CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:25

Những ca khúc bất hủ tôn vinh người lao động

 

NSƯT Vũ Dậu và con gái Khánh Linh song ca ca khúc “Những ánh sao đêm”.

 

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều ca khúc tôn vinh những người lao động, những con người đã cống hiến, tâm huyết hết mình để góp phần tạo nên những công trình có ý nghĩa to lớn với sự phát triển của đất nước cả thời chiến lẫn thời bình. Một trong những ca khúc ấy phải kể đến “Những ánh sao đêm” - sáng tác của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được đông đảo công chúng yêu thích và sống mãi với thời gian. Bài hát được cố nhạc sĩ viết vào năm 1962, bắt nguồn từ những cảm xúc của nhạc sĩ khi vào một đêm hè, từ căn phòng nhỏ của mình trên tầng cao, ông nhìn về phía khu tập thể Kim Liên (Hà Nội) đang xây dựng và thấy dưới ánh đèn công trường lấp lánh như ánh sao là sự tấp nập, hối hả làm việc của công nhân và từ đó tác phẩm “Những ánh sao đêm” dần được hình thành.

Đầu tiên tác giả ca ngợi công nhân xây dựng ở miền Bắc, nhưng sau tác giả cho biết đã nghĩ lại, vì mình là người miền Nam, đất nước đang trong công cuộc xây dựng, đổi mới trên tất cả các mặt trận, ở mọi làng quê… bài hát cần thể hiện được công cuộc xây dựng đất nước trên mọi miền Tổ quốc, các lĩnh vực của công cuộc đổi mới. Những ca từ tràn đầy tình cảm xao xuyến, nhớ thương của một đất nước còn bị chia cắt, những người yêu nhau mà không được sống bên nhau, một nửa nước đang còn đổ máu xương, một nửa nước đang xây dựng, mong chờ ngày thống nhất… vì thế lời bài hát được chỉnh sửa dần. Cố nhạc sĩ từng cho biết, bài hát được viết từ cảm hứng của nhà thơ trước công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc vào thời điểm hòa bình được lập lại. Sau khi ra đời, ca khúc được lưu truyền rộng rãi, phát sóng rất nhiều trên đài phát thanh và được công chúng hâm mộ. Và có thể nói, vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX, bài hát “Những ánh sao đêm” như khúc tình ca lãng mạn của những người công nhân xây dựng.

Hình ảnh người lao động tin yêu cuộc sống còn được khắc họa sinh động trong ca khúc “Bài ca xây dựng” của cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Rộn ràng, tràn ngập niềm vui “Bạn đời ơi, bạn có nghe chăng niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong…”, rồi nhịp nhàng, lôi cuốn để dẫn lên đỉnh cao của tình cảm “Bạn đời ơi, hãy tin hãy yêu và hát cùng chúng tôi, những người thợ xây tin yêu cuộc đời mới”. Tác giả đã lấy cảm xúc từ hình ảnh những người dân kiên cường, bất khuất khi phải đảm đương một lúc 2 trách nhiệm trên vai, vừa chiến đấu đánh giặc vừa lao động, xây dựng quê hương khi đất nước chìm trong bom đạn. Có thể nói “Bài ca xây dựng” được cố nhạc sĩ Hoàng Vân cho ra đời như lời ca ngợi tinh thần kiên cường của người dân Việt Nam.

“Bài ca xây dựng” là một trong những ca khúc rất thành công về một ngành nghề cụ thể trong xã hội của nhạc sĩ Hoàng Vân. Bài hát cũng lý giải tại sao những ca khúc của ông lại được người nghe yêu mến và đồng cảm đến vậy, bởi ông viết về ngành nghề nhưng có tình người, có bóng dáng và cuộc sống thường ngày của con người.

Những năm 60 của thế kỷ XX, dưới sự hối thúc của trách nhiệm công dân và niềm hứng khởi của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhạc sĩ Hoàng Vân cùng nhiều nhạc sĩ gạo cội khác đã có những chuyến thực tế đến vùng mỏ. Bài hát ra đời năm 1964, sau chuyến đi thực tế tại vùng mỏ Quảng Ninh, nhạc sĩ Hoàng Vân tận mắt chứng kiến những người thợ lò sống và làm việc trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Lần đầu tiên Mỹ thả bom đánh phá ác liệt thị xã Hòn Gai và vịnh Hạ Long, nhưng những người thợ lò không chùn bước. Họ vẫn hiên ngang vững bước vào lò lao động sản xuất với tinh thần hăng say, yêu nghề và trên hết là một lòng hướng về Tổ quốc theo lời kêu gọi của Bác Hồ “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác ca khúc “Tôi là người thợ lò”. Bài hát thường xuyên được biểu diễn tại các hội diễn văn nghệ quần chúng của ngành than cũng như của tỉnh Quảng Ninh và được nhiều thế hệ thợ mỏ yêu thích.

 “Tôi là người thợ lò” là trường ca đi cùng năm tháng, có vai trò “đóng đinh” một giai đoạn âm nhạc viết về thợ mỏ, đã trở thành điểm tựa, là hướng phấn đấu của mỗi nhạc sĩ hôm nay khi viết về thợ mỏ. “Tôi là người thợ lò” cũng là một trường ca mẫu mực mà sau này chưa có nhạc sĩ nào vượt qua được khi viết về đề tài người thợ mỏ.

Xuyên suốt cả bài hát, những động từ mạnh được lặp lại nhiều lần đã thể hiện được phần nào tâm thế vào lò hào sảng, kiêu hãnh và đầy tự tin của anh em đất mỏ. Công việc gian khó, nguy hiểm là thế, nhưng thợ lò chưa bao giờ lùi bước, họ vẫn kiên cường bám trụ trước mỗi gương than, đường lò. Vì họ hiểu rằng “càng gian khổ càng nhiều vinh quang”. Và cũng bởi thợ lò luôn lạc quan vào cuộc sống. Môi trường làm việc hầm lò với bộn bề tiếng máy, tiếng khoan, họ vẫn nghe rõ những âm thanh tươi đẹp của cuộc sống: “Dưới hầm lò mà nghe rõ làm sao/Tiếng chim hót trên cánh đồng lúa chín/Tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường làng/Tiếng còi tàu sớm mai rộn ràng như tiếng máy đòi ăn than ...”. Người đầu tiên thực hiện thành công ca khúc này là NSND Trần Khánh, tiếp theo là NSND Quang Thọ và sau nữa là các học trò của NSND Quang Thọ như Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Đăng Dương, Tuấn Anh… trong đó Hoàng Tùng từng đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình (Sao Mai trên đất mỏ) dòng nhạc thính phòng với ca khúc này. Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng ca khúc “Tôi là người thợ lò” vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các thế hệ khán giả yêu nhạc.

Những người lao động hăng say trên công trường trong ca khúc “Con kênh ta đào” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông cho biết, ca khúc này được viết năm 1977, khi ông đến Bến Tre, chứng kiến phong trào làm thủy lợi sôi nổi phục vụ sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long cũng là lúc ông đọc được bài thơ cùng tên trên báo Sài Gòn giải phóng. Thơ Bùi Văn Dung và nhạc Phạm Tuyên cứ vấn vít bên nhau thành một ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ, một bản tình ca đắm say trên công trường lao động thật tươi vui, rộn ràng và bay bổng. “Con kênh ta đào” chưa phải là những bài thơ hay trong thi đàn, nhưng trình độ phổ thơ của Phạm Tuyên đã chắp cánh cho thơ bay xa và tỏa sáng lung linh trong bầu trời âm nhạc Việt Nam.

Còn rất nhiều ca khúc được các tác giả sáng tác để tôn vinh người lao động, đó là những năm đầu tái thiết miền Bắc, nhạc sĩ Lưu Bách Thụ đã viết bài “Cô thợ nề thủ đô” với những ca từ đầy lạc quan, trong sáng ca ngợi việc làm khiêm tốn, nhưng đầy ý nghĩa, đóng góp cho đời thật to lớn. Hay ca khúc "Trên công trường rộn tiếng ca" của Ngô Quốc Tính, "Tình ca trên những công trình mới" của Phó Đức Khánh. "Bàn tay người thợ xây" của Châu Đức Khánh… cũng vẹn nguyên tinh thần hăng say lao động. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng có bài “Cô thợ quét vôi”  với những ca từ “… tường trắng, tường xanh anh tường vàng… Em là thợ quét vôi…” dí dỏm, yêu đời, sau này được phổ biến rộng rãi, không còn là một bài ca trong kịch hát nữa. Hay trong những năm xây dựng thủy điện Sông Đà, "Tôi lắng nghe sông Đà gọi Thác Bà" của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn đầy tha thiết và trang trọng, lấy hình tượng của dòng sông, con thác cuồn cuộn chảy và sức người chặn ngang dòng lũ “Tôi lắng nghe Sông Đà gọi Thác Bà… tôi lắng nghe tiếng Đảng gọi thiết tha, thắp sáng dòng điện xây xã hội chủ nghĩa…” đã tôn vinh những đóng góp, công lao to lớn của những người công nhân xây dựng thủy điện.

Có thể nói, những ca khúc tôn vinh người lao động đã góp phần khích lệ tinh thần hăng say lao động để có những công trình tầm vóc thế kỷ, mang dấu ấn thời gian, minh chứng cho sự sáng tạo trong lao động, sản xuất của người lao động Việt Nam, và cho đến hôm nay, những ca khúc này vẫn có sức sống mãnh liệt, trở thành những bản tình ca của người lao động.  

NHƯ HOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh