THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 09:03

Như hương đồng nội

 

Làng Đào Xuyên chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng hai mươi ki lô mét. Một ngôi làng thuần nông thuộc vùng Kinh Bắc xưa. Từ thời Lê Mạc (cuối thế kỷ 16) ở đây đã có một ngôi chùa được xây dựng. Chùa Đào Xuyên có tên chữ là Thánh Ân Tự và vốn là Tổ Đình lớn thuộc nhánh dòng thiền Lâm Tế.

Tiếng trống chầu vang lên báo hiệu một nghi lễ trang trọng sắp diễn ra. Chính giữa sân chùa, nơi chính diện nhà Tổ Đình đã được bày biện một ban thờ khá long trọng. Bàn thờ của ban thờ đã được phủ khăn vàng nhìn rất nổi bật dưới bức tượng Phật bà hiền hậu đang giơ tay niệm chú. Lui về bên phải, lui bên trái và ở phía trước ban thờ là ba chiếc bàn dài cũng được phủ khăn vàng, chỉ khác là ở ba chiếc bàn này các vật phẩm sẽ được dâng lên Phật được sắp đặt sẵn đó. Ban thờ cùng ba chiếc bàn để vật phẩm tự nhiên xếp thành một hình vuông rộng. Lễ vật sẽ được lần lượt dâng lên theo một hình thức đã được sân khấu hóa thành một điệu múa có tên gọi là: Múa Lục cúng.

Múa Lục cúng là một điệu múa dâng lên Phật 6 sản vật và được tiến hành vào những dịp hỉ hay một lễ mừng gì đó. Ví dụ như: khánh thành chùa, mừng nhà mới v.v... Trong điệu múa này người múa sẽ lần lượt dâng lên Phật các sản vật như: Dâng hương, dâng hoa, dâng đăng, dâng trà, dâng quả và dâng thực”. Được nghe giới thiệu như vậy tôi chợt liên tưởng “Phải chăng tuy là một điệu múa có xuất xứ Phật giáo nhưng lại được thể hiện trong những việc hỉ, việc đại lễ có tính mừng vui và tính loan báo hay cúng chúng sinh an lành nên điệu múa này đã tự thân đi vào đời sống dân gian nơi miền thôn dã? Phải chăng tuy là một điệu múa vốn chỉ được dùng nơi chùa chiền nhưng những sản vật dâng lên Phật lại là những sản vật xuất phát từ trong đời sống dân sinh nên nó được người dân gìn giữ và phát triển”.

Đại đức Thích Thanh Quy và Đại đức Thích Thanh Phương cùng bước vào sân. Hai vị sư khá to cao từ tốn tiến tới trước ban thờ, họ vận áo cà sa, đầu đội mũ thất phật. Thoạt nhìn tôi cứ ngỡ hai vị sư to cao kia đi lại cũng khó khăn chứ nói gì đến múa, ai dè bàn tay của các vị lại vô cùng “mềm mại”. Hai vị giơ các ngón tay lên trước mặt để làm động tác bắt quyết, rồi đôi chân nữa, đôi chân của hai vị sư to cao uốn lượn thành đi kiểu chạy đàn lần lượt tiến hành 6 động tác múa, tượng trưng cho 6 lần dâng sản vật lên Phật. Tuy động tác múa chủ yếu là sẽ dâng sản vật nhưng 6 lần ấy đều có sự khác biệt đủ để làm yên lòng người xem múa. Khi múa dâng hoa thì bước đi của hai vị sư được theo hình “hoa hồi bốn cánh” hay múa dâng trà thì họ lại bước đi theo hình “chữ thủy” hoặc múa dâng thực thì bước đi của hai vị sư lại được thể hiện theo hình “chữ điền”…Chính vì thế tuy là điệu múa tôn giáo và thường diễn ra ở sân chùa nhưng nó lại là một điệu múa có tính tạo hình đẹp và hấp dẫn. Nó làm buổi lễ có tính Phật giáo bỗng trở nên thu hút và giúp không khí cho một buổi lễ mang tính hỉ thêm náo nhiệt.

Sau mỗi điệu múa dâng sản vật thì hai vị sư ngừng múa và ngồi ghế tạm nghỉ chờ sang lần múa dâng sản vật tiếp theo. Lúc này người xem múa thêm một lần hứng khởi với lời hát văn sâu lắng được một nghệ sĩ dân gian ngồi trong dàn nhạc cất lên. Lời ca trong bài hát văn là lời lẽ tỏ bày tình cảm của con người với thiên nhiên, nơi con người làm ra sản vật và chính là nơi sản vật nuôi dưỡng lại con người. Lời ca của bài hát văn là lời tỏ bấy tình cảm con người với chư phật, nới con người “tựa” vào đó để an lòng và “tựa” vào đó để nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng. Lời ca của bài hát văn xen giữa các lần dâng múa trong điệu múa Lục Cúng làm cho màn múa tuy dài và diễn ra ban ngày ở ngoài sân chùa không thấy nhàm chán. Phải chăng cũng đồng thời khẳng định cuộc vui hôm nay làm tiền đề cho những cuộc vui sau. Và phải chăng vì thế mà một điệu múa Phật giáo lại ăn sâu trong tiềm thức người dân nơi chốn kinh kỳ xưa cho tới tận bây giờ.

Một điệu múa xuất phát từ Phật giáo, được người dân ngoại thành Hà Nội gìn giữ, chuyển hóa thành điệu múa cổ của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Một điệu múa chỉ có trong các buổi hành lễ tôn giáo đã được đưa ra bên ngoài và trở thành một điệu múa dành cho những dịp hoan hỉ của mọi người dân.

Nhà thơ, đạo diễn Nguyễn Trọng Văn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh