CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:07

Những cuộc săn lùng đồ cổ ở kho báu Hòn Cau

 

Cuộc khai quật lịch sử giữa biển khơi

Dẫu đã qua khá lâu nhưng chuyện quanh kho báu Hòn Cau đến giờ vẫn còn nóng hôi hổi. Và câu chuyện lão ngư Lê Văn Son, người đầu tiên được cho là chạm vào kho báu này khiến người khác phải não nề.

Ông vẫn sống trong căn nhà sập sệ, trong khi người đời vẫn khoác lên cho ông cái biệt danh “ông trùm đồ cổ”. Ngược thời gian, vào những năm 90 của thế kỷ trước, vùng biển Long Hải nhộn nhịp một cách bất ngờ, khi hàng trăm lái buôn từ khắp mọi miền đổ về sộc vào từng nhà dân chài để tận mắt được chiêm ngắm những món đồ cổ ngư dân mò được.

Nhiều tuyến phố ở TP.Hồ Chí Minh như: Đào Tấn, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Công Kiều... cũng nóng lên từng ngày bởi những món hàng 3 - 4 trăm năm trước của vua chúa Trung Hoa liên tục được đưa về trước sự thèm thuồng của nhiều người. Câu chuyện xuất phát từ một thương lái mua tôm tên Trần Chung và chính Chung đã vớ bẫm từ những chuyến thông thương bí mật với các ngư dân Long Hải.

Trong một lần về Long Hải thu gom tôm, mực mang về TP.Hồ Chí Minh bán cho các đại lí, Chung phát hiện trong  nhà ông Toàn, ông Son và một số ngư dân khác có nhiều món đồ khác thường làm bằng gốm sứ. Vốn có một số kiến thức về gốm sứ, Chung  nhanh chóng nhận ra đây chính là hàng cổ xưa cách đây cả nửa thế kỷ khi y phát hiện ra trên những món đồ này có nhiều dấu vết của các vị vua của triều đại Trung Hoa khắc trạm.

Trong bụng vui như mở cờ, Chung mua một ít và bí mật mang về TP.Hồ Chí Minh giao bán. Sự hút hàng ngoài sức tưởng tượng, mỗi món đồ cổ này được trả giá vài cây vàng. Thắng lợi, Chung tiếp tục về Long Hải gom hàng nhưng y vẫn tuyệt đối không tiết lộ cho các ngư dân biết đây là đồ cổ mà chỉ nói rằng người thân và bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh thích dùng đồ gốm sứ nên về đây thu mua để bán lại.

Giới buôn đồ cổ phương Nam khi đó lấy làm lạ khi một thương lái chuyên mua bán tôm như Chung bỗng nhiên lại móc đâu ra nhiều đồ cổ quý giá hơn vàng đến thế. Rồi họ cắt cử nhau âm thầm theo dõi Chung. Sau gần một tháng theo dõi, việc Chung âm thầm đi thu gom đồ cổ của một số ngư dân ở Long Hải bị vỡ lở. Lúc này, hàng trăm thương lái khắp nước túa về Long Hải để lùng mua.

Cả một vùng đất vốn chỉ quen chài lưới, yên bình bỗng trở nên hỗn loạn. Lúc này các ngư dân bán đồ cho cho Chung mới té ngửa ra rằng xưa nay mình bán đồ cổ giá đắt hơn vàng mà không hề biết. Nắm được tình hình, chính quyền địa phương ngay lập tức phong tỏa vùng biển Long Hải, không cho ai ra mò kho báu nữa. Ngay lập tức một kế hoạch khảo sát, thăm dò được tiến hành.

 Đó là vào năm 1991, sau ròng rã nhiều ngày thăm dò, các chuyên gia của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) phối hợp cùng với Xí nghiệp trục vớt Visal và công ty Hallistrom Holdnys Oceanic của Thụy Điển tiến hành tiếp cận và khai quật kho báu Hòn Cau.

Kho báu được xác định là một chiếc tàu cổ khổng lồ đã bị chìm cách đó mấy thế kỷ, trong chiếc tàu này đầy ắp những cổ vật quý giá. Tiến hành khai quật, mang về gần 70.000 hiện vật là gốm sứ và đồ cổ có niên đại nửa sau thế kỷ XVII, thời vua Khang Hy (Triều Thanh, Trung Quốc). Gần 30.000 cổ vật tiêu biểu được đưa đi giám định và tổ chức đưa đi bán đấu giá ở Hà Lan, thu về hơn 6 triệu USD.

Các cổ vật này được nhận định là của các đại gia phương Tây từ thời vua Khang Hy đi buôn từ Trung Hoa về, nhưng khi qua vùng biển Long Hải thì bị đắm tài và nằm lại ở đó cho đến ngày được phát hiện và khai quật.

Lời đồn và chiêu trò của giới đầu cơ

Cuộc khai quật lịch sử đã trôi qua khá lâu, giá trị các cổ vật từ kho báu Hòn Cau là vô cùng to lớn đã được định đoạt. Thế nhưng những ngày cuối năm 2013 ở một số tuyến phố buôn bán đồ cổ ở TP.Hồ Chí Minh lại rộ lên thông tin còn có nhiều cổ vật từ năm 1991 mà nhiều ngư dân mót được từ cuộc khai quật kho báu Hòn Cau nhưng sợ bị tịch thu nên đã ém lại và đến nay mới chịu tung ra.

Họ còn đoán định rằng, ông Lê Văn Son còn cất giấu nhiều cổ vật trong nhà mình. Và rồi, mọi chuyện “dậy sóng” khi một thương lái tên Hùng bán một chiếc bình gốm từ thời Khang Hy thật tại phố Lê Công Kiều với giá gần một cây vàng.

Thông tin được Hùng đưa ra là món đồ cổ này được y săn được tại Vũng Tàu, trong một làng chài. Nhiều khả năng còn có một số chiếc tàu cổ khác chứa cổ vật đang nằm sâu dưới biển Long Hải mà người ta chưa phát hiện ra. Từ luồng thông tin này, nhiều tay thương lái đồ cổ lại sùng sục về Long Hải với hy vọng mong manh sẽ kiếm được món đồ cổ.

Gặp chúng tôi ở ngã ba Vũng Tàu, thương lái đồ cổ Trần Chính thao thao bất tuyệt rằng; chắc chắn là còn cổ vật. Bởi không chỉ có ông Son là người mò và chạm vào kho báu Hòn Cau mà còn có nhiều người khác. Hơn nữa, những ngư dân này quá thông thạo vùng biển Long Hải nên việc họ lặn mò và mót các món cổ vật sau cuộc khai quật năm xưa là điều hiển nhiên có cơ sở.

Chỉ cần trong một tháng mà săn được vài món đồ cổ đó thôi thì cũng đã đủ mãn nguyện rồi. Nhà ông Trần Bảo, một trong những ngư dân biết địa điểm khai quật kho báu Hòn Cau năm xưa cho biết: Không biết thông tin từ đâu mà rất nhiều người đến nhà tôi hỏi dò xem còn cổ vật nào không, có mót được món nào từ cuộc khai quật trước kia không, họ sẽ mua, giá vài cây vàng cũng mua.

Ông Bảo cũng nhận định rằng, có thể một số tên thương lái buôn đồ cổ tung ra thông tin này để làm loạn thị trường hòng bán những món đồ mà họ đang đầu cơ với giá cắt cổ.

Còn đâu cổ vật nữa mà săn

Trong ý nghĩ của nhiều dân chài cũng như giới buôn đồ cổ thì ông Lê Văn Son vẫn là mục tiêu để họ nhắm tới trong cuộc săn lùng của mình bởi ai cũng nghĩ ông là người đầu tiên mò đến kho báu Hòn Cau và đã chạm vào đó và lấy được một số món đồ cổ trước khi nhà nước tiến hành khai quật.

Bởi vậy nên không chỉ bây giờ, mà suốt nhiều năm qua, mỗi ngày vẫn có rất nhiều khách lạ viếng thăm nhà ông Son để thám thính ông về những món đồ cổ. Ông Son giãi bày một cách ngao ngán rằng; Năm nay tôi đã gần 80 tuổi rồi. Đúng là tôi từng phát hiện ra kho báu Hòn Cau và một số món đồ cổ rơi ra từ kho báu đó tôi lượm được và đã bán cho thương lái mua tôm vì không biết đó là vật quý từ lâu lắm rồi. Giờ còn đâu cổ vật nữa mà săn.

Người ta cứ đồn tôi là “ông trùm đồ cổ” thế chứ thật ra trong tay tôi chẳng còn gì ngoài cái đĩa vỡ”. Còn việc liệu có còn những chiếc tàu chứa cổ khác có thể còn chìm ở Long Hải hay không thì ông Son không nhận định dẫu ông là một thợ chài kỳ cựu ở vùng đất này.

Cuộc đời của ông cũng thăng trầm lắm nỗi từ khi vướng vào cổ vật mà thực chất chỉ là hư danh mà giới buôn đồ cổ gán cho ông. Ông buồn bã kể tôi từ giã nghề lặn biển cũng từ khi người ta khai quật kho báu đó. Khi phát hiện ra chính xác đó là kho báu tôi có đi trình báo chính quyền cách lặn xuống vị trí có cổ vật.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau này nhiều dân chài khác được trọng thưởng vì báo tin kho báu và hợp tác trong cuộc khai quật còn tôi chẳng được gì cả. Ông Son cảm thấy ấm ức nên có đi thắc mắc suốt nhiều năm nhưng chả nhận được kết quả gì nên bỏ cuộc còn nhiều người khác là bạn chài của ông được thưởng đến giờ vẫn còn sống mà ông không tiện nói ra.

Ông bảo: “Mới đầu tháng 12 đây thôi cũng có nhiều tay săn đồ cổ cứ sùng sục về nhà tôi hỏi han đủ kiểu về kho báu nhưng tôi ngán lắm rồi. Cũng vì sự săn lùng này mà nhiều ngư chài tiếp tục đi lặn để tìm kiếm tới mức bị bại liệt vì áp suất nước luôn đấy”. 

Phương Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh