CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:08

Những bức tranh khỏa thân nổi tiếng thế giới

 

Bức “Khỏa thân nằm tựa” (1917) - danh họa Ý Modigliani: Vốn là danh họa của những bức tranh khỏa thân nổi tiếng thế giới, tuy vậy, cho tới tuần này, người ta mới nhắc đến Amedeo Modigliani nhiều hơn bao giờ hết.
Bức “Khỏa thân nằm tựa” của danh họa đã bán được mức giá tương đương 3.786 tỉ đồng và trở thành bức họa đắt giá thứ 2 trong lịch sử các cuộc đấu giá mỹ thuật. Đây là một kỷ lục mới đối với tranh Modigliani, dù trước đây tranh ông cũng vốn luôn nằm trong top các tác phẩm đắt giá.



Hai bức tranh khỏa thân khác của Modigliani cũng rất đáng chú ý, đó là bức “Khỏa thân nằm tựa trên gối xanh” (1917) từng được bán với giá tương đương 2.622 tỉ đồng hồi năm 2012 và bức “Khỏa thân ngồi trên đi văng” (1917 - ảnh) được bán với giá tương đương 1.533 tỉ đồng hồi năm 2010.

Bức “Khỏa thân, lá xanh và bầu ngực” (1932) - danh họa Tây Ban Nha Picasso: Sinh thời, Picasso luôn biến những người tình của mình trở thành nàng thơ truyền cảm hứng trong hội họa. Như bức tranh này, ông khắc họa người tình Marie-Thérèse Walter. Năm 2010, tác phẩm đã được bán đấu giá và đạt mức 2.366 tỉ đồng, hiện đây là bức tranh có giá cao thứ ba trong lịch sử đấu giá các tác phẩm mỹ thuật.



Bức tranh đắt đầu bảng trong lịch sử đấu giá cũng là một họa phẩm của Picasso - bức “Những người phụ nữ Algiers” (1955) vừa được bán trong năm nay với giá 3.986 tỉ đồng. Bức tranh này không thể xếp vào loạt tranh khỏa thân, nhưng đề tài của tranh cũng rất nóng bỏng, cũng khắc họa vẻ đẹp thân hình phụ nữ.



Bức “Vệ Nữ thành Urbino” (1538) - danh họa Ý Titian: Không “ngoa” khi nói rằng, trong lịch sử hội họa không ai vẽ phụ nữ khỏa thân đẹp hơn Titian bởi nhân vật của ông luôn tỏa ra một vẻ đẹp thế tục mà vẫn cao sang, thuần khiết.



Bức “Cung phi” (1814) - danh họa Pháp Ingres: Đây là tác phẩm đánh dấu bước chuyển trong sự nghiệp hội họa của Ingres, khi ông đoạn tuyệt với trường phái Tân Cổ điển để đến với trường phái Lãng mạn. Thời bấy giờ, tư duy hội họa còn rất hàn lâm, bảo thủ nên khi tác phẩm này ra đời, Ingres đã phải chịu rất nhiều chỉ trích.



Bức “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (1480) - danh họa Ý Botticelli: Bức tranh khắc họa thần Vệ Nữ bước lên từ biển cả. Vệ Nữ vốn là một hình tượng giàu sức gợi cảm trong hội họa. Trong những bức tranh vẽ nàng, “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” là một họa phẩm không thể bỏ qua.



Bức “Vệ Nữ và Cupid” (1651) - danh họa Tây Ban Nha Velázquez: Velázquez là danh họa đi đầu trong kỷ nguyên vàng của hội họa Tây Ban Nha. Bức vẽ này tiếp tục là một họa phẩm lấy cảm hứng từ Vệ Nữ để truyền tải vẻ đẹp gợi cảm của phụ nữ. Trong tranh, con trai của nàng - thần Cupid đang đỡ gương để mẹ soi.



Bức “Suối nguồn” (1856) - danh họa Pháp Ingres: Bức tranh được bắt đầu thực hiện ở Florence vào năm 1820 và hoàn thành ở Paris vào năm 1856. Tác giả đã mất tới gần 4 thập kỷ để thực hiện bức tranh này. Khi bức “Suối nguồn” đã trọn vẹn, cũng là khi Ingres đã 76 tuổi và đã trở nên nổi tiếng, không còn phải đối diện với những bình luận khen chê như khi ông thực hiện bức “Cung phi” nữa.



Bức “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (1879) - danh họa Pháp Bouguereau: Là một trong những bức họa nổi tiếng nhất từng được thực hiện bởi danh họa Bouguereau, “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” tiếp tục là một đề tài quen thuộc trong hội họa, Vệ Nữ vốn được xem là biểu trưng của vẻ đẹp tinh túy nhất trong văn hóa Hy Lạp, cũng đồng thời là hình ảnh lý tưởng về vẻ đẹp của phụ nữ trong văn hóa La Mã.



Bức “Vệ Nữ bước lên từ biển” (1520) - danh họa Ý Titian: Bức vẽ này có thể khắc họa nàng đang tắm hoặc vẽ nàng ngay sau lúc ra đời. Vệ Nữ trong thần thoại được sinh ra từ một chiếc vỏ sò (nằm ở góc trái phía dưới).



Bức “Maja khỏa thân” (1800) - danh họa Tây Ban Nha Francisco Goya: Đương thời bức họa trở nên nổi tiếng bởi ánh mắt của cô gái trong tranh. Trước đó, trong các bức tranh khỏa thân, nhân vật nữ thường không hướng ánh mắt trực diện vào người xem. Đối với nhân vật nữ trong tranh Goya, nàng có nhiều nét táo bạo mới mẻ, một vẻ đẹp không che giấu, không ngần ngại.
Tuy vậy, người ta cũng không thể nhầm nàng là kỹ nữ bởi dưới nét cọ của Goya, nàng hiện lên với một vẻ đẹp bừng sáng, cao sang. Với bức họa này, Goya đã mở rộng thêm những giới hạn trong hội họa Tây Ban Nha thời bấy giờ.



Bức “Danae” (1907) - danh họa Áo Gustav Klimt: Danae cũng là một nhân vật rất được yêu thích trong hội họa, nàng là biểu tượng của tình yêu thần thánh. Danae tồn tại trong thần thoại Hy Lạp. Nàng là con gái của vua Acrisius xứ Argos. Vì không có con trai nối dõi nên Acrisius tới hỏi một nhà tiên tri xem liệu có thể thay đổi điều này không.
Nhà tiên tri bảo rằng nhà vua sẽ bị chính cháu trai, con của nàng Danae giết chết. Khi đó, Danae chưa lấy chồng, để tránh việc Danae sinh con, nhà vua đã nhốt cô vào một tòa tháp. Thần Dớt biết chuyện đã tới thăm nàng công chúa xinh đẹp. Ngài hóa thành một cơn mưa vàng và tình tự với Danae khiến nàng có thai. Sau đó, đứa con trai của họ là Perseus đã ra đời.



Bức “Danae” (1544) - danh họa Ý Titian: Trong lịch sử các vị thần Hy Lạp, thần Dớt là vị thần “ngoại tình” nhiều nhất, ông luôn đến với người tình của mình bằng những hóa thân kỳ lạ, để thoát khỏi sự ghen tuông, ngờ vực của người vợ - nữ thần Hera. Trong bức tranh này, thần Dớt đang đến tự tình với nàng Danae trong hình dáng của một cơn mưa vàng.

Theo Dantri.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh