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ chống giặc Pháp lâu dài.

Đến tháng 10/1868, để đảm bảo lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo, ông tự ra nộp mình cho giặc bắt.

Ngày 27/10/1868, giặc Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá, khi đó ông 31 tuổi.

10. Trương Vĩnh Ký (Đinh Dậu 1837-Mậu Tuất 1898)

Trương Vĩnh Ký là một học giả, tự là Sĩ Tải, trước tên là Chánh Kí, sau đổi là Vĩnh Kí.

Ông vốn theo đạo Thiên chúa, có tên thánh là Jean Baptise, hay Petrus Kí. Quê ông ở tỉnh Vĩnh Long.

Ông là người thông thạo 15 ngoại ngữ phương Tây và 11 ngoại ngữ phương Đông. Người đương thời liệt ông vào hàng 18 nhà bác học trên thế giới.

Năm 1863, ông cùng Tôn Thọ Tường làm thông dịch viên cho phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình chuộc 3 tỉnh miền Đông. Sau khi về nước, ông làm chủ bút tờ Gia Định báo-tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt (năm 1868).

Năm 1898 ông mất, thọ 61 tuổi và để lại hơn 100 bộ sách giá trị.

11. Phạm Ngọc Thạch (Kỷ Dậu 1909-Mậu Thân 1968)

Phạm Ngọc Thạch quê Quảng Nam. Sau cách mạng Tháng Tám, ông là Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính khu Sài Gòn-Gia Định, rồi ra Bắc, được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam.

Ông có nhiều cống hiến xuất sắc cho nền y tế nước nhà, đặc biệt là trong việc phòng chống bệnh sốt rét và bệnh Lao.

Phạm Ngọc Thạch hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1968.

12. Bùi Xuân Phái (Tân Dậu 1921-Mậu Thìn 1988)

Bùi Xuân Phái là hoạ sỹ bậc thầy trong việc mô tả phố phường và tạo nên một trường phái hội hoạ đặc trưng của Việt Nam với tên “Phố Phái.”

Ông quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội), xuất thân từ làng tranh dân gian Kim Hoàng.

Ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1945 và chuyên vẽ tranh sơn dầu chủ đề phố phường.

Các bức Cánh võng, Văn Miếu, Ô Quan Chưởng, Phố cổ Hội An... đã được giới am tường nghệ thuật đánh giá cao. Đề tài ông vẽ đã trở thành một trường phái hội họa đặc trưng của Việt Nam với tên Phố Phái.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh