Nhớ người đi dựng làng, mở cõi
- Văn hóa - Giải trí
- 16:15 - 26/07/2015
Trong buổi lễ trọng thể, có các đồng chí lãnh đạo tỉnh An Giang, huyện Thoại Sơn và thị trấn Núi Sập (An Giang) với những tình cảm sâu nặng gắn bó ghi nhớ công lao của vị Danh thần với quê hương, đất nước...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thăm Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu năm 2009.
Người đầu tiên có công khai phá vùng đất Nam bộ
Sử sách còn ghi, Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, tục gọi là Bảo hộ Thoại, vì ông từng giữ chức Bảo hộ ở Cao Miên. Ông sinh ngày 26/11 năm Tân Tỵ (1761) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc làng An Hải, phường .An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Nguyễn Văn Thoại xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, sinh ra và lớn lên trong thời Chúa Trịnh-Nguyễn phân tranh, phong trào Tây Sơn nổi dậy... Năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Văn Thoại cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Tuyết từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn phiêu bạt về phương Nam, định cư ở làng Thới Bình, Cù Lao Dài, sông Cổ Chiên thuộc địa phận huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 16 tuổi, ông đã đầu quân theo Chúa Nguyễn Ánh và lập được nhiều chiến công, làm đến chức Khâm sai Thương đạo Bình Tây Tướng quân, tước Thoại Ngọc Hầu. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), ông được phong làm Thống quản, Biền binh Bảo hộ Cao Miên. Ông có công chiêu mộ người dân xứ Quảng vào hợp sức cùng dân địa phương khẩn hoang, đào kênh, lập làng nơi đất mới, giúp dân an cư lạc nghiệp. Năm 1818, ông đốc xuất dân binh đào kênh Thoại Hà ở Long Xuyên (An Giang) là công trình thoát lũ đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 1819 đến 1824, ông lại cho đào kênh lớn nối liền Châu Đốc với Hà Tiên ra vịnh Thái Lan dài hơn 87 km. Đây là một công trình vĩ đại do ông thiết kế và chịu trách nhiệm với triều đình, huy động đến 80.000 người làm trong 5 năm mới hoàn thành. Kênh đào đã tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng miền Hậu Giang và giúp cho việc giao thương bằng đường thủy vô cùng thuận lợi. Sách Đại Nam nhất thống chí có viết: "...từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước đến phòng giữ ngoại biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng...".
Vua Minh Mạng rất hài lòng trước sự thành công của công trình thủy lợi này nên ban sắc cho ngọn núi nhìn xuống dòng kênh cái tên Thoại Sơn (tên dân gian là Núi Sập) và con kênh mang tên là Vĩnh Tế (tên vợ ông, bà Châu Thị Vĩnh Tế). Triều đình còn nghĩ tới công lao của ông nên lấy tên ông đặt cho tên làng, tên núi, tên sông như Thoại Sơn, Thoại Hà, Thoại Giang. Năm 1835, vua Minh Mạng sai đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo và hình kênh Vĩnh Tế được khắc chạm vào Cửu đỉnh, ngày nay vẫn còn ở thành nội Huế. Khắp miền Tây Nam bộ đâu đâu cũng có dấu ấn của ông để lại, đặc biệt là sự kính ngưỡng, tri ân trong tâm khảm người đời. Những công trình của ông vẫn còn nguyên giá trị, làm nên nền tảng cả về vật chất lẫn tinh thần cho người An Giang trong suốt chặng đường phát triển. Người An Giang tôn thờ ông như một vị khai sáng.
Nhân dân dâng hương tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu.
Nặng tình với quê nhà
Sự nghiệp, con người của ông càng cao đẹp hơn khi ở cương vị là một bậc Danh thần khai quốc, dù đi xa, ông vẫn dành tấm lòng đối với mảnh đất quê hương làng An Hải. Trên bước đường đi mở cõi phương Nam, Thoại Ngọc Hầu nhiều lần trở về nơi chôn nhau cắt rốn để cùng họ tộc chăm lo đời sống người dân như mở chợ Hà Thân, lập chùa An Phước, dựng đình An Hải, xây dựng nhà thờ Tiền hiền... Ông còn tuyển diễn viên tuồng xứ Quảng cho lập thành gánh hát để được sống với các điệu hò, câu hát quê hương. Sự đóng góp của ông đã tạo ra một bước chuyển biến lớn cho làng chài An Hải và các địa phương hữu ngạn sông Hàn cả về phát triển kinh tế và văn hóa. Từ một làng nghèo, An Hải đã trở thành vùng đất đông dân cư và trù phú bên bờ Đông sông Hàn, nhớ công lao ấy, nhân dân làng An Hải đã tôn vinh ông là bậc hậu hiền.
Cả cuộc đời Thoại Ngọc Hầu-Nguyễn Văn Thoại luôn hết lòng vì dân, vì nước. Ông không chỉ là vị quan tài ba, mẫn cán, thương dân; một vị doanh điền có tầm nhìn chiến lược, còn góp công to lớn vào việc xây dựng, hoạch định và bảo vệ biên giới quốc gia trong những năm đầu thế kỷ XVIII. Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được xây dựng và hoàn thành vào tháng 3/2009, tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Nơi đây đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lần đến thăm và dâng hương Thoại Ngọc Hầu. Làng An Hải tự hào đã sinh ra một người con tài năng, đức độ và có công sức to lớn cho nhân dân, đất nước. Kỷ niệm 186 năm ngày mất Thoại Ngọc Hầu-Nguyễn Văn Thoại là dịp thế hệ hôm nay tưởng vọng công đức to lớn đối với người xưa, tiếp tục khơi dậy mạch nguồn truyền thống văn hóa dân tộc, khơi dậy niềm tự hào của những thế hệ đi sau với lớp tiền nhân, với quê hương, đất nước...