THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:23

Nhớ Nhà báo Trần Ngọc Thị

 

Nhà báo Trần Ngọc Thị (người đứng thứ 3 bên phải sang) trong một lần về thăm đất mũi Cà Mau năm 2013 

Thế mà chỉ mấy ngày sau, nhà báo Trần Ngọc Thị đã ra đi, khi  xuân Bính Thân đang về.

Trần Ngọc Thị sống thanh thản, ra đi cũng thanh thản. Đời vậy mà lại sướng ! Vì nhiều lý do khác nhau, cận tết nhiều bạn bè chí cốt của ông ở TP. Hồ Chí Minh không thể đi Hà Nội thắp cho ông nén hương trầm, tiễn ông về với thế giới người hiền. Nhưng tình cảm và biết bao nghĩa cử sống đẹp, sống cho cuộc đời của ông – lúc nào cũng phơi phới sức xuân thì vẫn rất sâu đậm trong mỗi bạn bè, đồng nghiệp, người thân.

Nhà báo Trần Ngọc Thị là một người lính chiến. Ông lăn xả, bám trụ chiến trường miền Đông Nam bộ trong những năm đánh Mỹ gian lao ác liệt. Làm cán bộ tuyên huấn trung đoàn, sư đoàn, viết báo, làm báo Quân Giải Phóng miền, báo Quân khu 7, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân cho đến ngày nghỉ hưu. Nhiều bạn bè chiến đấu chung một chiến hào vẫn thường nói, Trần Ngọc Thị chỉ biết đánh giặc, ra trận, làm báo, chẳng bao giờ nghĩ đến chức tước, địa vị. Người con thân yêu quê hương xứ Nghệ này đúng là như vậy. Hơn 45 năm quân ngũ, khi nghỉ hưu vẫn là một sĩ quan cấp hàm trung tá khiêm nhường, chịu nhiều thiệt thòi. Đấy là bè bạn sẻ chia nghĩ cho ông. Với Trần Ngọc Thị chẳng bao giờ ông phàn nàn điều gì. Thi thoảng gặp lại những đồng đội xưa, ông vẫn nói chắc nịch như đinh đóng cột: “Bao đồng đội đã ngã xuống, mình còn được như hôm nay, cuộc đời rất viên mãn, quá hạnh phúc rồi, chẳng đòi hỏi gì hơn”.

Mấy năm trước, Trần Ngọc Thị cùng một số đồng đội bỏ công đi tìm những người cùng chiến đấu ở sư đoàn 9, đặng thành lập Ban liên lạc “Những đồng đội cùng sư đoàn”. Trong quá trình đi tìm đồng đội, những người còn sống và tìm đến gia đình những người đã hy sinh, Trần Ngọc Thị chắt lọc đươc nhiều tư liệu, chân dung đồng đội rất đáng quý. Một lần ông tìm đến nhà một đồng đội ở quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, đồng đội này vì lý do riêng không mặn mà vụ thành lập ban liên lạc, đã quá 12 giờ trứa, đồng đội đó  nhật nhẽo chia tay ông. Về sau ông kể lại chuyện này và viết bài báo ngắn “Ông cả Tam’ thật dí dỏm mà đầy chất trào lộng, nhân văn, gửi tổng biên tập Báo Bà Rịa  Vũng Tàu. Đúng là đồ Nghệ họ Trần !

Nghỉ hưu ở Hà Nội, nhưng nhà báo Trần Ngọc Thị vẫn viết báo đều dặn, bài có khi không đăng báo nào, nhưng ông vẫn viết. Viết nếu đăng được bài nào, ông điện thoại cho báo, không phải gửi nhuận bút, thay vào đó là “Tặng báo cho bác Thị đọc”. Phải kính nể Trần Ngọc Thị đọc báo, đọc rất kỹ, chẳng bỏ sót bài nào, sai morat ông kê ra không thiếu lỗi nào. Ông thổ lộ: “Thì ta cứ viết, không đăng thì để lại làm kỷ niệm, lúc này lúc khác mang ra đọc, con cháu ta đọc, tủm tỉm cười một mình, lại rất hay”. Ông vẫn thường điện thoại cho bạn bè, đồng nghiệp ở Trung, trong Nam, ngoài Bắc. Ai có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, ông biết rõ ngọn ngành. Có ai đến chơi nhà, ông kéo ra quán cóc vỉa hè làm vại bia hơi Hà Nội, đĩa lạc rang, khi cần thì tang cường đĩa đậu phụ luộc, cần chặt bụng thì thêm đĩa bún, rôm rả  chuyện trên trời dưới biển, hết nửa buổi, rồi bạn bè chia tay nhau. Ông tâm sự: “Tuyệt quá, lần sau chú nhớ ghé”.

Ai đó tuy thân nhưng ít ghé chơi với ông, nại lý do “em bận họp, bác thông cảm”; ông cười xòa nói vui: “Hưu rồi mà họp nhiều thế, Chú hư ”! Thế là cả hai lại cười xòa, bỏ qua hết ! Trần Ngọc Thị yêu quê hương đến lạ. Mấy chục năm nay, cứ vào sau tết nguyên đán là ông lại đi xe đò về Quỳnh Lưu thăm viếng họ hàng, bà con lối xóm  – cho đến sau Nguyên tiêu mới quay về Hà Nội. Bài Kỷ niệm nghề nghiệp ông viết gần đây nhất “Cảng cá Lạch Quèn, lũy thép vùng biển Quỳnh Lưu” và đó cũng là bài báo cuối cùng của ông viết về quê hương Quỳnh Thuận, đăng trên tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam), số tháng 10.2015. Về Quỳnh Thuận, ông canh me mãi để chụp tấm ảnh “Bình minh trên đồng muối quê hương” gửi đăng cùng bài trên tạp chí.

Trần Ngọc Thị vui vẻ với bạn bè, cả đời chẳng giận ai và cũng chẳng có ai giận ông, dù chỉ nửa phút. Ai có gì khó khăn, hoạn nạn là ông hết lòng giúp đỡ, động viên, cưu mang, mặc dù sức ông có hạn, lực ông không nhiều. Kỷ niệm ngày truyền thống Báo Quân đội Nhân dân, Trần Ngọc Thị, vốn là biên tập viên phòng công tác bạn đọc của báo, nhớ như in từng người. Ông nhắc phòng hành chính “Nhớ đừng quên ai, quên họ sẽ buồn, lần sau thì yếu sức rồi, có mời cũng không thể đến được nữa”.

Nhà báo Trần Ngọc Thị đã đi xa vào thời điểm cận Tết Bính Thân – 2016. Ông chẳng kịp nán lại để ăn cái tết bình dị như ông dặn: Chỉ vài cái bánh chưng xanh, thêm đĩa hoa trái để cúng ông bà, tổ tiên. Người viết bài báo ngắn này là đồng nghiệp lớp đàn em, đã một thời cùng ông rong ruổi trên các nẻo đường tác nghiệp. Bài viết này như một nén hương để  vĩnh biệt ông yên nghỉ ngàn thu, nơi suối vàng.

 TP. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu, Ngày cận Tết Bính Thân-2016

Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước