CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:09

Như Xuân (Thanh Hoá) ra khỏi huyện nghèo 30 a

 
Mô hình trang trại của gia đình anh Phạm Văn Dũng, thôn Tân Thịnh, xã Hoá Quỳ (Như Xuân - Thanh Hoá) cho hiệu quả kinh tế.  

Phát huy tiềm năng và thế mạnh

Xã Hóa Quỳ - một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Như Xuân có xuất phát điểm thấp, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp... Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xã đã rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, phân công các thành viên trong ban chỉ đạo giảm nghèo phụ trách thực hiện các giải pháp giảm nghèo. Xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động. Đẩy mạnh khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, chú trọng công tác thủy lợi. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, các chương trình vay vốn sản xuất, tạo việc làm mới cho lao động.

Anh Phạm Văn Dũng, thôn Tân Thịnh, xã Hoá Quỳ (Như Xuân - Thanh Hoá) cho biết: "Những năm trước gia đình tôi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cả gia đình tập trung khai hoang, cải tạo vườn tạp, song trồng cây gì cũng không phát triển. Từ khi có các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ các chương trình giảm nghèo cho huyện, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại nuôi hàng nghìn con gà thịt và trồng hơn 200 gốc bưởi Diễn, hàng năm trừ chi phí, gia đình tôi còn doanh thu hơn 100 triệu đồng, từ một hộ nghèo đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng".

Anh Phạm Văn Dũng phát triển vườn bưởi Diễn của gia đình

Thực hiện chương trình giảm nghèo, xã Hoá Quỳ đã ban hành kế hoạch giảm nghèo, phân công các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phụ trách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo hàng tuần xuống thôn cùng người dân trực tiếp tham gia chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, xử lý rác thải... Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện, xã đã hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, khuyến khích xuất khẩu lao động và huy động được các nguồn lực từ xã hội hóa. Việc  thực hiện các biện pháp giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đời sống người dân ổn định và từng bước được nâng lên.

 Tăng cường công tác tuyên truyền

Quá trình triển khai thực hiện, huyện Như Xuân đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tính chủ động của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo, qua đó làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tập trung lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn huyện để phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản... 

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác XKLĐ để giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các chương trình dự án để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời phát huy các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.

 Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Như Xuân Lê Đình Chuyên cho biết: "Những năm qua, để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Như Xuân đã xây dựng đề án, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020; ban hành một số chính sách đặc thù thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: Nghị quyết số 07 về phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện đến năm 2020; Nghị quyết số 02 về phát triển cây cao su trên địa bàn huyện đến năm 2016; Nghị quyết số 05 về cơ chế khuyến khích phát triển giao thông phục vụ xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 127 về việc phê chuẩn cơ chế và chính sách trồng rừng gỗ lớn đến năm 2020 và 2020-2025; Nghị quyết số 03 về việc tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016-2020... để phát huy thế mạnh của địa phương".

Nỗ lực trong công tác giảm nghèo

Trong những tháng đầu năm 2018, huyện Như Xuân đã tích cực tuyên truyền nêu cao khẩu hiệu: “Siêng năng chăm chỉ sẽ thoát nghèo, ham làm tính giỏi ắt giàu nhanh”, “Xuất khẩu lao động là con đường giảm nghèo nhanh nhất”, “Cải tạo vườn tạp là góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững”... Hàng tháng, huyện cử cán bộ xuống thôn, bản để tư vấn, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật cho hơn 200 hộ trồng gần 9 ha cỏ chăn nuôi, 35 ha rau các loại, 20 ha cây ăn quả, đào và xây mới 772 hố rác, sửa chữa nâng cấp và xây mới 532 ngôi nhà... Các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2018. Đến nay, toàn huyện Như Xuân còn 3.709 hộ nghèo (chiếm 22,22%), 2.515 hộ cận nghèo (chiếm 15,07%).  

Giai đoạn 2009-2018, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho huyện 425,339 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 30a, trong đó vốn đầu tư phát triển 311,794 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 113,545 tỷ đồng. Ngân sách địa phương đã bố trí trên 30 tỷ đồng để thực hiện lồng ghép các chính sách giảm nghèo chung. Ngoài ra, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp 23,056 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án giảm nghèo khác 437,875 tỷ đồng.

Từ các nguồn lực đó, trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng 32 công trình theo Chương trình 30a, gồm: 20 công trình hồ đập, 11 công trình giao thông, 1 trường học với tổng mức đầu tư 318,749 tỷ đồng và 12 công trình (trạm y tế xã) từ vốn doanh nghiệp hỗ trợ. Kết quả mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2010-2015 giảm 6,7%/năm; giai đoạn 2016-2020 giảm 7,57%/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Nguyễn Văn Phương cho biết: "Để tiếp tục thoát nghèo bền vững, những tháng cuối năm 2018 huyện sẽ tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền đối với công tác này. Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí quyết tâm làm giàu, vươn lên thoát nghèo đến từng hộ gia đình". 

Ông Phương nhấn mạnh: "Như Xuân đã huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình từ cộng đồng và lồng ghép các chương trình khác để giảm nghèo đa chiều nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Khuyến khích tạo việc làm cho lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị Trung ương, tỉnh tăng cường nguồn lực hỗ trợ bằng các nguồn vốn ngoài Chương trình 30a, để đạt mục tiêu giảm nghèo trong năm 2018".

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh