Những bài học xương máu
- Văn hóa - Giải trí
- 06:06 - 16/10/2021
Trọng tài và VAR chỉ là một phần
Trong lần đầu tham dự vòng loại cuối World Cup, đội tuyển Việt Nam đã “thấm” được tính chất khốc liệt của sân chơi này. Là một đội bóng yếu thế nhất ở bảng B, đoàn quân của HLV Park Hang Seo nhận nhiều quyết định bất lợi từ trọng tài và VAR.
Trong cả 4 trận gặp Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc và Oman, đội tuyển Việt Nam đều bị trọng tài và VAR “đè” ra xử. Thậm chí ở trận gặp Oman, sau tình huống mở tỷ số của Tiến Linh, đã xảy ra VAR kép. VAR đã làm mọi cách để tìm ra lỗi của đội tuyển Việt Nam..
Những quyết định bất lợi từ trọng tài và VAR ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý thi đấu các cầu thủ, ảnh hưởng tới kết quả trận đấu. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân dẫn đến 4 trận thua vừa qua của thầy trò HLV Park Hang Seo. Nói cách khác, đội tuyển Việt Nam không thua đối thủ vì VAR.
Chúng ta thua về đẳng cấp. Chính HLV Park Hang Seo từng nhiều lần thừa nhận rằng đội tuyển Việt Nam yếu nhất bảng B. Chúng ta kém đối thủ được xếp ngay phía trên là Oman, tới 20 bậc trên BXH FIFA thế giới, còn với Nhật hay Australia thì khoảng cách còn xa hơn nữa.
Bài học ở sân chơi World Cup
Nhìn lại cả hành trình đã qua, chẳng riêng gì trận gặp Oman đội tuyển Việt Nam mới bị phạt 11m, trước đó nhiều bàn thua vì lỗi như thế xảy ra khá nhiều trong cả vòng loại thứ 2 thì rõ ràng điều này cũng là bài học đáng giá đối với thầy trò HLV Park Hang Seo.
“Thói quen chơi bóng ở V-League khiến các cầu thủ Việt Nam gặp khó khi có VAR. Dù đã rút ra nhiều bài học nhưng trong các tình huống cụ thể, bản năng trỗi dậy khiến họ không thể kiểm soát”, bình luận viên Quang Huy chia sẻ.
Do V-League chưa sử dụng VAR nên cầu thủ lẫn các CĐV đều bỡ ngỡ. Cũng vì thi đấu với những thói quen xấu ở V-League, nên các cầu thủ đã làm hại chính mình và đội tuyển. Những động tác thừa của Tấn Tài hay Duy Mạnh là cực tối kỵ với một hậu vệ. Trọng tài và VAR cũng chỉ chờ có thế để thổi penalty. Đây chính là bài học đầu tiên mà các cầu thủ phải rút ra sau 4 trận thua liên tiếp.
Vấn đề thứ 2 của đội tuyển Việt Nam là chúng ta mất sức quá nhanh. Ngay cả một trung vệ ít khi phải thay ra như Bùi Tiến Dũng cũng không còn sức thi đấu, để rồi khi Thanh Bình vào sân dẫn đến trận thua Trung Quốc.
Theo quan sát, đội tuyển Việt Nam chỉ chơi đúng sức trong khoảng 75 phút, còn sau đó nhiều vị trí thậm chí chỉ đi bộ. Đó là lý do mà hầu hết các bàn thua của đội tuyển Việt Nam đều rơi vào hiệp 2, đặc biệt là thời điểm cuối trận.
HLV Park Hang Seo cho rằng đội tuyển Việt Nam phải di chuyển nhiều, chênh lệch múi giờ, thời tiết… Tuy nhiên, có thể thấy rằng chúng ta không có sự chuẩn bị tốt nhất cho hai chuyến làm khách vừa qua trước Trung Quốc và Oman.
Về lối chơi, đội tuyển Việt Nam gặp vấn đề thực sự trong khâu tổ chức hàng phòng ngự. Chúng ta rất dễ bị thủng lưới từ những pha bóng bổng hay từ hai biên. Cần nên nhớ dưới thời HLV Park Hang Seo, hàng thủ là bức tường cực chắc chắn và ít khi có sự thay đổi, nhưng lần này ông Park đã liên tục phải điều chỉnh, kể cả thủ môn, nhưng kết quả không tốt hơn sau mỗi trận.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhân sự, cách chơi thiếu linh hoạt của ông Park cũng khiến các đối thủ dễ bắt bài. HLV Park Hang Seo khẳng định mình không đặt nặng vấn đề thành tích, thì đây chính là cơ hội để ông thay đổi, có những thử nghiệm mới của mình.
Những trận thua tại vòng loại thứ ba World Cup vừa qua, mà mới nhất là thất bại trước tuyển Oman sẽ giúp các cầu thủ có thêm nhiều bài học bổ ích. Đó sẽ là kinh nghiệm quý giá để những trận còn lại, thầy trò HLV Park Hang Seo rút ra bài học cho mình, tránh lặp lại những sai lầm không đáng có để hướng về chặng đường còn lại một cách vững vàng, mạnh mẽ hơn.