THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:05

Những cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về nghề báo

"Làng báo Sài Gòn"

"Làng báo Sài Gòn" tái hiện một thời kỳ làm báo sôi nổi của trí thức Sài Gòn và Việt Nam với những tờ báo có số phận chỉ vài tháng hay vài số báo, thậm chí một số báo duy nhất, trong bối cảnh bi thương mà hào hùng của một dân tộc bị mất nước nhưng quyết không cam chịu làm nô lệ.

Quyển sách được ví như quyển biên niên sử báo chí với công trình nghiên cứu công phu, kể lại một dòng lịch sử trở về Sài Gòn ngày đầu hình thành nghề báo. Cho đến ngày nay, chưa có công trình nghiên cứu nào về chủ đề này đầy đủ như "Làng báo Sài Gòn" của Philippe M.F.Peycam. Những nghiên cứu trước đó về báo chí Việt Nam tập trung vào nhật báo cộng sản La Lutte và ít lấy mẫu một cách hệ thống về các ấn bản được người Pháp ủng hộ. Peycam cho chúng ta chân dung về các nhà báo, chủ bút, biên tập - những người thường là cung cấp tài chính để duy trì, đưa các tờ báo ra với công chúng để thách thức hiện trạng. Ông thận trọng sử dụng các báo cáo của mật vụ Pháp và làm sống lại những con người này cùng sự pha trộn khác thường về chủ nghĩa lý tưởng Pháp và đạo đức giả thực dân.

 "Sống tốt với nghề báo - Những điều trường báo không dạy bạn"

Tác giả Benjamin Ngô, bút danh của nhà báo Ngô Bá Nha, muốn thông qua tác phẩm này để chia sẻ những trải nghiệm cá nhân và một số bí quyết để một bạn trẻ mới ra trường có thể sống tốt, sống vui với nghề báo và có điều kiện nuôi dưỡng khát vọng cùng ngòi bút.

"Sống tốt với nghề báo - Những điều trường báo không dạy bạn" không chỉ dạy bạn lý thuyết về đạo đức nghề báo, hay dạng tập hợp những bài kỷ niệm nhiều năm làm báo như người ta vẫn thường thấy trên kệ sách, mà nó mở ra những góc nhìn đa chiều về nghề báo, qua những câu chuyện, tình huống, chiêm nghiệm về nghề mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận hết.

Đặc biệt, tác giả không né tránh những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc đời của một người làm báo, chẳng hạn: phong bì, nhuận bút, lương thưởng, mối quan hệ với đồng nghiệp, nguồn tin, nạn đạo bài, môi trường làm việc tại các tòa soạn, thách thức của người làm báo trong thời công nghệ thay đổi chóng mặt... Tất cả được đề cập bằng giọng văn gần với cách diễn đạt trên mạng xã hội của tác giả, chi tiết sống động, liều lượng vừa đủ, có đôi chỗ tự trào và hóm hỉnh sâu cay.

Những cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về nghề báo - Ảnh 1.

"Làm báo: Mực mài nước mắt"

Quyển sách là câu trả lời cho câu hỏi: "Động cơ làm báo là gì?". Với tựa sách "Làm báo: Mực mài nước mắt", Lê Khắc Hoan muốn gửi gắm những suy ngẫm, chiêm nghiệm về nghề báo bằng chính am hiểu, trải nghiệm của mình. Trong tác phẩm "Làm báo - Mực mài nước mắt" có nhiều chi tiết thú vị về công việc của nhà báo liên quan đến bạn đọc; những "bếp núc" của nghề báo. Với cách "thoát xác" bằng nhân vật Văn Trí, Lê Khắc Hoan chia sẻ nhiều chi tiết thú vị về công việc của nhà báo liên quan đến bạn đọc; những "ngóc ngách" của nghề báo được tái hiện rất sống động. Tác phẩm cũng có tầm khái quát cao khi kể về sự hình thành, phát triển của một tờ báo trong cơ chế thị trường mới mẻ; tích cực và tiêu cực đan xen, giành giật, giằng co, đấu tranh quyết liệt… phát triển mạnh mẽ đến đỉnh cao chói lọi và bất ngờ... diệt vong!

"Làm báo: Mực mài nước mắt" không chỉ nói lên niềm vui, nỗi khổ, vinh quang và trăn trở của nghề báo mà còn truyền lại cho người làm báo về cái "tâm" của người cầm bút. Đặc biệt là bản lĩnh và thái độ ứng xử của báo chí trước yêu cầu đòi hỏi về thông tin và các định chế pháp luật.

"Hơn cả tin tức"

Quyển sách cuốn hút này cho chúng ta biết báo chí phải thay đổi như thế nào nhằm phục vụ thời đại và công chúng tốt hơn. Được viết một cách thuyết phục và đầy ắp những ví dụ gây ấn tượng mạnh. "Hơn cả tin tức" làm rõ lý do của việc chuyển từ công thức truyền thống 5W như là kim chỉ nam cho nhà báo sang 5I của một ngành báo chí mà Stephens gọi là báo chí trí tuệ: am hiểu, thông minh, có tính diễn giải, sâc sắc và soi sóng.

Cuốn sách là một nghiên cứu độc đáo, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả trên mạng lẫn ngoài mạng internet và tìm thấy niềm hứng khởi cho một sự thấu hiểu hiệu quả và đầy khát vọng về nghề báo trong những ví dụ từ các bài báo và blog thế kỷ 21, đồng thời trong những hiểu biết chọn lọc về nghề báo thế kỷ 20 và các tác phẩm viết lách của Benjamin Franklin thế kỷ 18. Hầu hết nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng báo chí hiện nay nhấn mạnh vào công nghệ. Stephens nhấn mạnh vào tư duy và nhu cầu tư duy lại về báo chí đã từng và có thể trở thành công việc gì.

Những cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về nghề báo - Ảnh 2.

 "Để báo giới trích dẫn lời bạn"

Báo chí luôn là công cụ PR hiệu quả nhất đối với một doanh nghiệp. Việc thiết lập và duy trì một mối quan hệ lâu dài, hữu ích với các nhà báo là cần thiết.

Nên bạn cần phải có những kỹ năng cần thiết để có một buổi phỏng vấn với báo giới thành công dù đó là cuộc viếng thăm văn phòng bạn bất ngờ, một cuộc đàm thoại mong muốn hoặc không mong muốn, một cuộc phỏng vấn do đài truyền hình thực hiện, đến các buổi truyền hình trực tiếp hoặc không trực tiếp…

Bằng những kinh nghiệm trong "Để báo giới trích dẫn lời bạn", bạn sẽ hiểu được các nhà báo làm việc như thế nào và cách bạn làm việc với nhà báo ra sao để đạt được hiệu quả, đem lại lợi ích cho đôi bên. Vấn đề cốt lõi của cuốn sách là giúp bạn hiểu được nhà báo muốn gì, tại sao họ muốn điều đó và cách bạn cung cấp thông tin cho nhà báo để đáp ứng được nhu cầu của họ.

"Báo chí lương tâm"

Sách của nhà báo Đỗ Đình Tấn do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Trong sách, tác giả giới thiệu và cung cấp một cái nhìn chung về thông tin và đạo đức trong thông tin. Từ đó đưa ra những phân tích, lý giải, những cách giải quyết xoay quanh cuộc tranh luận về đạo đức truyền thông.

Cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề đạo đức của các phương tiện truyền thông và ảnh hưởng của chúng đối với xã hội, nhất là đối với các cư dân mạng thường vào facebook, những người giờ đây đang cùng các nhà báo tạo ra thông tin và truyền tải thông tin.

Theo tác giả, ngày nay sự bùng nổ của blog và các mạng xã hội như: facebook, twitter… đã xô ngã tất cả các quân cờ trên bàn cờ truyền thông. Khi bàn cờ truyền thông đã thay đổi thì đâu là luật chơi mới cho cuộc chơi này? Tác giả Đỗ Đình Tấn cho rằng tìm kiếm sự thật và tôn trọng con người là hai điểm thiết yếu mà báo chí đứng đắn nên theo đuổi.

HÀ PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh