THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:31

Những con số báo động khi khám sàng lọc chuyên sâu cho trẻ nhỏ

Các bác sĩ khám sàng lọc về sức khỏe cho học sinh tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những kết quả từ việc thực hiện khám sàng lọc sức khỏe cho học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) gióng lên hồi chuông báo động cho các gia đình và nhà trường.

Bác sĩ Trương Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm đã cho biết tại Hội nghị sơ kết Chương trình truyền thông, sàng lọc nâng cao chất lượng dân số các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2019.

Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng dân số tại các trường học. Ban chỉ đạo Công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm đã tổ chức được 13 buổi truyền thông với gần 14.000 lượt học sinh; khám sàng lọc cho hơn 30.567 lượt/15.339 trẻ (trung bình mỗi trẻ được sàng lọc 2 chương trình).

Từ đầu năm 2019 đến nay, cán bộ nhân viên y tế đã khám sàng lọc khiếm thính cho 1.793 lượt trẻ; đánh giá chỉ số phát triển cho 318 lượt trẻ; sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho 6.771 lượt trẻ; dậy thì sớm cho 9.574 lượt trẻ; tim bẩm sinh cho cho 8.900 lượt trẻ lần 1 và 96 trẻ lần 2; xét nghiệm máu sàng lọc ban đầu người mang gen bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cho 2.130 học sinh khối 8.

Bác sĩ Trương Thị Kim Hoa cho biết, ban đầu khi triển khai các công tác khám sàng lọc, ngành y tế nhận được rất nhiều phản hồi khó chịu từ phía phụ huynh, nhưng kết quả khám sàng lọc đưa ra những con số hết sức giật mình.

Cụ thể, kết quả đánh giá chỉ số phát triển trí tuệ cho trẻ đầu đời (3 tuổi) từ năm 2014 - 2019 được thực hiện đánh giá trên 1.858 trẻ thì có tới 66% trẻ bị nghi ngờ bất thường trong phát triển (1.228 lượt trẻ).

Kết quả của năm 2019 tăng 27% so với năm 2014. So với 2 năm gần đây 2017 -2018, tỷ lệ này dao động ở mức 2%. Đây là vấn đề cần quan tâm của gia đình và xã hội.

Kết quả chương trình sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục ở nhóm trẻ mẫu giáo, mầm non cho thấy, trong năm 2019, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhi (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã khám sàng lọc cho 2.679 trẻ em trai. Trong đó, tỷ lệ trẻ bất thường chiếm 62% (1.638), chỉ có 38% trẻ bình thường. So với năm 2017, tỷ lệ trẻ bất thường giảm 11% nhưng lại tăng 16% so với năm 2018. Trong đó, với khối mầm non, số trẻ cần phải can thiệp chuyên khoa chiếm 45% và với khối tiểu học là 36%. Tỷ lệ trẻ can thiệp chuyên khoa năm 2019 tăng hơn so với 2018 là 94 trẻ (tăng 10,4%).

“Năm 2019, tỷ lệ cần vệ sinh của gia đình dành cho các con là 31%, tăng cao so các năm trước. Tỷ lệ này cho thấy qua 4 năm sàng lọc, sự vào cuộc của gia đình, nhà trường còn chưa đúng cách, sát sao, từ việc vệ sinh hàng ngày cho trẻ không thường xuyên dẫn đến bẩn, dính bao quy đầu; không kiên trì trong quá trình điều trị sau nong tách dẫn đến dính lại, xơ hẹp bao quy đầu”, bà Hoa cho hay.

Ngoài ra, kết quả chương trình sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục nam được tiến học ở cấp tiểu học cho thấy, số học sinh bình thường là 1.956/ 4.101 học sinh, chiếm 47,7%; số học sinh có nghi ngờ bất thường là 2.145/4.101 học sinh, chiếm 52,3%.

Các bác sĩ khám cho trẻ trong Chương trình khám sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho bé trai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đáng lưu ý, trong đó số học sinh cần can thiệp của chuyên khoa là 1.515/4.101 học sinh, chiếm 36,9% (phát hiện 33 trường hợp ẩn tinh hoàn 1 hoặc 2 bên, 28 trường hợp thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn, dãn tĩnh mạch thừng tinh cần can thiệp ngoại khoa bằng phẫu thuật sớm.
Đại diện Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm cho hay, công tác khám sàng lọc trẻ dậy thì sớm vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân là do một số trường do còn lo ngại áp lực từ phía phụ huynh không cho con khám sàng lọc. Vì vậy, rất nhiều trẻ mất đi cơ hội can thiệp và chưa hiểu rõ ý nghĩa của sàng lọc và can thiệp kịp thời có giá trị tới việc phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ - đây là giai đoạn vàng trong sự phát triển của trẻ.
Bà Hoa cho rằng, các nhà trường cần tích cực hơn nữa trong việc vận động các gia đình có con em đang học đi khám sàng lọc, trả kết quả về cho các gia đình để họ biết cần can thiệp chuyên sâu cho con.
Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức các chương trình vệ sinh cơ thể và phòng chống xâm hại/ lạm dụng trẻ em cho học sinh khối 1, 2, 3.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh