THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:29

Những cái chết cào xé mãi Sơn Tây

Cây lá ngón, cách tìm đến cái chết đau đớn của người dân ở Sơn Tây. ảnh: Một Thế Giới.

Sơn Tây, ngày, tháng, năm
Cứ mỗi lần tôi lên huyện miền núi Sơn Tây, hỏi chuyện dân tình thì cái nghèo khó và chết chóc vẫn ám ảnh quanh quất. Huyện nghèo này nằm ở thượng nguồn sông Đăk Đrinh, giáp ranh với tỉnh Kon Tum, dân số chủ yếu là người dân tộc Kadong. Chuyện tự tử của người dân ở đây cứ diễn ra liên tiếp các năm. Năm 2016 này có chiều hướng tăng đột biến.
Chiều tháng Ba năm 2016, thượng tá Đinh Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Sơn Tây, kể với tôi: “Từ đầu năm đến giờ đã có 10 vụ người dân tự tử, trong đó treo cổ 6 vụ và chết 6 người; ăn lá ngón 3 vụ, cứu được 2 người, 1 người chết; 1 người đập đầu vào đá chết”.
Cái danh sách thống kê mà thượng tá Dũng đưa cho tôi đầy tang tóc: Sơn Tây, ngày 21.01.2016, tại thôn Tu Lang (xã Sơn Mùa) xảy ra một vụ treo cổ tự tử, nạn nhân là em Đinh Văn Thọ (SN 1997, trú thôn Tu Lang). Nguyên nhân do uống rượu say không làm chủ được bản thân dẫn đến treo cổ tự tử chết. Gia đình không có yêu cầu khiếu nại gì và xin nhận tử thi về mai tang theo phong tục của địa phương.
Sơn Tây, ngày 3.2.2016, tại thôn Đăk Trên, xã Sơn Dung xảy ra một vụ tự tử bằng lá ngón. Nạn nhân là Đinh Trung Ngoan (SN 1966, trú thôn Đăk Trên). Gia đình không có yêu cầu khiếu nại gì và xin nhận tử thi về mai táng theo phong tục của địa phương.
Vào khoảng 16 giờ ngày 4.2.2016, tại thôn Ra Pân (xã Sơn Long) xảy ra một vụ treo cổ tự tử, nạn nhân là Đinh Văn Đâu (SN 1950). Gia đình không có yêu cầu khiếu nại gì và xin nhận tử thi về mai táng theo phong tục của địa phương. 
16 giờ ngày 14.2, tại thôn Đăk Long, xã Sơn Liên xảy ra một vụ treo cổ tự tử, nạn nhân là Đinh Thị Xây (SN 1975). Trước đó, vào khoảng 11 giờ cùng ngày chị Xây cùng chồng là Đinh Văn Tiêu (SN 1969) đi đám ma chú ruột của chị Xây tại tập đoàn 6 (xã Sơn Mùa). Đến khoảng 15 giờ, cả hai vợ chồng đến nhà cô ruột chị Xây tại xã Sơn Mùa uống rượu. Đến khoảng 16 giờ, hai vợ chồng về nhà. Anh Tiêu đi lên thôn nhận quà của đoàn tình nguyện Ngọn lửa hồng. Sau khi nhận quà xong anh Tiêu về nhà phát hiện vợ dùng dây ruột thắng xe máy treo cổ tự tử. Gia đình không có yêu cầu khiếu nại gì và xin nhận tử thi về mai táng theo phong tục của địa phương.
19.2.2016, tại thôn Nước Min, xã Sơn Mùa xảy ra một vụ treo cổ tự tử, nạn nhân là Đinh Thị Đủ (SN 1950). Gia đình không có yêu cầu khiếu nại gì và xin nhận tử thi về mai táng theo phong tục của địa phương.
18 giờ ngày 19.2.2016, tại thôn Tà Vinh, xã Sơn Màu, bà Đinh Thị Ắc (SN 1958) buồn chuyện gia đình ở nhà tự tử bằng lá ngón.
Hãy vượt qua những vướng mắc trong cuộc sống
Thượng tá Đinh Văn Dũng mới về công tác tại huyện Sơn Tây. Việc người dân ở "xứ ngàn cau" này tự tử rất nhiều khiến ông không khỏi trằn trọc. Ông kể, trong 10 vụ tự tử từ đầu năm đến nay, có 2 trường hợp được cứu sống đó là Đinh Thị B. (thôn Mang Tà Pể, xã Sơn Bua) và Đinh Thị T. (thôn Nước Tang, xã Sơn Bua). Cả hai người này đều dùng lá ngón tự tử nhưng may ăn ít, được người nhà và hàng xóm phát hiện kịp thời nên thoát chết.
Có những trường hợp, người dân tìm đến cái chết đau đớn chỉ vì buồn rầu. Đó là trường hợp của ông Đinh Trung Ngoan (SN 1966, thôn Đăk Trên, xã Sơn Dung). Người làng kể lại, năm 2014, vợ ông Ngoan chết, ông tỏ ra buồn chán và đã 2 lần tự tử theo vợ nhưng được người dân phát hiện cứu sống. Đến ngày 4.2.2016, ông Ngoan ăn lá ngón rồi đập đầu vào đá tự vẫn.
Hay ông Đinh Văn Đâu ở xã Sơn Long tự tử cũng vì buồn chuyện gia đình. Năm 2013, vợ ông Đâu mất. Cũng từ đó, con ông Đâu hư hỏng không lo cho cha mình mà còn nhiều lần đòi tiền bạc. Mất vợ, con hư, buồn chán, ngày 4.2, ông Đâu treo cổ tự tử. 
Thượng tá Dũng cho hay, các cơ quan chức năng của huyện đã cố gắng sâu sát, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, hạn chế việc tự tử để giải quyết vấn đề nhưng vẫn chưa có tiến triển do cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, nhận thức chưa cao. Theo thống kê, trong năm 2015, toàn huyện Sơn Tây xảy ra 25 vụ tự tử khiến 21 người chết, phần lớn là do ăn lá ngón và treo cổ.
Để hạn chế việc người dân tự tử, huyện Sơn Tây đã liên tục tăng cường việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhưng cái khó là trình độ dân trí của người dân còn thấp nên mỗi khi có vấn đề là họ không nhận thức được, không phân tích đúng sai nên rất khó khăn. Cũng vào năm ngoái, huyện từng phát động ra quân vào rừng diệt nhổ cây lá ngón, tuy nhiên không thành công.
“Cây lá mọc trong rừng, nhổ đi thì còn gốc, rồi lại mọc lại. Cái quan trọng chúng tôi mong muốn là người dân biết vượt qua những khó khăn và nhận thức được giá trị cuộc sống. Không phải chết là hết, chết chỉ giải thoát cho chính bản thân mình mà thôi. Từ đó mà trân quý mạng sống của mình để không tìm đến những cái chết đau thương nữa”, ông Dũng tâm sự.
Sơn Tây vẫn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Người Kadong vẫn sống và kiếm ăn theo bản năng. Dọc những triền núi mà tôi đi ngang qua, người ta sau khi gieo lúa rẫy, vẫn phải cúng thần và dựng chòi ở lại canh chờ lúa nảy mầm.
Tôi xin kể câu chuyện này. Ở sâu trong hẻm núi, cũng ở đầu nguồn con sông Đăk Đrinh, nơi tiếng thở người Kadong lạnh buốt rơi tõm xuống con nước… có một cô giáo người Kadong đang ngày đêm nuôi dạy trẻ trên ngọn núi sầu.
Cô giáo đó là Đinh Thị Thiết (SN 1983), đã và đang nuôi dạy nhiều đứa trẻ bản địa ở điểm trường xóm ông Du (thôn Đăk Doa, xã Sơn Liên, Sơn Tây). Những đứa trẻ không đủ ăn, cha mẹ chúng vẫn uống rượu, bản làng chúng vẫn thỉnh thoảng có những cái chết vì tự tử bằng lá ngón...
Chúng lên trường với cô giáo, học bài với cô giáo. Cô giáo dạy con chữ. Rồi chúng lớn lên, sẽ đến lúc biết xóa đi hủ tục, xóa đi nghèo đói túng quẫn…
Có lẽ, mở rộng tri thức, xóa đi nghèo đói mới hoán đổi được những cái chết cào xé mãi Sơn Tây.
 

Theo Một Thế Giới

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh