CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:29

Những bệnh trẻ dễ mắc vào ngày cận Tết

 

Rối loạn tiêu hóa

Do ngày Tết mọi việc bận rộn nên ngay cả bữa ăn hàng ngày cũng qua loa. Việc tiện gì ăn đó cho đơn giản, ăn quá bữa, ăn các món chế biến sẵn, ăn lại thức ăn nấu vẫn còn thừa… nên trẻ rất dễ xảy ra tình trạng rối loạn tiêu hoá.

Trẻ có thể ăn nhiều thứ cùng lúc, ăn những thức ăn lạ, thức ăn bên ngoài không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị nhiễm khuẩn. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón… Đây là tình trạng phổ biến thường gặp ở những ngày cận Tết và trong Tết.

Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường có biểu hiện như nôn và tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ có thể bị khó chịu, ợ hơi, đầy bụng, quấy khóc… Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa kiểm tra ngay xem trẻ có khát nước không, đi tiểu có như bình thường hay không, môi khô như thế nào, từ đó nhanh chóng bù nước cho trẻ.

Để phòng bệnh, cần để ý đến chế độ ăn hàng ngày, hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhiều chất béo, chất đạm, thức ăn để lâu ngày... Khi rối loạn tiêu hóa có kèm theo đau bụng thì đi khám bệnh càng sớm càng tốt để đề phòng mắc thêm các bệnh cấp tính khác.

Hen suyễn

Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản, là một bệnh thường gặp ở trẻ em, chiếm hơn 20% các bệnh về phổi ở trẻ nhỏ, đứng hàng thứ ba sau bệnh viêm phế quản và viêm phổi.

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, nhưng các nghiên cứu cho thấy bệnh thường xảy ra ở những trẻ có cơ địa dị ứng như: Dị ứng theo mùa, dị ứng với cây cỏ, phấn hoa, nấm mốc... nên dễ bị kích thích. Chính vì vậy, khi thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường, đang ấm chuyển lạnh đột ngột, sau gió mùa đông bắc thường có những đợt gió nồm, mưa phùn ẩm ướt, không khí bão hòa hơi nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cơn hen xuất hiện.

151100-dung-thuoc-ha-sot-cho-tre

Với trẻ đã có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, khi cận Tết cũng là lúc giao mùa đông - xuân, trẻ rất dễ bị tái phát và bệnh sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, không khí lạnh hoặc ấm áp đột ngột ngày cận Tết sẽ làm cho tình trạng hen suyễn của trẻ trở nặng. Khi dọn nhà, bụi phát tán cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc với khói bụi ở trẻ, khiến căn bệnh này thêm trầm trọng.

Đặc biệt, những trẻ đã có sẵn các bệnh mạn tính như: Viêm phế quản mạn, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy dinh dưỡng mạn tính, mắc các bệnh lý tim mạch bẩm sinh... thường sẽ bị mắc bệnh nặng hơn và dễ bị những biến chứng nặng nề so với những trẻ bình thường khác. Nhiều trường hợp trẻ bị hen suyễn phải đi cấp cứu khiến cha mẹ rất lo lắng.

Chính vì vậy, để dự phòng cho trẻ bị hen suyễn hoặc tránh để bệnh nặng hơn, cha mẹ nên:

  • Chú ý đến các biểu hiện của trẻ.
  • Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là sau khi tắm.
  • Khi dọn dẹp nhà cửa cần cho trẻ sang phòng khác hoặc ra ngoài sân chơi để tránh cho trẻ tiếp xúc với bụn bẩn, hóa chất gây mùi trong nhà.
  • Không để những loại nước hoa xịt phòng, mùi hóa chất, hoa tươi có mùi đậm nặng trong nhà. Tránh dùng các loại thuốc xịt muỗi, côn trùng… vì những thứ này khiến cho trẻ dễ bị khởi phát cơn hen.
  • Phòng ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, duy trì không khí sạch và trong lành
  • Khi trẻ lên cơn hen, nếu sử dụng thuốc cắt cơn theo chỉ định của bác sĩ mà không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở… cần cho trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Cảm lạnh

Khi thời tiết trở lạnh vào xuân là thời điểm trẻ dễ bị cảm lạnh do virus ở mũi và họng (đường hô hấp trên). Nhiều loại virus có thể gây ra cảm lạnh, theo nghiên cứu có trên 100 chủng khác nhau, Rhinovirus là loại thường gây ra cảm lạnh nhất. Một số loại virus khác gây bệnh như: Enterovirus (Echovirus và Coxsackievirus), Coronavirus... Vì có rất nhiều loại virus gây cảm lạnh thông thường nên chúng ta có thể bị nhiều lần trong năm.

Theo thống kê, trẻ em dưới 6 tuổi trung bình bị từ 6 - 8 đợt cảm lạnh trong năm (có thể 1lần/tháng), với triệu chứng kéo dài trung bình 14 ngày. Những trẻ đi nhà trẻ dường như bị cảm lạnh nhiều hơn trẻ được chăm sóc tại nhà.

Ở trẻ em, nghẹt mũi là triệu chứng nổi bật của cảm lạnh, cũng có thể sổ mũi nước trong, vàng hoặc xanh. Trẻ có sốt, đây là triệu chứng phổ biến trong 3 ngày đầu của bệnh với nhiệt độ cao hơn 38 độ C.

Ngoài ra, triệu chứng khác bao gồm: Đau họng, ho, quấy khóc, khó ngủ và giảm sự thèm ăn. Niêm mạc mũi có thể đỏ và sưng, hạch bạch huyết ở cổ có thể hơi to.

Sổ mũi, nghẹt mũi là một trong những triệu chứng nổi bật của cảm lạnh.

Để phòng cảm lạnh cho trẻ, việc giữ ấm cho trẻ và vệ sinh sạch (rửa tay cho trẻ thường xuyên, không cho trẻ chơi đất bẩn…) sẽ có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus gây cảm lạnh. Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, khi dọn lau nhà cần sử dụng chất tẩy rửa ở các bề mặt (sàn, tay nắm cửa...) có thể giúp giảm lây truyền virus.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh