THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:32

Những con số ấn tượng trong công tác việc làm tại Yên Bái

 

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng

Nếu như trước đây, lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào miền núi có tư trưởng trông chờ, ỉ lại hoặc ra tỉnh khác tìm việc làm. Đến nay, tư duy đó đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, từ bị động họ đã chủ động tìm đến nguồn vốn để phát triển kinh tế, tạo ra việc làm. Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái, đến nay ngân hàng chính sách xã hội đã phê duyệt cho vay 1.313 dự án từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Trong đó, đối tượng vay vốn chủ yếu các hộ gia đình với mục đích sử dụng vốn vay đầu tư phát triển trồng rừng, chăn nuôi và kinh doanh hàng hóa.

Tư vấn việc làm tại Yên Bái

Bên cạnh đó, đóng góp không nhỏ cho công tác giải quyết việc làm là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng ngành may, các doanh nghiệp đã giải quyết cho hơn 3.000 lao động. Điển hình như Công ty TNHH Unico Global, là doanh nghiệp 100% vốn của Hàn Quốc, có quy mô đầu tư lớn, hiện đại, có môi trường xanh, sạch, đẹp, đến khi hoàn thiện sẽ giải quyết 6.000 lao động. Hiện nay công ty đã giải quyết việc làm cho trên 1.100 lao động và hàng trăm lao động đang học nghề do công ty tự đào tạo. Theo lãnh đạo công ty thì lương bình quân của người lao động 3.400.000đ/người/tháng và bữa ăn ca của người lao động là 22.000đ/người.

Hoặc như tại Công ty Cổ phần May Chiến Thắng đóng tại thị xã Nghĩa Lộ. Sau hơn 3 tháng triển khai kế hoạch sản xuất, công ty đã tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động tại các vị trí việc làm gồm: 6 tổ may, 1 tổ cắt, 1 tổ là, 1 tổ kỹ thuật, 1 tổ cơ điện, 1 tổ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong quá trình đào tạo, học việc của công nhân, công ty cũng miễn học phí, phục vụ bữa ăn trưa, những ngày nắng nóng có phục vụ giải khát giữa giờ. Những công nhân có tay nghề được trả mức lương tối thiểu vùng và hỗ trợ học bổng cho người học việc đủ công, có thưởng năng suất hàng ngày. Trước nhu cầu việc làm của người lao động trên địa bàn, đến nay đã có 700 hồ sơ ở các huyện, thị phía Tâytỉnh Yên Bái đăng ký học việc nên công ty đang tiếp tục xem xét, lựa chọn và gọi thành nhiều đợt, tạo việc làm cho công nhân lao động đảm bảo tiến độ sản xuất hàng xuất khẩu.

Công ty TNHH Unico GlobalCông ty TNHH Unico Global luôn chú ý thực hiện quyền lợi người lao động

 

Ngoài ra, các công ty ngoài tỉnh cũng tham gia tuyển dụng lao động ở các vùng khó khăn như Công ty Sam Sung Thái Nguyên, Công ty TNHH CN Brother Việt Nam (KCN Phúc Điền, Hải Dương) đều có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động với thu nhập trung bình 5.600.000đ/tháng và đảm bảo được các yêu cầu như có chỗ ở kí túc xá, được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, được thưởng, tặng quà các dịp lễ, tết và rất nhiều các chế độ phúc lợi khác.

Xuất khẩu lao động đang tạo được dấu ấn

Trước đây khi lên miền núi, người ta dễ dàng gặp những lao động là đồng bào thiểu số làm các công việc như lên nương, làm rẫy, không mang lại thu nhập hoặc thu nhập không ổn định, mang tính bấp bênh theo kiểu “ráo mồ hôi là hết tiền”. Nhưng kể từ khi có chính sách tạo điều kiện cho họ ra nước ngoài làm việc, những hiện tượng đó đang dần được xóa bỏ, thay vào đó là nhà mới, đồ đạc mới và quan trọng nhất là tay nghề mới, tư duy sáng tạo mới.

Theo con số thống kê của Phòng Việc làm – An toàn lao động, toàn tỉnh có 829 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại một số thị trường chủ yếu như: Hàn Quốc, Nga, Trung Đông, và nhiều nhất là Đài Loan có 129 lao động, Nhật Bản có 142 lao động, Lào có 213 lao động. Các công việc chủ yếu của họ ở nước ngoài gồm cơ khí, xây dựng, may, chế biến xúc xích, thịt nguội, cơm hộp thủy sản, làm nông nghiệp... Và được biết, hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động cũng đang tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn cho 73 người lao động trên địa bàn tỉnh có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc.

Theo ghi nhận của PV Dân sinh tại huyện Văn Yên, hiện có trên 350 người tham gia vào thị trường lao động ở các nước. Còn tại huyện Trấn Yên, trung bình mỗi năm có 50 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó 30% lao động nữ làm các ngành nghề khác nhau và chiếm số đông vẫn là nghề điện tử, may mặc, cơ khí, xây dựng và giúp việc gia đình. Các lao động địa phương tham gia xuất khẩu lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định. Đa phần người lao động của đã chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo và cần cù lao động. Bởi vậy, thu nhập của người đi lao động ở một số nước như: Malaisia, Libya, trung bình 10 triệu đồng/người/tháng; Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng. Người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước, trừ các khoản chi phí, trung bình có nguồn thu từ 200 đến trên 500 triệu đồng. Từ số tiền trên, nhiều gia đình đã đầu tư sửa sang, xây mới nhà ở, mua đồ dùng sinh hoạt và tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy, xuất khẩu lao động ở Yên Bái đang là một hướng đi đúng và hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong giải pháp thoát nghèo. Vì vậy ban chỉ đạo các cấp của tỉnh Yên Bái đã và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ, tuyên truyền đến các lao động ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động. Các lao động ở huyện nghèo cũng được hỗ trợ một phần kinh phí ăn, ở, sinh hoạt và đào tạo tiếng nước ngoài.

Đó là những con số ấn tượng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH cũng tiếp tục đề ra kế hoạch từ nay đến hết năm giải quyết tạo việc làm mới cho 3.800 lao động, phấn đấu vượt kế hoạch tỉnh đề ra. Trong đó vẫn tập trung vào 4 nguồn lực chính là: Phát triển kinh tế xã hội; Cho vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; Chương trình xuất khẩu lao động; Hỗ trợ việc làm từ hoạt động tuyển dụng đưa lao động đi làm việc tại tỉnh ngoài tại các khu công nghiệp.

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh