Những bệnh dễ mắc phải khi thời tiết thay đổi đột ngột
- Y học 360
- 19:24 - 27/03/2023
Theo các chuyên gia y tế, những bệnh dễ mắc phải khi thời tiết thay đổi có thể kể đến như:
Nhức đầu: thời tiết thay đổi đột ngột làm cho nhiều người mắc chứng đau đầu, nhất là đau nửa đầu. Nguyên nhân là do áp suất khí quyển và nhiệt độ không khí ảnh hưởng đến các mạch máu lưu thông đến não gây ra hiện tượng đau đầu.
Đau khớp: tình trạng này thường xảy ra khi trời nắng nóng chuyển sang lạnh. Sở dĩ do áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực cho khớp, độ ẩm tăng góp phần gây nên sưng mỏi khớp. Đồng thời mạch máu bị co lại khi nhiệt độ giảm xuống, khiến máu trong cơ thể lưu thông kém càng làm chân tay đau buốt, tê cứng hơn.
Theo báo Công Thương, một số nghiên cứu còn khuyến cáo trời lạnh, làm thay đổi dịch khớp gây đau khớp hay trước một cơn bão, áp suất khí quyển thay đổi đột ngột có thể gây đau khớp.
Cảm cúm: Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ mắc thành dịch nhất khi thời tiết thay đổi. Sự biến động nhiệt độ nhanh làm hệ miễn dịch bị suy yếu, thêm vào đó các virus gây bệnh cảm cúm thường lan truyền dễ dàng hơn trong điều kiện khí hậu thay đổi, nhất là ẩm.
Bệnh xoang: Đây là bệnh đặc trưng khi áp suất khí quyển thay đổi, nhiều người cảm thấy nó tác động rõ rệt đến bệnh xoang vốn có của mình, thường xuất hiện các triệu chứng ngạt mũi, khó thở…
Huyết áp: Khi áp suất khí quyển giảm, huyết áp của con người cũng thay đổi. Nhiệt độ đột ngột xuống thấp khiến các mạch máu bị co lại làm tăng huyết áp, dễ xảy ra tai biến hay đột quỵ, nhất là đối với bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp.
Hen suyễn và dị ứng: Khi thời tiết chuyển mùa hay từ lạnh sang nóng, những người gặp các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, dị ứng thấy bệnh trầm trọng thêm.Bệnh tiểu đường: Khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể sẽ có những phản ứng để thích nghi như mạch máu co lại, đường trong gan được huy động để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, từ đó có thể làm gia tăng lượng đường trong máu ở các bệnh nhân tiểu đường.
Bệnh tim mạch: Theo nghiên cứu của Tổ chức tim mạch BMJ, mỗi khi nhiệt độ giảm 1 độ có thêm khoảng 200 trường hợp đau tim xảy ra trên khắp nước Mỹ. Nguyên nhân là do nhiệt độ giảm phát sinh các căn bệnh như tăng huyết áp, tăng nguy cơ cục máu đông và là điều kiện trực tiếp làm xuất hiện các cơn đau tim…
Do vậy, để đề phòng những ảnh hưởng xấu của thời tiết do biến đổi đột ngột nhiệt độ trong ngày, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người khỏe mạnh và người có những bệnh mạn tính về hô hấp và dị ứng cần phải tự thích ứng với biên độ nhiệt cao như là mặc quần áo phù hợp (đêm lạnh phải giữ ấm); chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý, giữ nhiệt độ cơ thể thay đổi ở mức sinh lý tránh vận động quá mức làm tăng thải nhiệt khi trời nóng gây mệt mỏi trong ngày.
Người có bệnh về hô hấp và dị ứng phải tuân thủ chế độ điều trị, điều trị tối ưu theo hướng dẫn của cán bộ y tế, tránh tiếp xúc môi trường bên ngoài khi nhiệt độ cao vào buổi trưa và trời lạnh vào buổi tối.
Đối với trẻ nhỏ, theo báo Sức khoẻ và Đời sống, cha mẹ và thầy cô cần hướng dẫn, tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Ăn uống hợp vệ sinh, việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải thật sạch sẽ, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa, có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
Giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Duy trì thói quen nằm màn khi ngủ, kể cả buổi trưa. Khi phát hiện sức khỏe của trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị kịp thời.