THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:51

Những chiêu mời chào kiếm tiền trên mạng xã hội

Những chiêu mời chào kiếm tiền trên mạng xã hội - Ảnh 1

Xem video cũng có tiền?

Có kết quả khẳng định rằng đây là hình thức “kiếm tiền nhanh, đơn giản”, thu nhập mang đến hàng trăm triệu đồng/tháng mà chỉ mất 10 phút mỗi ngày.

Theo người chơi cho hay, hoạt động theo hình thức này hiện nay có thể kể tới một số kênh đầu tư nổi cộm như: Workmines, Perfect Money, Futurenet hay Alladswork… Những kênh này thường xuyên chạy quảng cáo, mời chào người chơi theo kiểu “ngồi nhà xem clip cũng có tiền”.

Một tài khoản facebook có tên Vũ Thùy Linh, là đối tác của Workmines luôn sẵn lòng giới thiệu cách đầu tư kiếm tiền dễ dàng và lợi nhuận cao cho người theo dõi. “Bạn chỉ cần bỏ chút thời gian xem vài lượt trên YouTube và đầu tư một khoản tiền tùy vào khả năng tài chính là có thể thu lại vốn sau một tháng, còn những tháng tiếp theo chỉ việc thu lời” – Linh nói.

Trong vai một nhà đầu tư muốn tham gia, chúng tôi được người này nhiệt tình giải thích về cơ chế phát sinh lợi nhuận: “Nguồn thu của YouTube đến từ các đoạn quảng cáo được chèn khéo léo giữa các clip. Do đó, càng nhiều người xem clip thì nguồn thu của YouTube cũng tăng. Workmines sẽ cung cấp các lượt xem cho YouTube, còn YouTube sẽ đổ tiền về trả. Số tiền này sau đó sẽ phân phối về cho từng tài khoản cá nhân tùy theo sự đóng góp”.

Hình thức đa cấp ảo

Tuy nhiên, dù được giới thiệu đây là một Công ty dịch vụ quảng cáo workmines.com với quy mô toàn thế giới, thế nhưng theo quan sát của PV, thông tin nhận tiền lại là một cá nhân tên Vo Minh Tam, có số tài khoản 0561000550XXX ngân hàng Vietcombank. Lấy lý do chủ tài khoản nhận tiền là cá nhân ở Việt Nam và cần thêm thời gian để suy nghĩ, nên chúng tôi đã thoát được sự mời chào nhiệt tình của người này.

Những chiêu mời chào kiếm tiền trên mạng xã hội - Ảnh 2

 

Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Ngọc Lâm (Giám đốc Cty CP Công nghệ Ngọc Lâm, Q.4, TPHCM), một người am tường trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết, về bản chất nếu làm đúng luật, đây chính là hình thức chia sẻ doanh thu, lợi nhuận từ quảng cáo cho người dùng. Theo đó, người tham gia chỉ việc xem clip và click các quảng cáo xuất hiện là được sinh lợi. Tuy nhiên muốn được thu tiền về thì cũng phải bỏ ra một khoản đầu tư. Số tiền nhận được tỉ lệ thuận với mức đầu tư ban đầu. “Để được nhận tiền lãi, người tham gia sẽ phải mua một gói quảng cáo tối thiểu với giá 10USD (khoảng 230.000 đồng) có thời hạn hoạt động trong 120 ngày. Và đây chính là lúc hình thức chia sẻ lợi nhuận bị méo mó theo kiểu đa cấp ảo” - anh Lâm cho biết.

Vị giám đốc cho biết thêm, nghe qua thì hình thức kiếm tiền này có vẻ rất đơn giản và hấp dẫn nhưng xét ở góc độ kinh tế, thì hoàn toàn không dễ dàng. Bởi, với mức đầu tư 10USD, người tham gia sẽ không được quyền tham gia xây dựng chuỗi hệ thống và các tiện ích, kèm theo đó là khoản lợi nhuận tượng trưng rất ít ỏi. Do đó, theo diễn biến tâm lý thông thường, người chơi sẽ từ từ nâng mức đầu tư lên để được hưởng nhiều quyền lợi hơn và cũng mong nhận được nhiều lãi hơn. Đó chính là cái bẫy. Con số sẽ gia tăng liên tục cho đến khi chính người chơi cảm thấy mệt mỏi và tự bỏ cuộc.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (tại Quảng Ninh) - một người đã có gần 1 năm say mê với trò đầu tư này - đánh giá: “Tiền để trả về tài khoản của người chơi chỉ có 1 phần rất nhỏ từ YouTube, còn lại là tiền của chính người chơi đóng vào. Mỡ nó rán nó mà thôi. Chưa kể khi hệ thống đạt được ngưỡng đỉnh cao về thu nhập, lượng người tham gia nhiều thì chúng sẽ âm thầm rút lui. Lúc này, nạn nhân chính là người chơi không biết tìm ai để đòi lại tiền” - anh Dũng nói.

“Kiểu đầu tư này được nhiều đối tượng mời chào, săn đón người chơi là bởi họ sẽ nhận được % hoa hồng sau khi môi giới thành công. Xác định chơi là có thể rủi ro, bởi một ngày nào đó bỗng nhiên hệ thống giao dịch mất tích thì biết tìm ai? Do đó, người chơi cần tỉnh táo, đừng bao giờ cầm cố tài sản, vay mượn tiền của người thân để đầu tư” - anh Dũng đưa ra lời khuyên.

Trao đổi với PV về việc này, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư Hà Nội - nói, đầu tư trên những trang mạng không rõ nguồn gốc được coi là công cụ để thực hiện việc rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài bất hợp pháp. Thời gian gần đây, nhiều người tham gia đầu tư tiền thật trên mạng nhưng sau đó mất trắng nên có thể coi đây là hình thức lừa đảo đang ngày càng biến tướng.

“Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế quản lý các dòng tiền này. Trong thời gian chưa có khung pháp lý cụ thể, nhà đầu tư không nên tham gia, bởi nếu có rủi ro xảy ra thì không được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần xem xét, chú ý những giao dịch qua tài khoản đáng ngờ khi số tiền giao dịch quá lớn và phải báo cáo ngay cho ngân hàng nhà nước biết” - Luật sư nói thêm.

Theo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh