THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:43

Nhớ mãi chuyến đi Đồng Tháp Mười

 

Rời TP. Hồ Chí Minh, tôi đi ô tô khách từ bến xe miền Tây, đến thị trấn Mộc Hóa mất trọn một ngày. Từ đây, tôi đáp xuồng máy, lướt trên sông Vàm Cỏ Tây mênh mông nước bạc, rồi xuồng lại rẽ sang rạch Long Khốt, mất hơn nửa ngày mới tới kênh Cái Cỏ. Đến đây, tôi phải chuyển sang xuồng cỡ nhỏ, bởi lòng kênh hẹp và cạn. Kênh Cái Cỏ là con đường duy nhất ở phía Mộc Hóa xuống Đồng Tháp Mười. Dọc bờ kênh phía bên kia là Campuchia, với những rặng cây thốt nốt nhấp nhô, xanh thẫm. Lúc này, tôi chợt nhớ những lời dặn dò của mấy anh ở Ban đại diện: “Đi dọc kênh Cái Cỏ cần chú ý cảnh giác. Phải luôn quan sát từ xa, nếu thấy lính Khmer đỏ thì cứ nhìn thẳng mũi xuồng phía trước mà đi. Chớ quay ngang nhìn, dễ bị ăn đạn của chúng đấy…”. Đúng là phải cảnh giác. Từ năm 1976, chính quyền Pôn Pốt đã khiêu khích, quấy rối, tập kích vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Xuồng của chúng tôi lướt nhẹ dưới lòng kênh. Đến một quãng có doi đất nhô ra gần sát bờ kênh, tôi phát hiện có 4 - 5 tên lính Khmer đỏ lấp ló cạnh những cây thốt nốt. Có tên súng khoác vai, có tên súng cầm tay. Tôi nhắc mấy người dân cùng ngồi trên xuồng về kinh nghiệm đề phòng. Họ cùng tôi thản nhiên nhìn thẳng mũi xuồng phía trước… Suốt chặng đường kênh Cái Cỏ, chuyến xuồng của chúng tôi còn hai lần nữa gặp lính Khmer đỏ, nhưng đều vượt qua an toàn. Thực ra, ở thời điểm đó, lính Khmer đỏ thường đánh lén, tập kích bất ngờ về ban đêm, chưa dám ngang nhiên nổ súng giữa ban ngày, trừ phi mình có động thái gì thách thức chúng.Đồng Tháp Mười rộng mênh mông bát ngát đến mỏi cánh cò bay. Đi bộ mấy ngày liền cũng chẳng thấy bờ cõi là đâu, nhìn ngút tầm mắt chỉ thấy một đường viền xanh thẫm nơi chân trời. Những vùng đất được canh tác thì đến mùa lúa chín, trông như một thảm sa mạc vàng óng. Còn những vùng đất hoang thì cũng bạt ngàn, đầy cỏ lác và lau sậy.

Mới sau giải phóng miền Nam chưa đầy năm, Sư đoàn 8 đã hành quân vào Đồng Tháp Mười, đóng quân trên những địa bàn xung yếu trải gần biên giới Việt  Nam – Campuchia. Nhiệm vụ chủ yếu của sư đoàn là khai phá những vùng đất hoang của Đồng Tháp Mười để trồng lúa, góp phần xây dựng kinh tế đất nước sau chiến tranh. Đơn vị còn có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, bởi tình hình biên giới Tây Nam, thời kỳ này đang ngày một căng thẳng do bọn Khmer đỏ gây ra.

Đơn vị mà tôi tới đầu tiên là trung đoàn 1 đóng quân ở khu vực gò Chùa, gần giáp sông Trăng. Cơ quan trung đoàn bộ được xây dựng trên một khu đất mà trước đó một năm còn là vùng hoang đầy gò đống, lau lách um tùm. Nay nhà cửa, lán trại đã dựng lên tươm tất, vững chãi. Phía sau khu nhà trung đoàn bộ là hai cái hồ nuôi cá, rộng trên ngàn mét vuông, do cán bộ, chiến sĩ trung đoàn mới đào hồi cuối năm 1976. Mặt hồ đã có những cây lục bình điểm hoa phớt tím. Từng đàn cá tra chao đảo đớp mồi, xô đẩy mặt hồ gợn sóng lăn tăn, trông thật vui mắt. Trong khu vực cơ quan trung đoàn bộ, nhà ăn, nhà ở, giếng nước đang được củng cố. Bãi để xe kéo, máy cày, nhà kho, khu bệnh xá, bãi tập thể dục… cũng đang mở mang, tu chỉnh. Lán trại của các đội được xây dựng ở những nơi trung tâm của khu vực sản xuất. Nhìn cơ ngơi ban đầu đáng kể, tôi tự nghĩ: Đơn vị đã xác định rõ nhiệm vụ bám trụ vững chắc ở đây để khai phá Đồng Tháp Mười. Chỉ có điều về dụng cụ, phương tiện sản xuất và cơ sở vật chất phục vụ đời sống bộ đội vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, do Quân khu và Bộ Quốc phòng chưa trang bị kịp.

Sư đoàn 8 đến Đồng Tháp Mười đã nhanh chóng ra quân gieo sạ được một vụ lúa, nay là mùa thu hoạch, đơn vị mở chiến dịch như vào trận. Tôi đã bám sát một ngày lao động của trung đoàn. Mới sáng tinh mơ, đoàn xe kéo, máy cày đã rầm chuyển bánh ra đồng. Tôi leo lên chiếc xe kéo MTZ cuối cùng, đoàn xe băng qua khu đất hoang mới cày vỡ. Đang mùa khô, bánh xe kéo lăn đến đâu là những tảng đất vai cày nát vụn. Người ngồi trên thùng xe được phủ đầy những lớp bụi thơm nồng của đất Đồng Tháp. Khoảng một giờ sau, chiếc MTZ đưa tôi đến sân lúa của đội 7. Lực lượng lao động hôm ấy có cả anh em đội 4 đến hỗ trợ. Mấy chiếc xe kéo vừa dừng bánh, các chiến sĩ hối hả chuyển những bao thóc giống đầy ắp lên thùng xe để nhập kho và viện trợ cho trung đoàn bạn.

Đội trưởng đội 7 tên là Long, anh em thường gọi Hai Long. Tuổi đời anh độ ngoài 20, nhưng gương mặt có vẻ già dặn bởi nắng gió Đồng Tháp. Tôi hỏi Long:

- Đơn vị ta thường gieo sạ những loại giống gì?.

- Chúng em vẫn dùng các loại giống của Đồng Tháp Mười, như: Sama chùm, nàng thơm, nàng rừng, nàng tây.

Hai Long vừa giới thiệu vừa chỉ vào từng loại giống cho tôi xem. Thóc giống Đồng Tháp hạt mẩy, chắc, vàng óng, người chưa sành cũng hơi khó phân biệt từng loại giống.

Tổ “quạt” thóc ở góc sân cũng thao tác công việc rất mau lẹ, nhịp nhàng. Nói là quạt nhưng lại chẳng có thứ quạt máy, quạt tay nào, mà là “quạt gió”. Anh em tự sáng chế ra cái giàn bằng gỗ, cao chừng 4 – 5 mét, đóng ghép bậc thang lên xuống vững chắc. Các chiến sĩ đưa những thúng thóc đầy ắp lên mặt sàn gỗ, rồi bê  từng thúng đổ xuống từ từ (rê thóc). Gió Đồng Tháp có “nhiệm vụ” thổi bay thóc lép ra xa, thóc chắc thì rơi thẳng xuống sân…

Lại nói về cái sân lúa. Đó là một khoảnh đất trống sát ngay đồng lúa, rộng chừng 800 - 1.000 m2. Anh em dẫy sạch cỏ rồi đưa xe kéo vào lăn bánh cho mịn đất, thế là thành sân. Lúa bông thu hoạch về được rải đều trên mặt sân, dày 1 - 1,5 mét, rồi cho xe lăn bánh trên cái nệm lúa bông khổng lồ ấy. Xe lăn bánh qua đến đâu, anh em dùng cây đảo rơm đến đấy. Xe kéo cứ chà đi sát lại đều đặn cho đến khi thóc rụng hết. Anh em lại dùng cây, bờ rào, mỏ sảo (chiếc gậy cắm cây sắt cong cong ở đầu), gẩy hết rơm ra khỏi sân. Thóc nằm lại, anh em dùng bàn cào kéo thu lại từng đống cao như núi. Mỗi mẻ ra thóc như thế, trung bình đạt được 3 - 4 tấn trở lên. Bà con nông dân lâu đời ở Đồng Tháp, cũng đều làm sân lúa như thế.

Nhân lúc các chiến sĩ đang giải lao, tôi hỏi Hai Long:

- Anh em làm lúa ở sân này đã mấy ngày rồi?

- Mấy ngày sao được anh. Chúng em bám ở đây đã gần 2 tháng rồi đó - Hai Long trả lời.

- Sao thời gian thu hoạch kéo dài vậy?

Hai Long nói như tâm sự: Đúng là kéo dài quá anh ạ, nhưng anh tính coi, lúa của trung đoàn 1 thì nhiều bạt ngàn, trải trên hơn 2.000 ha. Cả trung đoàn có 39 sân lúa, mà dụng cụ lao động thì còn thô sơ, thiếu thốn, máy kéo chỉ mới có vài ba chiếc… Chúng em phải rời lán trại chính, ra bám trụ ở đây cho đến khi thu hoạch xong…

Rời sân lúa đội 7, tôi bám theo chiếc xe GMC chở lúa về kho. Xe băng qua một khu đất hoang đen kịt màu tro mới đốt. Hơn chục chiếc máy cày đang thi nhau lật lên những luống đất chạy dài tít tắp. Đó là hai đội máy cày của trung đoàn. Tôi rời chiếc xe chở thóc, xuống với anh em thợ cày. Đúng lúc đó, tôi thấy một đụn khói bốc lên ở một khu đất xa. Bốn chiếc máy cày bỗng nhiên tách khỏi đội hình, tiến thẳng về phía có đụn khói. Hỏi ra mới biết, do phương tiện thông tin liên lạc không có, anh em ở đội phát quang đã nghĩ ra cách đốt khói làm tín hiệu gọi máy cày đến vùng đất mới. Đội máy cày có nhiệm vụ cày vỡ đất hoang định khai phá và diện tích đất đã thu hoạch lúa. Sau đó, cày lại lần thứ hai là có thể gieo sạ lúa…

Trưa hôm ấy, tôi dự bữa cơm tạm với các chiến sĩ ngay trên luống cày. Nhân có tôi là khách, mấy chiến sĩ thợ cày bảo tôi ráng chờ chút xíu, rồi chạy vụt đi. Hơn nửa giờ sau, họ xách về 5 - 6 kg cá lóc. Tôi ngạc nhiên:

- Các cậu kiếm đâu mà lẹ vậy?

- Cá sông Trăng đó anh à. Chúng em mượn lưới nhà quen để đi bắt.

Sẵn cỏ khô, anh em nổi lửa thui cá, thui nguyên cả con không mổ. Vừa thui cá, anh em vừa kể chuyện tôm cá Đồng Tháp Mười. Cá ở sông Trăng thời đó đã vơi đi nhiều. Cứ như trước thì mấy chiến sĩ vừa rồi phải mang về hơn chục ký cá các loại. Mỗi mùa nước ngập, cá ở Biển Hồ bên Campuchia xô về theo dòng sông Cửu Long, tỏa vào các sông rạch rồi rải khắp Đồng Tháp Mười. Sau khi nước rút, tôm cá tụ lại ở sông rạch khá nhiều. Còn ở vùng đất bằng, chỗ nào có vụng nước là ở đó có tôm cá. Cũng mỗi mùa nước ngập hàng năm, đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp Mười lại được bồi đắp một lớp phù sa màu mỡ…

Cá thui vừa chín, anh em đem từng con ra, bóc hết lớp da cháy đen bên ngoài, phần thịt bên trong trắng mịn, thơm phức. Bữa cơm “dã ngoại” có thêm món cá lóc thui, rôm rả hẳn lên. Tôi nhấm nháp chầm chậm từng miếng cá để thưởng thức cái hương vị thơm, ngậy, đậm, ngọt của đặc sản Đồng Tháp…

Trong những ngày ở đây, tôi đến trung đoàn nào, đội sản xuất nào của Sư đoàn 8, cũng nhận thấy mọi cán bộ, chiến sĩ đều có tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hăng say lao động với trách nhiệm cao trong nhiệm vụ được giao. Quân đội ta đúng là một đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất đều giỏi!

Rời Đồng Tháp Mười trở về, tôi theo lộ trình cũ. Kẹt một nỗi, chiều hôm ấy nước kênh Cái Cỏ đang ròng (cạn), xuồng từ Tà Nu không xuống được. Đồng chí trợ lý chính trị trung đoàn có kế hoạch lên Mộc Hóa, cũng phải chờ. Từ 4 giờ chiều đến 7 – 8 giờ tối vẫn không có xuồng. Đồng chí trợ lý chính trị lo lắng vì sợ lỡ cuộc họp ngày hôm sau. Tôi cũng muốn mau chóng trở về để viết bài. Đêm ở Đồng Tháp Mười gần cuối tháng âm lịch, nhưng trời vẫn sáng suông. Tôi bàn: “Chỉ còn một cách là đi bộ theo bờ kênh Cái Cỏ. Đến Tà Nu chắc chắn có xuồng về Mộc Hóa”. Đồng chí trợ lý chính trị thăm dò tôi:

- Từ đây tới Tà Nu hơn hai chục cây, anh có lội bộ nổi không?

- Anh đi được thì tôi cũng đi được - Tôi đáp.

Hai chúng tôi rút súng ngắn cầm tay, xuất phát từ khu vực gò Chùa vào lúc 8 giờ 30 phút tối, bám theo con đường mòn ôm bờ kênh Cái Cỏ. Đi chừng 7 - 8 km thì ở phía trước cách khoảng trăm mét bỗng có 4 - 5 tiếng súng nổ liên tiếp. Chúng tôi dừng lại. Đồng chí trợ lý chính trị phán đoán: “Chắc tụi Khmer đỏ bò sang đất ta phục kích. Có động, chúng nổ súng rồi rút chạy”. Đồng chí trợ lý chính trị lo lắng cho sự an toàn, nên bảo tôi:

- Hay là ta quay lại đi anh?

- Chúng mình đã đi được một chặng đường kha khá, quay lại thì uổng quá, mà lại lỡ việc - Tôi đáp.

Nhớ lại những năm tháng làm trinh sát, kế toán pháo binh, thường luyện tập môn “đi theo góc phương vị ban đêm”, trong đầu tôi lóe ra một kế và nói:

- Ta vòng sâu trong đất mình, vượt qua khu vực súng nổ…

Đồng chí trợ lý chính trị lưỡng lự một lúc, rồi nhất trí. Mặc cỏ cây lau lách rậm rạp, chúng tôi cứ chiếu theo một đường vòng cung, vạch lối mà đi. “Đánh rậm” khoảng gần một cây số thì nhập đường mòn theo bờ kênh, tiếp tục cuộc hành trình. Đến bến xuồng Tà Nu thì đã hơn 3 giờ rưỡi sáng. Đến 4 giờ 30 phút, chúng tôi đáp xuồng trở về Mộc Hóa...

Chuyến công tác của tôi cũng có phần gian nan, vất vả. Về tòa soạn, tôi dồn tâm huyết viết một loạt bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân, với tựa đề chung: “Đội quân khai phá Đồng Tháp Mười”.

CÙ NGỌC ĐỨC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh