Những chuyện bi hài khi CSGT xử lý "quái xế" uống rượu bia
- Dược liệu
- 03:23 - 20/08/2016
Tài xế Trần C… sau một hồi đòi thử nồng độ cồn qua đường máu đã phải thử qua thiết bị đo khí thở khi được các CSGT giải thích.
Tôi biết lỗi của mình rồi!
Đầu giờ chiều ngày 18/8, ở ngã 5 Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông - Hàn Thuyên (Hà Nội) tổ công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn do Đại úy Mai Xuân Tứ, Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội phụ trách cùng các chiến sỹ túc trực làm nhiệm vụ. Theo Đại úy Tứ, vị trí lập chốt để xử lý vi phạm nồng độ cồn phải gần các khu vực có nhiều quán nhậu. Mục đích nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các “ma men” quá chén nhưng vẫn liều mình điều khiển phương tiện tham giao thông nhằm giảm thiểu nguy cơ gây nguy hiểm cho người đi đường. Đúng 12h30, tổ công tác gồm 5 chiến sỹ CSGT của Đội CSGT số 1 bắt đầu vào việc. Đây cũng là thời điểm từ các quán bia, quán ăn khu vực Tăng Bạt Hổ, Lò Đúc, Hàn Thuyên… các thực khách bắt đầu ra về sau bữa trưa.
Sau một vòng tuần tra, các chiến sỹ trong tổ đã phát hiện một lái xe có biểu hiện vi phạm về nồng độ cồn. Ngay lập tức, chiếc xe máy của người đàn ông này được yêu cầu tấp vào vệ đường. Sau động tác chào, CSGT đã yêu cầu lái xe di chuyển về vị trí tổ công tác làm việc. Để đảm bảo an toàn cho lái xe đã có hơi men, một CSGT đã điều khiển chiếc xe máy chở chính “tài xế” này về chốt. Khi dừng chân tại tổ, vị “tài xế” nọ nhìn tổ công tác với ánh mắt có phần ngại ngùng và nhận lỗi ngay: “Tôi có uống ít bia, việc sử dụng rượu, bia mà vẫn lái xe là sai. Tôi biết lỗi của mình rồi”. Vị “tài xế” này cho biết thêm, nhà ở phố Lò Đúc, buổi trưa đi ăn trưa mấy anh em có uống ít bia. Sau khi được CSGT hướng dẫn cách thổi để đo nồng độ cồn, vị này đã thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, kết quả từ thiết bị đo nồng độ cồn ghi nhận chỉ số cồn trong hơi thở chưa đến ngưỡng xử phạt vi phạm hành chính nên anh ta đã được tổ CSGT nhắc nhở và yêu cầu viết cam kết không tái phạm.
Ít phút sau, cũng từ nút giao ngã 5 này, một nam thanh niên đi xe máy đã bị CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Người có biểu hiện sử dụng rượu, bia là Nguyễn Danh H… điều khiển xe máy BKS 18S9 – 263…. Khi gặp cán bộ xử lý vi phạm, “tài xế” này mải gọi điện thoại nên các chiến sỹ CSGT phải yêu cầu tới vị trí làm việc để đo nồng độ cồn. Tới nơi, thanh niên này nói: “Tôi uống có 1 cốc và không dám uống thêm cốc nào nữa. Nghe tuyên truyền nhiều trong thời gian này nên biết và không dám uống”. Kết quả kiểm tra cho thấy, H có nồng độ cồn trong khí thở là 0,057mg/l. Đây là mức chưa đến mức xử lý vi phạm. Cũng như các tài xế khác, “tài xế” này phải làm cam kết đã vi phạm vì có uống rượu bia lúc lái xe và hứa không tái phạm.
“Cãi cùn” vì từng xem… ti vi
Lái xe vi phạm được CSGT chở về tận chốt. Ảnh: M.A
Tại chốt kiểm tra này, vào hồi 13h30, một thanh niên điều khiển xe máy bị tổ công tác yêu cầu dừng xe vì có biểu hiện sử dụng rượu, bia. Vừa vào tới “chốt” nam thanh niên tên là Trần C… quê ở Nghệ An nhận ngay lỗi: “Tôi vừa uống bia xong, ở quán bia ra mà cãi là không uống bia thì vô duyên”. Tuy nhiên, ban đầu thay vì chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn bằng thiết bị đo qua khí thở, anh Trần C… yêu cầu được kiểm tra bằng cách thử máu. Thanh niên này viện dẫn lý do là không tin kết quả từ máy đo qua hơi thở. Một lý do nữa mà anh ta đưa ra để “né” đo nồng độ cồn bằng hơi thở là có xem chương trình tivi tối 17/8, khi Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền Cục CSGT (Bộ Công an) trả lời phỏng vấn của phóng viên truyền hình. Vị “tài xế” này khăng khăng cho rằng, Thượng tá Nhật nói lái xe có quyền được yêu cầu thử nồng độ cồn qua máu mà không cần phải đo qua hơi thở.
Tuy nhiên, thông tin chính xác mà Thượng tá Nhật cung cấp tối 17/8, hoàn toàn khác với cách hiểu của tài xế này. Khi PV truyền hình hỏi Thượng tá Nhật rằng, mức phạt về vi phạm nồng độ cồn đang tăng rất cao thì người vi phạm có thể tìm mọi cách để lách luật, né tránh việc bị phạt hay không? Ông Nhật trả lời: “Tất nhiên, những khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn rất nhiều. Bởi khi người đã uống rượu, bia vào rồi thì việc kiểm soát hành vi của họ rất khó. Họ dễ nổi nóng, dễ gây gổ và thường có thói quen là làm giảm nhẹ mức vi phạm hoặc không thừa nhận hành vi của mình. Chính vì vậy, lực lượng CSGT chúng tôi vừa phải mềm mỏng nhưng cũng phải vừa kiên quyết để xử lý một cách triệt để. Đồng thời những trường hợp cố tình chống đối, chúng tôi sẽ áp dụng những biện pháp mạnh mang tính răn đe. Kể cả trường hợp không chịu thổi vào máy thổi chúng tôi cũng thử bằng cách đo nồng độ cồn qua máu”.
Như vậy, thông tin do Thượng tá Nhật cung cấp không có việc cho rằng tài xế có quyền từ chối thử nồng độ cồn bằng thiết bị đo qua khí thở và yêu cầu thử ngay qua đường máu. Để người vi phạm hiểu rõ hơn, Đại úy Tứ phải ngay lập tức giải thích quy trình kiểm tra và yêu cầu lái xe phải chấp hành. “Khi thổi xong, nếu anh không đồng tình với kết quả của máy đo thì chúng tôi sẽ đưa anh đi thử máu. Tuy nhiên, giờ chúng tôi đang có thiết bị đo được kiểm nghiệm chính xác, đề nghị anh chấp hành”. Sau một lúc giải thích, anh Trần C… đã phải chấp hành. Kết quả thu về cho thấy, anh Trần C, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,217mg/l. Đây là mức chưa đến ngưỡng bị xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, lái xe này đã phải viết cam kết không tái phạm ngay tại chốt.
4 thành phố ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn
Sáng 16/8, tại Đà Nẵng, Cục cảnh sát giao thông (C67, Bộ Công an) tổ chức lễ phát động ra quân thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn. Cục C67 chọn 4 địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ là địa bàn trọng điểm tập trung kiểm tra xử lý các vi phạm về nồng độ cồn của lái xe. Tại TP Hà Nội, bắt đầu từ ngày 16/8, nhiều tổ công tác đã được khiển khai để xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.
|
CÙNG CHUYÊN MỤC
Áp cước bản thảo, tác dụng chữa bệnh của Áp cước bản thảo
Tác dụng Áp cước bản thảo, cách dùng Áp cước bản thảo chữa bệnh, hình ảnh, nơi mua, giá bán cây thuốc nam – vị thuốc quý Áp cước bản thảo
5 tháng trước
Tin nên đọc