Nhức nhối tình trạng trẻ vị thành niên làm mẹ
- Y học 360
- 20:01 - 22/02/2023
60 - 70% ca nạo phá thai ở độ tuổi 15 - 19
Nữ sinh T.T.M.C (sinh năm 2010, ở Sơn Động, Bắc Giang) sinh con vào khoảng 4 giờ 30 ngày 11/2/2023. Gia đình kể lại, trong lúc ở nhà, em M.C. đau bụng dữ dội đã vào phòng tắm và sinh bé trai nặng khoảng 2,7kg. Dư luận chưa hết bàng hoàng thì ngày 17/2/2023, truyền thông đưa tin bé gái V.T.H.T. (ở Thanh Sơn, Phú Thọ) sinh con hồi cuối năm 2022 khi mới 11 tuổi - đang là học sinh lớp 5. Một bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đây chia sẻ, bệnh viện đã tiếp nhận một ca khám bệnh là học sinh nữ lớp 10 tại Hà Nội mang song thai. Trước đó, năm 2011, một bé gái đang học lớp 7 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sinh con tại nhà và tự cắt dây rốn cho con…
Liên tiếp nhiều trẻ vị thành niên mang thai khiến dư luận xót xa, các bậc cha mẹ bàng hoàng, lo lắng. Nhìn lại các con số thống kê về tình trạng mang thai sớm cho thấy, việc các học sinh nữ mang thai, ngưng học vì thai sản ngoài ý muốn diễn ra không ít.
Một cuộc khảo sát về hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với hơn 7.700 học sinh tham gia đều từ lớp 8 - 12 cho thấy, tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019).
Trong khi đó, khảo sát vào năm 2021 của UNICEF cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Thậm chí, 8,9% phụ nữ từ 15 - 19 tuổi đã quan hệ tình dục với bạn tình hơn mình 10 tuổi.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số khoảng 300.000 ca nạo phá thai được công bố ở Việt Nam, 60 - 70% các ca nạo phá thai là phụ nữ ở độ tuổi 15 - 19. Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Tư vấn sức sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cứ 2 bà bầu đến bệnh viện thì có 1 người phá thai. Đặc biệt, tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thanh niên đáng báo động.
Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội, hiện tượng trẻ vị thành niên yêu đương, trốn học, có hành vi không phù hợp như ôm ấp, hôn nhau ở quán cà phê khi đang mặc đồng phục học sinh cũng không còn là chuyện hiếm…
Chúng ta đang giáo dục giới tính muộn
Theo đánh giá của các thầy, cô giáo, nội dung giáo dục giới tính rất quan trọng và cần thiết, tuy nhiên hiện chưa được chú trọng. Cách xây dựng chương trình vẫn hàn lâm, chưa có các câu hỏi gắn liền thực tế, buộc giáo viên phải dựa vào kinh nghiệm để chia sẻ với học trò. Chẳng hạn cùng dạy về chương sinh sản nhưng không phải giáo viên nào cũng có khả năng truyền đạt, liên hệ, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên. Một số giáo viên trẻ tránh nói sâu về chủ đề này vì ngại. Do vậy, ngoài trách nhiệm của thầy, cô trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, bố mẹ cũng nên dạy con về giới tính để tự bảo vệ bản thân, bạn bè, có trách nhiệm trước những quyết định của chính mình.
PGS, TS Trần Thành Nam, Chuyên gia tâm lý học lâm sàng trẻ em (Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, sau đại dịch Covid-19, phần lớn nhà trường chỉ tập trung vào giảng dạy kiến thức trong sách giáo khoa để đuổi kịp chương trình học. Vấn đề giáo dục giới tính, nắm bắt tâm sinh lý của trẻ bị lơi lỏng và ít được quan tâm.
“Ở tuổi vị thành niên, các em không chỉ có sự phát triển mạnh về thể chất mà tâm lý cũng có nhiều biến động: Dễ xúc động, tò mò, ưa khám phá, có những chuyển biến tình cảm với các bạn khác giới. Đặc biệt, giới trẻ ngày càng cảm thấy cô đơn, mất đi sự gắn kết với người thân và gia đình. Đến tuổi dậy thì, dưới tác dụng sinh lý của hormone, cơ thể các em sẽ diễn ra hàng loạt thay đổi về hình dáng, cơ quan sinh dục. Nếu bố mẹ không quan tâm tới vấn đề giáo dục giới tính, các website đen, chất liệu tình dục lệnh lạc sẽ “nuốt chửng” tinh thần của các em”, PGS, TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Một số chuyên gia nhận định, chúng ta đang giáo dục giới tính muộn. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con mình còn quá nhỏ, mới 12 - 13 tuổi thì chưa cần giáo dục giới tính, chưa cần nói đến quan hệ tình dục. Cũng bởi vậy, nhiều phụ huynh đã tự tạo ra một khoảng cách vô hình với con cái, khiến trẻ thiếu đi một nơi tin cậy nhất để được chia sẻ và giải đáp những thắc mắc về vấn đề đang gặp phải.
Thay vì lảng tránh, phụ huynh nên chủ động dành thời gian để chia sẻ một cách cởi mở về những kinh nghiệm và hiểu biết của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản. Phải dạy trẻ các kiến thức về giới tính, quan hệ tình dục sớm thì hậu quả thế nào; làm thế nào để an toàn nếu xảy ra “chuyện người lớn”… Đặc biệt, cha mẹ không thể giữ quan niệm dạy cho trẻ hiểu về tình dục là "vẽ đường cho hươu chạy" bởi thà “vẽ đường cho hươu chạy” đúng còn hơn là chạy sai.
Giáo dục giới tính đã được đưa vào trường học nhưng chưa thực sự hiệu quả triệt để. Thực tế, trẻ đang cần cha mẹ, nhà trường và cả xã hội phải can thiệp vào quá trình trưởng thành của mình bằng những phương pháp khoa học, phù hợp và văn minh.