THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Nhóm mây tre đan bản Diềm và hành trình vượt khó

 

Không khí đan lát của các thành viên trong nhóm rất sôi nổi.

Từ trung tâm xã Châu Khê, đi khoảng 8km đường đất đá gồ ghề, chúng tôi đến bản Diềm, một bản vùng sâu biên giới Việt - Lào, nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào người Thái, người Đan Lai . Người dân bản Diềm sống chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản phụ nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Với đồng bào ở đây. Họ luôn muốn lưu giữ lại giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại, duy trì và phát triển nghề mây tre đan. Chị Lang Thị Hoa, Trưởng nhóm mây tre đan bản Diềm, cho biết: “Câu lạc bộ được thành lập từ tháng 6/2013. Có 22 thành viên, đều là người trong bản, người già cao tuổi neo đơn, không đi lao động ngoài trời được. Người nhiều tuổi nhất là ông Vi Văn Duyên, 81 tuổi, ít tuổi nhất là chị 52 tuổi. Nghề thì có lâu đời hàng trăm năm rồi. Trước đây chỉ làm đồ dùng trong gia đình thôi. Sau này mới làm để bán”.

Các sản phẩm của nhóm có hoa văn rất tinh xảo.


Trước đây người dân ở đây đã được một số chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề mây tre đan nhưng không duy trì và phát huy được nghề. Chị Hoa, kể: “Trước đây có dự án tài trợ tập huấn nhưng thu nhập thấp. Chỉ được 20 ngàn một ngày thôi. Sau đó xin lớp tập huấn của dự án khác, lúc này bà Vi Thị Nội, mới sáng kiến nghiên cứu hoa văn dựa trên các tấm thổ cẩm ngày xưa. Nên từ đó sản phẩm bán được cao hơn. Bây giờ thu nhập đã lên một ngày hơn trăm ngàn rồi”.

Câu lạc bộ chủ yếu là phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại các thành viên trong nhóm có việc làm thêm đều đặn và có thu nhập khoảng hơn 3 triệu/ tháng. Có được thành công đó là cả một quá trình vượt khó, sáng tạo của bà con nơi đây.

Sản phẩm rất đa dạng, có cả mâm cơm, rổ, rá, giỏ đựng xôi, vỏ ruột phích nước...


Bà Vi Thị Nội, 63 tuổi, cười tươi, cho biết: “Văn hoa đầu tiên tui sưu tầm được là Đao tèm, có nghĩa là ngôi sao. Bây giờ sưu tầm được 12 hoa văn rồi. Thổ cẩm thì Đan bằng kim chỉ dễ hơn. Còn Đan thì khó lắm. Trước đây mỗi ngày chỉ đan được một cái rá. Bây giờ được 4 cái/ ngày rồi. Bây giờ nhiều thành viên nhóm đã sưu tầm hoa văn rồi, được nhiều kiểu lắm”.

Ông Lương Văn Long, 61 tuổi, là người chuyên đan hoa văn bằng chữ. Ông đã  sưu tầm được 4-5 hoa văn. Đan thành nhiều chữ như Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, Nhóm mây tre đan bản Diềm..., cho biết: “Một số thành viên thì làm ở nhà. Đan theo hoa văn của người khác sưu tầm. Người mô đan được thì đan, người không đan được thì làm các công đoạn như vót mây, tre. Tui thấy đan không khó nhưng ban đầu các thành viên không biết làm để làm chi.

Nhiều người đến tận nơi xem và mua sản phẩm.

Ban đầu cũng không có tiền mua nguyên vật liệu. Đi chặt trong rừng về làm. Nhất là vỏ cây săng vì và cây phang để nhuộm giang đan. Loại cây này làm được thuốc bổ máu. Cây săng vì làm được thuốc đau bụng.

Khi tham gia nhóm, các thành viên tạo thêm thu nhập, họ còn còn hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày, tình làng nghĩa xóm được gắn kết hơn. Đặc biệt, nhóm đã thành lập ra quỹ Tương trợ. Hàng tháng, sau khi quyết toán tiền công của mỗi người trong nhóm, mỗi người sẽ đóng góp 20.000 đồng vào quỹ Tương trợ. Và quỹ này sẽ lần lượt cho các thành viên trong nhóm vay để phát triển sản xuất hoặc giải quyết các công việc khó khăn trong gia đình. Nhóm ban đầu chỉ có mấy người sau thấy có thu nhập nên có nhiều hội viên gia nhập như bây giờ. Giờ sản phẩm bán nhiều nơi như Hà Nội, các hội chợ, quầy sản phẩm lưu niệm của vườn Quốc gia Pù Mát.

Hoa văn Đao tèm do bà Vi Thị Nội sưu tầm trên thổ cẩm cổ.

Chị Hoa cho biết thêm: “Các thành viên trong nhóm rất vui khi tham gia nhóm. Hiện tại hàng hóa của nhóm sản xuất ra ngày càng nhiều và hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó và thu nhập ngày càng được tăng lên. Sản phẩm của nhóm được mọi người dân trong huyện biết đến, và đã tham gia một số hội chợ và lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh. Đến nay, nhóm đã đi vào hoạt động ổn định và thường xuyên kết nạp thêm các thành viên mới”.

Sản phầm bằng chữ do ông Lương Văn Long đan.

Chủ tịch UBND xã Châu Khê, Nguyễn Ngọc Luyến, cho biết: “Sản phẩm làm ra không đủ để bán, khó khăn thì nhiều, đang đề nghị huyện hỗ trợ máy vót. Nhưng hỗ trợ rồi thì nhà xưởng không có, bảo vệ không, vốn không. Xã đã làm hồ sơ thành lập hợp tác xã. Cả huyện chỉ có nhóm đó thôi”.

Ông Lô Văn Thao, Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ bàn để hỗ trợ máy vót cho nhóm đó. Nhân lực thì nếu phát triển sẽ có phương án về nhân lực. Bà con có sáng tạo thế là tốt rồi. Huyện sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm”.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh