THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:54

Nhớ chuyện viết báo Tết ở Tây Nguyên

Tác giả tác nghiệp ở Trường Sa. 

Thực ra ban đầu chúng tôi cũng không hình dung mình lên Tây Nguyên để làm gì. Tuổi trẻ, mộng mơ, có tí kiến thức nhà trường tưởng mình có thể thò tay hái sao xuống được, có thể nói chuyện với vũ trụ được. Mấy thằng rủ nhau lên Tây Nguyên, cũng định mấy năm rồi về thôi chứ không nghĩ rồi lại thành công dân xứ này. Hồi ấy không phải xin việc vất vả như bây giờ, mà là các cơ quan về trường xin. Chúng tôi là lứa đầu tiên, khóa I của trường Đại học Tổng hợp Huế, cả miền Trung Tây Nguyên mới có mỗi trường này, lại mới thống nhất đất nước, chúng tôi trở thành... mì chính cánh.

Cái khát khao đi để thỏa nỗi hiểu biết, để tự do, để thoát khỏi gia đình, thành người lớn... nó khiến chúng tôi rủ nhau bỏ Huế lên Tây Nguyên, dù lúc ấy hoàn toàn chưa biết Tây Nguyên là gì, và danh sách phân phối sinh viên thì đứa ở Huế đứa ở Nha Trang, nhưng máu lên là đi, xá gì. Một thằng mở bản đồ ra, thấy Gia Lai Kon Tum gần Huế nhất, thế là chấm. Hẹn bọn ở lại Huế là, ba năm nữa bọn tao về, sẽ biết ai là ai?

Thế là đeo ba lô, ba lô đúng nghĩa, đi trong một ngày mưa Huế dầm dề, mất đúng... 3 ngày thì tới Gia Lai. Thực ra thì tôi viết văn trước khi làm thơ. Làm thơ trước khi viết báo. Và giờ thì thơ và báo song hành.

Cái thời đầu tiên mới lên Tây Nguyên ấy, chúng tôi díu vào nhau mà sống, mà viết, mà tồn tại, và đắm say, hăm hở, đầy những dự định, đầy những hoài bão... Nhưng có những lý do để hoàn thành những bài viết rất buồn cười.

Thời ấy có mấy nỗi sợ. Một là đói, hai là Fulro, còn buồn, nhớ nhà... thì nơi nào cũng có. Fulro chúng tôi cũng không sợ lắm, vì biết họ chỉ “xử” công an, bộ đội, thuế vụ, kiểm lâm, thu mua lương thực... còn giáo viên, chiếu bóng, bác sĩ thì họ rất thân thiện. Thực ra sau này mới biết, Fulro cũng chính là... ta. Trừ vài ông cầm đầu, còn lại thì bình thường họ là dân, lúc cần thiết thì họ thành Fulro, nên họ thoắt ẩn thoắt hiện, và nhiều lúc hiền lành đến ngạc nhiên. Chúng tôi thời ấy nhiều lần ngồi uống rượu tán phét với họ, đến khi chính quyền bóc gỡ, mang họ ra kiểm điểm mới giật mình té ra đấy là Fulro. Thế nên chúng tôi không ngán Fulro bằng ngán... đói. Mà đói thì mò về làng là sẽ no. Thế là chúng tôi toàn lấy cớ để về làng. Khi về mang đồ về đổi, 2 thứ đồng bào thích hồi ấy là cá khô và vải đỏ. Còn cơm thì hồi ấy cứ làng có khách là bà con mang cơm ra chiêu đãi, các thứ mang theo là để... đổi rượu, và thi thoảng con gà để cải thiện.

Những chuyến về làng vì... đói ấy khiến chúng tôi có tư liệu để ngay lúc ấy viết báo, và cho đến bây giờ vẫn mang ra... xài dần.

Vui nhất là cứ mỗi dịp Tết, lại nhộn nhịp làm báo Tết. Nhưng đừng nghĩ là sát Tết mới làm nhé, có khi là từ tháng... 8 đã rục rịch rồi.

Thường thì khoảng tháng 10 dương lịch các ban biên tập đã lên kế hoạch báo Tết và thông báo cho các phóng viên. Cũng mai vàng nắng sớm, cũng lòng người hân hoan, cũng rộn ràng không khí... Các bài viết đậm chất văn hơn.

Chí ít thì mỗi nhà báo phải viết một bài cho báo Tết nhà mình, vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Nghĩa vụ thì tất nhiên rồi, còn quyền lợi là bởi bao giờ thì báo Tết nhuận bút cũng cao hơn, sóng sánh màu mỡ hơn. Có nhà báo có tiềm lực thì viết cho ba bốn báo, thảng hoặc có nhà báo được in ở chục, vài chục báo, Tết gặp nhau mặt nở như hoa... loa kèn, sau Tết lại đã thấy khoe dàn vi tính xịn hoặc chiếc điện thoại mới. Có nhiều nhà báo làm quảng cáo rất giỏi, là niềm “ngưỡng mộ” của nhiều đồng nghiệp, trong đó có tôi. Không phải nhà báo nào cũng có thể làm được quảng cáo, mà phải có một năng khiếu đặc biệt nào đó. Tôi là người giao du rộng, có rất nhiều người quen nhưng luôn luôn chịu lỗi với toà soạn vì không bao giờ hoàn thành nghĩa vụ quảng cáo, trong khi nhiều người làm cả vài chục trang, làm xong báo mình làm giúp cả báo bạn. Những trang quảng cáo nhiều màu, những lời chúc Tết của các cơ quan đơn vị cá nhân trên các trang báo Tết mỗi khi xuân về đã thành thông lệ không thể thiếu của báo Tết.

Các nhà báo tác nghiệp tại làng ông A Sanh.

Báo Tết rất chuộng đề tài Tây Nguyên, vì thế, các phóng viên thường trú các báo trung ương và cả các phóng viên địa phương có đất dụng võ. Các báo Trung ương thường đặt bài về đề tài này. Song không phải ai cũng có thể hiểu về Tây Nguyên một cách tường tận. Ðã có nhà báo viết rằng, những vật dụng mang ra nhà mồ chia của cho người chết bị chọc thủng hoặc đập méo là do bị ăn trộm nhiều quá và lên tiếng cảnh báo thống thiết hãy chặn tay bọn ăn trộm bất lương lại? mà không biết rằng đấy là phong tục chia của cho người chết rất nhân văn của người Tây Nguyên. Có nhà báo phản đối quyết liệt việc đâm trâu và yêu cầu cấm tiệt, cứ làm như ông ta chưa từng biết rằng ở Visan người ta giết mỗi ngày hàng chục nghìn con, và ông ta trước khi xuống dự lễ cũng đã xơi một tô phở bò tú ụ, trong khi đồng bào chỉ khi đâm trâu họ mới được ăn thịt. Và chuyện đâm trâu để ăn thịt chỉ là phụ, cái chính là nghi lễ với tổ tiên trời đất, với Giàng. Và thực ra cái chuyện mang ông trâu ra đâm giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng ngàn người phần lớn là do người Kinh... đạo diễn. Còn đồng bào Tây Nguyên, họ rất nhân văn và thành kính trong việc này, không phải đâm trâu mà là nghi lễ hiến trâu cho Giàng, nên trước đấy có một cái lễ khóc trâu rất đẫm lệ, có một bữa ăn rất ngon cho trâu, có chuyện trò thủ thỉ gửi gắm trâu khi lên gặp Giàng thì nói hộ họ những điều gì, và sau cùng, cái lễ hiến trâu ấy, chỉ làm lúc rạng sáng, lúc trẻ con chưa dậy, chỉ có mấy ông già trong làng và thầy cúng...

Bây giờ viết xong, uỵch phát, 5 giây sau bài đã nằm ở tòa soạn, ngày xưa nhé, gửi bài đi xong thấp thỏm chờ ngày báo về - báo về chứ không phải báo ra, cách nhau có khi cả tuần - để xem bài mình có được dùng không, lúc ấy mới hăm hở viết tiếp...

Giờ tính ra, thế hệ chúng tôi đã ở Tây Nguyên gần 40 năm rồi, gần nửa thế kỷ rồi. Tây Nguyên đã trở thành quê hương thứ 2, một thứ quê máu thịt chứ không phải chỉ nói lấy được, bởi với người cầm bút, cái quê thứ 2, nơi anh thành danh nó vô cùng quan trọng. Quê chính cho ra hình hài con người, quê thứ 2 cho ra một con người trọn vẹn. Mọi thứ giờ đã khác xưa, rất nhiều người đã trở thành những nhà văn nhà báo nổi tiếng. Và những khoảng cách giờ đã trở thành tích tắc...

Nhà văn VĂN CÔNG HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh