Những chiến binh áo trắng trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai "hướng về tâm dịch Sài Gòn"
- Dược liệu
- 06:13 - 22/09/2021
Nghe theo mệnh lệnh từ trái tim, Ngô Đình Hoan, sinh viên năm 3, trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã quyết tâm lên đường "hướng về tâm dịch Sài Gòn".
Vào những ngày cuối tháng 8, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng và cả tinh thần người dân miền Nam, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã kêu gọi, điều động cán bộ, giảng viên và sinh viên tự giác, tự nguyện hỗ trợ nhân lực tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh. Ngay sau khi nhận được công văn, chàng sinh viên trẻ đã chuẩn bị hành lý với tinh thần sẵn sàng khi Tổ quốc cần, mặc dù chỉ mới hoàn thành mũi vaccine Covid thứ 2 được 1 ngày.
Thấm nhuần bài học làm người
Ngô Đình Hoan đã dành trọn những năm tháng học trò bên mái trường Lương Thế Vinh với những thành tích học tập tốt, bên cạnh đó, anh luôn lưu tâm lời căn dặn của vị thầy giáo đáng kính - PGS Văn Như Cương: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác… nhưng trước hết phải là những người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta…”
Chàng sinh viên trẻ chia sẻ: Khi nhận được thông báo từ Nhà trường, xác định tư tưởng dịch sẽ còn dài, diễn biến khó lường, đi chi viện không biết ngày trở về và đã có không ít những "anh hùng thời bình" đã một đi không trở lại trong tâm dịch, bản thân anh cũng có phần lo lắng.
Thế nhưng, khi chứng kiến thông tin trên báo đài về diễn biến dịch bệnh miền Nam, nhớ về lời răn dạy ấy, ngọn lửa ý chí trong tim chàng sinh viên lại bùng cháy, vì "y đức" nghề nghiệp, trách nhiệm của bản thân đối với đất nước và vì những "tiền bối" tuyến đầu đang gồng mình, Đình Hoan đã quyết chí lên đường.
Vững mục tiêu "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên"
Sau khi được tập huấn, hướng dẫn các quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, Hoan và nhóm bạn đã được phân công nhiệm vụ lấy mẫu, xét nghiệm Covid tại phường 14 quận 6 TP.Hồ Chí Minh. Đình Hoan chia sẻ: "Chúng tôi làm việc trung bình 6 tiếng/ngày, nhưng nếu chưa hết việc thì cũng không nghỉ. Còn nhiều gia đình đang ngày đêm sống chung với bệnh dịch, đến thở thôi cũng rất khó khăn, bệnh viện thì quá tải, phải chờ khá lâu mới có thể được nhập viện cấp cứu, vì vậy chúng tôi không hết việc thì ngủ cũng không yên. Phải nhanh chóng tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm cộng đồng để kịp thời ứng phó".
Tại nơi Đình Hoan công tác, số ca nhiễm Covid trong cộng đồng sau khi xét nghiệm sàng lọc tăng tới 1.000 F0, nhưng không đủ nguồn lực chữa trị, các y bác sĩ, các bệnh viện, trạm y tế phường và cả lực lượng quân đội đã hoạt động hết công suất cũng không thể đáp ứng được hết tất cả các bệnh nhân. Chính vì vậy, ngoài thực hiện những nhiệm vụ đã được phân công, nhóm sinh viên đã không ngần ngại hỗ trợ lực lượng quân đội đi chợ và phân phát thực phẩm, thuốc men đến tay người dân.
Chuyến đi đầu tiên tới miền Nam và những ký ức buồn
"Từ trước tới nay, Sài Gòn trong mắt tôi là một thành phố trẻ trung, năng động, sôi nổi. Nhưng trong chuyến đi đầu tiên này, miền Nam lại đón chúng tôi bằng sự vắng lặng, buồn tẻ khi toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đối với tôi, điều buồn nhất là khi phải trực tiếp chứng kiến người dân phải sống chung với dịch bệnh"- Đình Hoan tâm sự.
"Tôi đã chứng kiến những gia đình có 8 người, thì 7 người mất vì Covid. Có lần tôi đến các hộ gia đình, gọi tên theo danh sách lấy mẫu xét nghiệm, người nhà họ chỉ lên bàn thờ, di ảnh vẫn còn mới…" Nói đến đây chàng thanh niên trẻ như nghẹn lại.
Chữa lành tâm bệnh, vực dậy tinh thần
Từng người ra đi trong bệnh dịch, để lại đau thương tột cùng cho kẻ ở lại. Việc chứng kiến cảnh từng người thân trong gia đình từ từ nằm xuống vì Covid-19 là một nỗi ám ảnh lớn, người ở lại ngoài đấu tranh với dịch bệnh còn phải đấu tranh với tâm bệnh. Nhiều người dân đã từ bỏ, chấp nhận sống chung với Covid, họ hoàn toàn mất nghị lực nên không chịu phối hợp xét nghiệm sàng lọc. Từ đây, Đình Hoan đã đảm nhận thêm một trách nhiệm: làm công tác tư tưởng, "xốc" lại tinh thần, giúp người dân lấy lại niềm tin, nghị lực sống, vượt qua tâm bệnh mới có khả năng chiến thắng bạo bệnh. Chàng sinh viên đã áp dụng thành công những kỹ năng được học ở trường lớp để chia sẻ, an ủi và động viên người dân. Nhiều người dân đã lấy lại ý chí chiến đấu bệnh dịch và ý thức việc phối hợp sàng lọc sẽ góp phần đưa cộng đồng trở lại "vùng xanh an toàn".
Đằng sau bộ đồ bảo hộ là sự hồn nhiên tuổi trẻ
Những chiến binh trẻ chưa rời ghế nhà trường đã "gác lại đèn sách", xung phong chi viện miền Nam chống dịch. Mặc dù có tinh thần trách nhiệm lớn, nhưng họ còn trẻ trung, luôn hồn nhiên, yêu đời. Trong giờ giải lao, những chàng trai, cô gái đã có những phút giây thật vui vẻ, hạnh phúc.
Hoan chia sẻ: "Tiền lương của chúng tôi được trả bằng sự an toàn của người dân, thành công của chúng tôi là khi lấy lại ý chí, tinh thần cho người dân và niềm vui của chúng tôi là được đóng góp công sức, tuổi trẻ cho đất nước, cho nhân dân."
Tết Đoàn viên đã đến, "chiến binh áo trắng" Ngô Đình Hoan và nhóm sinh viên vẫn đang thực hiện cách ly sau khi hoàn thành công việc ở "tâm dịch Sài Gòn", mặc dù đã bỏ lỡ phút giây quây quần bên gia đình cùng mâm cỗ Trung thu, chàng trai của chúng ta vẫn vui vẻ gọi điện về, khoe chiến tích những ngày vừa qua.