THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:15

Nhớ Mường Thanh

 

Điện Biên - Mường Thanh quê tôi, đọc theo âm Thái là “Mướng Theng” hay “Mướng Then” (tức Mường Trời), cách Thủ đô Hà Nội khoảng 470km về phía Tây Bắc. Vùng đất lịch sử này là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Kháng, Cống, Si La, Phù Lá... Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh văn hóa đa sắc màu của Điện Biên. Từ lâu đời, dân tộc Thái và những dân tộc có họ gần với dân tộc Thái, mỗi khi kể chuyện khai thiên lập địa và nguồn gốc loài người (giống như Sáng thế ký, mở đầu phần Cựu ước trong Kinh Thánh) đều nói đến đất Mường Thanh như một nơi gốc gác phát nguyên.

Trên đất Mường Thanh hiện nay còn hai địa danh liên quan đến chuyện sinh thành con người. Đó là bản Tẩu Pung thuộc xã Nà Tấu ở phía đông bắc, và hồ U Va thuộc xã Noong Luống ở phía tây nam thành phố. “Tẩu Pung” là tên gọi tiếng Thái một loại quả bầu to, có dây leo. Theo truyền thuyết, từ quả bầu mẹ đó, các tộc người “chui” ra. Vì vậy, dù có là dân tộc gì đi chăng nữa thì vẫn là anh em. Bản Tẩu Pung hiện nay còn một quả núi giống hình quả bầu. Còn hồ U Va ở sát ngay Pá Nặm, nơi dòng Nậm Rốm và dòng Nậm Núa gặp nhau. Ngày xửa ngày xưa, từ hồ này có dây khau cát (dây sắn rừng) dùng làm đường lên xuống giữa cõi trời và cõi người.

Tôi nhớ, khi thung lũng Mường Thanh lừng lên mùi hương tinh khôi của hoa xoài, mận, đào…, tiếng lao xao tất bật của lũ ong vọng ra từ những vòm cây, có nghĩa là Tết đã đến gần. Có lẽ, trẻ con dù ở miền xuôi hay miền ngược cũng đều háo hức mong chờ Tết như nhau. Năm nào cũng vậy, nhà tôi làm thịt một con lợn to để cúng tổ tiên và mời họ hàng. Khoảng sáng tinh mơ ngày 28 Tết, bố tôi nhờ chú Hải Trâu và mấy chú trong nhà máy sang làm thịt lợn giúp. Tiếng lợn kêu eng éc, rồi tiếng các chú kêu "bắt phèo", tiếng dao thớt chát chát cốp cốp rộn rã… Đến sáng thì mọi thứ đã đâu vào đấy: Chỗ này để gói bánh chưng, chỗ này làm giò, thịt này để quay, chỗ này để luộc… Mấy chú ngồi nhấm nháp chén rượu với phèo luộc. Tôi được bố cho cái đuôi lợn luộc còn nóng hôi hổi, lấy lạt xâu xách toòng teng, ngon tuyệt. Thấy thằng Tuân tít bảo nhà nó "đụng" lợn, nên chỉ có một khúc đuôi. Tôi không biết về hỏi bố mới biết "đụng" có nghĩa là mấy nhà mổ chung nhau một con lợn và tất cả chia đều. Nhà thằng Tuân tít chung với một nhà khác nên nó chỉ có nửa cái đuôi lợn, nếu 4 nhà chung nhau thì chỉ có 1/4 cái đuôi thôi.

 

Minh họa: HT

 

Rồi bố tôi hối hả chuẩn bị gói bánh chưng. Trước đó khi vừa qua rằm tháng Chạp, bọn trẻ con chúng tôi đã rủ nhau vào rừng lấy lá dong, lấy giang chẻ lạt để chuẩn bị gói bánh chưng. Hôm gói bánh, mấy anh em tập trung rửa sạch lá dong, ngâm lạt cho dẻo, rồi đi tìm cái khuôn gói bánh cũ treo trên gác bếp cho bố gói bánh. Khi nồi bánh chưng đã nổi lửa, bố con tôi bắt đầu xếp mâm ngũ quả, chọn một cành đào phai thui gốc rồi cắm vào lọ nước; rồi trang hoàng nhà cửa… Mẹ tôi cẩn thận lấy nước chua cọ rửa bộ dây xà tích và bộ cúc má pém của bà ngoại cho sáng bóng lên. Bà không quên dặn mấy cô con gái quét dọn cửa nhà cho sạch sẽ và chỉ quét đến ngày 30 Tết. 3 ngày đầu năm mới sẽ không quét dọn để không quét hết vận may, vận đỏ ra khỏi nhà. Khác với những nhà khác, nhà tôi có hai mâm cúng Tết: Cúng kiểu người Kinh và cúng kiểu người Thái. Ông ngoại tôi là người Thái. Ông không có con trai, lại mất sớm nên bố tôi là con rể lãnh luôn việc “chủ tế”. Trước đó, cậu Dọn, em họ mẹ tôi bên bản Noong Luống sang giúp làm mâm cúng và gói bánh chưng đen kiểu Thái (hình dáng như bánh gù của người Kinh). Cậu đốt rơm nếp lấy tro trộn với gạo nếp, ngâm, đãi sạch rồi gói bánh, sửa soạn mâm cúng.

Ngoài những lễ vật như gà, xôi… mâm cúng kiểu người Thái còn có áo mặc của tất cả các thành viên trong gia đình. Chiều 30 Tết mẹ tôi lấy ống bương đựng nước vo gạo đổ ra chậu để gội đầu, đó là thứ nước trắng như sữa còn lắng lại dưới đáy chậu sau mỗi lần vo gạo được trữ lại trong ống bương. Bà ngoại, mẹ tôi và các em gái đều gội. Bà ngoại đứng trước hiên nhà vừa quay quay mái tóc dài vừa đọc bài khấn gì đó nghe rất vần, đại loại là “Cái xấu, cái xui xẻo hãy đi xa, đi xa mãi, đừng quay về, cái tốt hãy đến mang cho mọi người nhiều may mắn...”.

Tết nào tôi cũng có bộ quần áo mới, giày mới xúng xính đi chơi. Tất nhiên là cùng với bố đi chúc Tết, còn về nhà là tháo giày chạy nhông ngay. Tôi lớn mau, quần áo rất nhanh bị cộc. Mấy đứa em liền tôi toàn con gái, nên những bộ đồ đã ngắn cũn của tôi thằng Duyên lùn "thầu" hết. Thằng Duyên học giỏi nhưng nhà nó nghèo lắm, nhiều Tết nó ở luôn nhà tôi không về. Nó học với tôi từ lớp 2 cho đến hết phổ thông, sau này học Đại học Nông nghiệp và trở thành kỹ sư nông nghiệp. Tôi còn nhớ, quanh năm nó chỉ có mỗi bộ quần áo, mà lại là quần chun. Tôi rất khoái khi ra chơi, lúc cả lũ đang mải mê chơi chọi cù hay đánh đáo, tôi rón rén lẻn ra sau nó, lợi dụng lúc nó không để ý, tụt... một cái, quần nó tuột đến tận đầu gối!… Về sau nó cảnh giác, cứ thấy bóng dáng tôi lảng vảng là hai tay giữ quần khư khư… Nhớ có năm gần Tết, tôi về nhà lục tìm mấy cái quần áo cũ của tôi, xin bố mẹ mang cho nó. Nó mặc vừa in, diện luôn chơi Tết, khoái chí cười toét miệng. Cứ như vậy, nó và tôi như hình với bóng cho đến khi vào đại học mới chia tay nhau… Khác với Tết hanh hao hay mưa phùn gió bấc như ở các tỉnh miền xuôi, thời gian Tết ở Mường Thanh luôn là những ngày nắng. Thời tiết ở đây rất lạ, có đủ bốn mùa trong một ngày: Buổi sớm là mùa xuân, có sương mù, khoảng 10 - 11 giờ mới tan; chiều là mùa hạ, tối là mùa thu, đêm là mùa đông… Sáng mùng Một Tết, khắp các ngả đường từ Keo Lôm, Na Ư, Nà Tấu, Mường Mươn… bà con các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái… với những trang phục rực rỡ đổ về trung tâm huyện lỵ. Khắp nơi rộn rã tiếng trống, tiếng chiêng gọi mời vòng xòe hối hả… Tôi theo chú Khụt ra một bãi cỏ rộng phía sau bản Hốc xem ném còn. Trai thanh, nữ tú người Thái thách nhau ném quả còn chui qua chiếc vòng tròn trên ngọn cột tre. Mỗi khi có quả còn bay trúng đích chui qua vòng tròn, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo lại vang lên náo nhiệt. Sau đó đám đông lại rủ nhau tản ra thành từng nhóm kéo ra khu ruộng trơ gốc rạ, chia hai bên ném còn. Ném đi ném lại, nếu ai bắt trượt còn thì sẽ phải có vật để trao cho người thắng. Chú Khụt sau cú bắt hụt trái còn thấy hí hoáy buộc vào dây còn một cái khăn nhỏ rồi ném lại bên kia cho cô gái nào đó. Hè năm đó đến thăm chú Khụt thấy chú thông báo sắp cưới vợ, đó là cô Lả xinh đẹp nhất bản Bôm La, người bạn ném còn mà chú Khụt cố tình bắt hụt để lấy cớ gửi kỷ vật tỏ tình hồi Tết… Nhịp trống tiếng chiêng nâng bước vòng xòe, lời ca tiếng hát trao gửi tâm tình cứ âm vang, âm vang mãi khắp bản mường mấy ngày Tết. Bên mâm rượu ngày Tết của người Thái không thể thiếu tiếng hát. Mà nói đến hát (khắp) Thái thì phong phú vô cùng: khắp xư, khắp báo xao, khắp mơi lảu… Ở điệu “khắp xư” - tức là hát thơ, điệu này như kể lại một câu chuyện, một giai thoại về tình yêu, về lịch sử như: “Sống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), “Tản chụ xiết xương” (Tâm tình người thương); “Quam tố mương” (chuyện bản mường)… lời hát da diết, trầm lắng thường do các bậc cao niên hát, như truyền lại cho con cháu lưu giữ, bảo tồn cho các thế hệ mai sau… Ở điệu “khắp báo xao” - tức là trai gái hát đối đáp giao duyên, tình tứ. Khắp báo xao có thể được đệm bằng tiếng tính tẩu hoặc cũng có thể hát mộc mà không cần nhạc đệm. Khi người cao tuổi đến thăm nhau, trong bữa cơm thân mật hát mời rượu (Khắp mơi lảu), lời hát như lắng đọng sự trải nghiệm, sự ưu tư, trăn trở, chia sẻ cho nhau những vui buồn trong cuộc đời. Song cũng là “Khắp mơi lảu”, khi thanh niên nam nữ đến thăm nhau lại hát theo làn điệu rộn ràng tươi vui, đầy ẩn ý vẫn không kém phần tinh tế và lịch lãm… Ngoài ra có rất nhiều điệu hát nữa như hát ru, hát chúc mừng, hát cúng…

Ngày Tết tôi hay theo bố mẹ, các chú các cô đi đến các làng bản trong thung lũng Mường Thanh say sưa lắng nghe những câu chuyện kể, những giai điệu da diết. Nhiều năm sau này, mỗi khi về ăn Tết Điện Biên, khi trở lại Hà Nội, đến dốc Nà Lơi, tôi hay nhớ lại những câu khắp báo xao tiễn bạn của người con gái Thái: Đêm đã khuya lắm rồi/ Gà bản bên đã gáy dồn/ Gà nhà đã gáy vang/ Gà nhà người anh em cũng đã gáy tiễn giấc ngu/ Mây bồng bềnh tan sà xuống thấp/ Mây quấn cây thành những giọt sương mai/ Người thương của em hỡi/ Vui về đi anh nhe/ Xin đừng rơi nước mắt/ Qua đồi rừng về cùng với hồn thương… Cuộc vui nào cũng phải có lúc kết thúc, phải chia tay nhau thôi. Nhưng với những câu hát mượt mà, đằm thắm đến nhường kia thì bước chân trai bản Hà Nội dẫu có đi qua bảy ngọn núi, mười ngọn đèo thì hồn vía cũng không đành theo về mà vẫn thẫn thờ ở lại nơi kia - nơi “Mường Then là Mường Trời sinh ra người con gái Thái bước ra từ rừng hoa ban” (Người đẹp Mường Then - Vương Khon). Hẹn nhé Tết năm sau.

LƯU HỒNG SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh