Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2022
- Y học 360
- 11:51 - 29/10/2022
Cán bộ, công chức, viên chức bảo hiểm được tăng 80% lương
Kể từ ngày 10/11/2022, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2024 sẽ được thực hiện theo quy định tại Quyết định 19/2022/QĐ-TTg.
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mức chi tiền lương đối với một số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành bảo hiểm sẽ cao gấp 1,8 lần mức chi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức thông thường.
Theo đó, có 03 nhóm đối tượng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 80% tiền lương:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
(2) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
(3) Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Phần tiền lương tăng thêm 0,8 lần này không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
Đồng thời số tiền này cũng không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
Chế độ tiền lương này sẽ được áp dụng đến khi Chính phủ thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Cán bộ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Thông tư 60/2022/TT-BTC quy định về danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Điều 5 Thông tư 60 đã liệt kê cụ thể 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình quản lý sau khi thôi chức vụ gồm:
(1) Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
(2) Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
(3) Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
(4) Quản lý nhà nước về hải quan
(5) Quản lý nhà nước về giá.
(6) Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
(7) Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
(8) Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
(9) Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài
(10) Quản lý nhà nước về ngân sách Nhà nước.
(11) Quản lý Nhà nước về tài sản công.
Thời hạn bị cấm thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã đối với cán bộ của từng lĩnh vực được quy định như sau:
- Lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về tài sản công: Đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Các lĩnh vực còn lại: Đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 17/11/2022.
Mức chi tổ chức bồi thương, tái định cư và cưỡng chế thu hồi
Có hiệu lực từ ngày 20/11/2022, Thông tư 61/2022/TT-BTC sẽ hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo Điều 3 Thông tư 61, mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm được quy định như sau:
Các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn: Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp mà không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp mà phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm:
- Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí tổ chức cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án;
- Mức kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất: Mức kinh phí tổ chức cưỡng chế thu hồi đất được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài phải đăng ký với ngân hàng nhà nước
Cũng trong tháng 11 tới, cụ thể là ngày 15/11/2022, Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài mà không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay sau:
- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên (trừ khi bên vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm 01 năm nêu trên).
Doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh sẽ thực hiện khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả trên Trang điện tử: www.sbv.gov.vn hoặc www.qlnh-sbv.cic.org.vn.
Tăng mức chi chế độ đối với người cai nghiện bắt buộc
Thay thế cho loạt Thông tư hướng dẫn về chế độ hỗ trợ, việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các chế độ tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, Thông tư 62/2022/TT-BTC đã quy định rõ ràng việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
Theo đó, từ ngày 19/11/2022, khi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, người cai nghiện sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo chi các khoản như:
- Chi tiền ăn, tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người cai nghiện bắt buộc và băng vệ sinh (đối với người cai nghiện bắt buộc là nữ).
- Chi phí cai nghiện ma túy: Khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế, tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh cơ hội khác (nếu có).
- Chi chế độ khám bệnh, chữa bệnh.
- Chi học văn hóa cho người cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
- Chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo các chuyên đề về sức khỏe cộng đồng, pháp luật, đạo đức,..:
- Chi phí học nghề ngắn hạn.
- Chi tiền điện, nước sinh hoạt: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/tháng (Tăng thêm 20.000 đồng/người/tháng so với quy định hiện hành tại Thông tư 117/2017/TT-BTC).
- Chi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/năm (Tăng thêm 30.000 đồng/người/năm so với quy định tại Thông tư 117/2017/TT-BTC).
- Chi chế độ lao động, lao động trị liệu.
- Chi phí mai táng nếu người cai nghiện bắt buộc chết trong thời gian chấp hành quyết định tại cơ sở mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận.
- Chi hỗ trợ đưa người cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú…