Nhớ "Con đường báo chí" xưa...
- Văn hóa - Giải trí
- 16:19 - 21/06/2022
Ở khoảng giữa con đường, hơn ba mươi năm trước, sáng nào cũng thấy hình dáng một Đỗ Trung Quân nhỏ thó, một Hàng Chức Nguyên có vẻ mặt khắc khổ, một Hoàng Thoại Châu mang cả sự hóm hỉnh vào dáng đi... Rồi cả Trần Trọng Thức, Lý Quý Chung lịch lãm, cùng những đồng nghiệp trẻ Binh Nguyên, Cù Mai Công... rảo bước trên hè phố.
Nói đến con đường Lý Chính Thắng thời ấy là nói tới một giai đoạn "hoàng kim" của báo chí, với đại diện tiêu biểu là tờ báo Tuổi Trẻ, tòa soạn đặt ở giữa con đường, lúc nào cũng đông đúc người vào kẻ ra: Những cộng tác viên đến gửi bài, những người bán báo đến lấy báo đi bán lẻ, và cả rất nhiều người dân đến gửi gắm những nỗi niềm, bức xúc bằng tất cả sự tin tưởng và kỳ vọng...
Đối diện báo Tuổi Trẻ là tờ Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh. Tuy tòa soạn chỉ là một khu nhà nhỏ, trông có phần "lụp xụp", nhưng tờ báo của "một nửa xã hội" này thời ấy cũng từng giới thiệu nhiều cây bút xuất sắc và cho "ra lò" nhiều sản phẩm báo chí gây chấn động dư luận.
Riêng với những người làm báo Lao động - Xã hội, con đường Lý Chính Thắng cũng ghi dấu nhiều kỷ niệm khó quên. Năm 1995, tờ báo chính thức gia nhập "gia đình báo chí" trên con đường này. Đó là lúc mà tờ báo có vị thế và tiếng nói đầy trọng lượng - với nhiều bài báo viết về con người, bênh vực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, quy tụ khá nhiều tay bút tên tuổi. Những ấn phẩm của Lao động - Xã hội khá quen thuộc trên các sạp báo.
Ba tờ báo, với vài trăm người làm báo cùng lực lượng cộng tác viên, bạn đọc đông đảo, đã khiến cho không khí trên con đường mang những sắc màu đặc biệt: Không khí thời sự luôn nóng, những câu chuyện thường nghe thấy ở các quán cà phê vỉa hè phần lớn là những vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Hồi ấy, nói tới con đường Lý Chính Thắng là nói tới báo chí, nói tới dòng chảy của thời cuộc...
***
Đường Lý Chính Thắng là một trong những con đường ra đời từ khá sớm ở khu trung tâm TP. HCM, trước đây mang tên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến. Trước khi trở thành "con đường báo chí", con đường này đã nổi tiếng với không ít người Sài Gòn xưa. Đến lúc này, con đường vẫn còn đó quán phở Bình, chè Yên Đổ, hay quán hủ tiếu của một gia đình người Hoa mở cửa từ 3 giờ sáng…
Tiệm phở Bình ở đầu đường có tuổi đời khoảng hơn 70 năm, không chỉ nổi tiếng vì ngon, mà còn nổi tiếng bởi trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đây là nơi đóng Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6. Những người già ở đây vẫn còn nhớ như in hình ảnh cô Hai Sang, chiến sĩ biệt động thành, mặc áo tím làm ám hiệu, đứng trước cửa tiệm để đón các chiến sĩ từ nơi khác đến, để ông Ngô Toại, chủ tiệm phở đưa lên lầu. Ngày 29 Tết năm ấy, tiệm phở Bình có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ tập trung. Ông Ngô Toại đã mất, các con ông nối nghiệp và tiệm phở Bình vẫn tồn tại gần góc phố như nhắc nhớ một thời bi tráng của dân tộc.
Gần đó là một quán chè nóng nổi tiếng từ thời bao cấp. Hồi ấy, Sài Gòn không có nhiều quán chè, nên dân “ghiền” chè đều biết tiếng chè Yên Đổ. Quán mở đến gần 3 giờ sáng để phục vụ người đi chơi khuya. Giờ đây, quán chè Yên Đổ không còn, thay vào đó là những tiệm kinh doanh các mặt hàng "thời thượng" dành cho lớp trẻ.
Đến con đường này, chợt thấy nhớ da diết những hàng cháo trắng một thời là nét đặc trưng của Yên Đổ. Chỉ với tấm biển “Cháo trắng” chung cho cả dãy quán, vậy mà thu hút đến lạ kỳ. Đêm nào cũng vậy, bất kể mưa gió, lạnh lẽo, cứ từ 11 giờ đêm là các quán chật ních. Thực khách ngồi tràn ra vỉa hè, thưởng thức những tô cháo nóng hổi trên những chiếc ghế nhựa cũ mèm, những chiếc bàn xập xệ, dưới ánh sáng của dãy đèn đường vàng vọt, mờ ảo.
Gọi là cháo trắng, nhưng thực ra món ăn không phải chỉ có gạo nấu với nước. Bà Mỹ Linh, chủ quán 77 Lý Chính Thắng hồi ấy đã già lắm rồi, cho biết, thứ cháo trắng nấu lá dứa này thì ai cũng như ai, hơn nhau ở chỗ mấy món kho rim, dưa mắm, hột vịt muối… tất cả tới gần 20 loại để ăn kèm. Đứng “đầu bảng” trong số này phải kể đến hột vịt muối. Những tiệm có tiếng không mua hột vịt muối ngoài hàng mà tự tay muối lấy, đảm bảo tiêu chuẩn: Lòng trắng không quá mặn, khi bổ đôi thì lòng đỏ nằm ngay chính giữa, sắc màu đỏ thắm, tươm dầu, không tái, không khô. Kế đến là dưa mắm, làm từ dưa leo hay dưa gang còn xanh, muối với nước mắm cá linh, cá sặc. Dưa mắm ngon là lát dưa vàng đều, giòn tan, thơm mùi tỏi, vị mặn ngọt vừa phải. Khách ở đây có đủ hạng người, từ những bác xe ôm đến những chàng thi sĩ, từ những lứa đôi tuổi mặt búng ra sữa đến những doanh nhân lọc lõi trên đường đời…
Hồi ấy, có một ông giám đốc Việt kiều, thời trẻ là “thổ địa” của khu phố này, ngồi bên tô cháo trắng, bồi hồi nhớ lại những “chuyện ngày xưa”. Ông kể rằng, nơi đây trước có trường trung học tư thục Vạn Hạnh của thầy Thích Đức Nghiệp, vốn là một cái villa cũ, có rất nhiều cây cổ thụ. Đặc biệt một cây sung già, trái chín màu rượu chát trông rất hấp dẫn. Gần đó là trường tiểu học La Fontaine, một trong những trường tiểu học đầu tiên ờ vùng Tân Định. Đặc biệt, khu này trước có một cây thị già, trái chín thơm ngào ngạt. Hồi nhỏ mỗi khi đêm phải đi ngang đây, lũ trẻ đều co cẳng, nhắm mắt chạy cho thật lẹ, vì nghe đồn cây thị này có nhiều… ma”.
“Vô phía trong một chút là xóm Hầm Sỏi, một thời nổi tiếng về du đãng ở vùng Tân Định, mà các băng nhóm quanh vùng nghe đến đều kiêng nể. Số nhà 74 Yên Đổ trước đây có Lạc Động Hoa Vàng, nhiều quý ông sang trọng, đa số là giới áp phe, văn nghệ sĩ, quân nhân, viên chức chính quyền cũ lui tới. Đây là một động mại dâm hạng sang của Sài Gòn trước năm 1975. Chủ nhân là chị Sáu Nh. dáng vẻ rất quý phái, trí thức, nắm trong tay hàng chục em trẻ trung, xinh đẹp và giỏi chiều khách…”.
***
Nhưng Yên Đổ không chỉ có giang hồ, du đãng, mà còn là nơi sinh sống của những người nổi tiếng Sài Gòn xưa. Căn nhà của ông Khai, một triệu phú thời trước 1975 giờ đã đổi chủ, xây lại theo phong cách hiện đại. Được biết thời trẻ, ông từng là Chủ tịch hội cựu học sinh trường Bưởi, về sau là một nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng. Hay trong con hẻm nhỏ phía sau quán chè Yên Đổ là nhà của danh hài Phi Thoàn. Là người mang đến những trận cười bể bụng cho khán giả mỗi khi bước lên sân khấu, nhưng ngoài đời, Phi Thoàn sống khá trầm lặng và khép kín. Ít khi thấy ông bước chân ra khỏi nhà. Thi thoảng thèm cháo trắng thì kêu người nhà ra mua. Vậy mà hồi ông mất năm 2004, nhiều chị em trong hẻm khóc sướt mướt như vừa mất đi một người thân.
Giờ đây, dãy quán cháo trắng không còn. Cảnh vật và cuộc sống con người ở dãy phố này cũng đổi thay nhanh chóng. Con đường Yên Đổ xưa mang nhiều sắc màu của cuộc sống, giờ mang một cái tên mới, với biệt danh “Phố jeans”, với mười mấy tiệm “May, sửa quần jeans”. Biệt danh mới của con đường manh nha từ năm 1996, với tiệm Cường chuyên may sửa đồ jeans, kaki. Sau đó, vì thấy ăn nên làm ra nên nhiều người ăn theo, con phố nở rộ các tiệm sửa đồ jeans khác, như: Cat, Thanh Ngôn, Hùng... biến con đường thành “Phố jeans” như ngày nay.
Trong mấy chục năm qua, nhiều thay đổi lớn lao đã xảy ra trên con đường này. Những tờ báo đã lần lượt rời khỏi con phố thân quen, chỉ còn lại Văn phòng đại diện của Lao động - Xã hội, tờ báo duy nhất còn trụ lại đến bây giờ. Nhưng dẫu vậy, những người cũ của con phố này vẫn không nguôi hoài niệm về những ngày xa xưa, về một khúc đường Yên Đổ chứa chan bao phận đời sáng, tối; về một "con đường báo chí" từng thăng trầm với thế cuộc, gắn bó mật thiết với thân phận biết bao con người…