Những cuốn sách viết về Bác Hồ dành cho thiếu nhi
- Văn hóa - Giải trí
- 07:17 - 19/05/2023
“Búp sen xanh” là tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất trong số sách viết về Bác Hồ dành cho độc giả thiếu nhi. Ra mắt năm 1982, cho tới nay, “Búp sen xanh” đã được NXB Kim Đồng tái bản hơn 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh.
Để kể lại một cách chân thực, cảm động và trọn vẹn từ “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” cho đến “Tuổi hai mươi” của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi bước chân xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước, nhà văn Sơn Tùng đã dành nhiều năm nghiên cứu tài liệu và điền dã khắp các miền đất nước. Từ năm 1948, nhà văn đã đến gặp anh chị ruột của Bác, được gia đình cung cấp tư liệu về cuộc đời, gia cảnh của Bác. Nhà văn đã lần theo dấu vết mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác, từng đi qua, tìm đến những nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đến, tìm gặp những người quen biết Nguyễn Tất Thành. Ông cũng sưu tầm và nghiên cứu tư liệu quốc tế, sách báo viết về Bác...
Nhà văn Sơn Tùng có hàng chục tác phẩm viết về Bác. Ngoài “Búp sen xanh”, ông còn có tác phẩm “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất”, “Bác về”, “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, “Kỷ niệm tháng Năm”, “Bác Hồ cầu hiền tài”, “Bên khung cửa sổ”, “Tấm chân dung Bác Hồ”, “Con người và con đường”, “Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức bà mẹ Nga”... Trong đó, có những tác phẩm hướng tới độc giả thiếu nhi như “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Hoa râm bụt”, “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng”, “Từ làng Sen”.
Nhà văn Sơn Tùng từng chia sẻ: “Không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu kính Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn tôi đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch”. Cuốn sách “Từ làng Sen” kèm theo 25 bức tranh minh họa màu nước ấm áp của họa sĩ Lê Lam đã ra mắt vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1990) và được tái bản nhiều lần.
Năm 2007, cuốn tiểu thuyết về Bác Hồ “Cha và con” của nhà văn Hồ Phương ra mắt độc giả đã tạo nên tiếng vang lớn. Luôn ấp ủ mong muốn viết một tác phẩm về Bác, nhưng phải đến tuổi thất thập, ước mơ ấy của nhà văn Hồ Phương mới trở thành sự thực. Ông bày tỏ: “Tôi không đến nỗi quá ngần ngại là đã có nhiều người viết về Bác. Bởi cứ nghĩ: Trong văn chương, mỗi người đều có suy nghĩ riêng và rung động cùng sáng tạo nghệ thuật riêng”.
Sách kể chuyện về Bác Hồ có nhiều cuốn được tuyển chọn, như bộ truyện tranh “Bác Hồ sống mãi”, bộ sách “Bác Hồ - Tấm gương sáng mãi”, tuyển tập “Bác Hồ kính yêu”, “Học sinh kể chuyện Bác Hồ”... Những câu chuyện như “Hai bàn tay", “Tiếng sét trên bàn hội nghị Véc-xay”, “Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế vô sản”, “Tổ quốc cách mạng”, chuyện anh Ba làm phụ bếp trên tàu, chuyện Bác Hồ làm báo "Người cùng khổ"... giúp độc giả hiểu thêm về hành trình gian nan mà Bác đã trải qua để tìm ra ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.