THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:26

Nhớ "Chí Phèo" Bùi Cường của Làng Vũ Đại ngày ấy

 

Trên con đường sự nghiệp của mình, NSƯT Bùi Cường từng ghi dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau từ vai bộ đội, biệt động, chiến sĩ,... nhưng trong số đó vai diễn Chí Phèo trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã để lại trong lòng khán giả ấn tượng sâu sắc.

Có thể nói, Chí Phèo của Bùi Cường đã trở thành một hình mẫu, và cũng là vai diễn đóng đinh trong sự nghiệp diễn xuất của ông. Vai diễn này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến các thế hệ diễn viên đi sau. Và không khó để nhận ra, những nhân vật Chí Phèo sau này trên sân khấu hay phim ảnh đều có ít nhiều ảnh hưởng từ cách tạo hình và xây dựng nhân vật của nghệ sĩ Bùi Cường.

Sinh thời, cố nghệ sĩ Bùi Cường cũng chia sẻ rằng ông đã dành nhiều tâm sức cho vai diễn trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Để tạo cho mình vẻ ngoài say khướt, luộm thuộm của Chí Phèo, Bùi Cường dành nhiều thời gian để tập diễn và đặc biệt là tự tạo cho mình tiếng cười đặc biệt mà ông phải tập ngày tập đêm, tập cả trong khi đang tắm.

 

Chí Phèo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã tạo nên tên tuổi của nghệ sĩ Bùi Cường

 

Khi nhận lời đạo diễn Pham Văn Khoa đóng Chí Phèo, Bùi Cường từng cho biết, ông đã tìm đọc truyện, ngẫm nghĩ từng câu chữ của nhà văn Nam Cao. Ông cảm nhận nhân vật ở đáy cùng của xã hội giống một con chó lạc loài bị người đời xô đẩy. Từ trang sách, Chí Phèo bước lên màn ảnh với dáng đi lảo đảo khi say rượu, với điệu cười như tiếng chó hóc xương. Để thể hiện thần thái kẻ say triền miên, Bùi Cường uống rượu thật, đứng hàng giờ trước gương tập tỉ mỉ điệu bộ, cái hấp háy mắt, nhếch miệng. Không chỉ chăm chút nét diễn, cố nghệ sĩ cùng êkíp nỗ lực hoàn thiện một Chí Phèo có ngoại hình ấn tượng nhất theo hình dung của nhiều người về nhân vật. 

Nghệ sĩ Bùi Cường chấp nhận làm xấu bản thân, nhập vai với hình ảnh rách rưới, tồi tàn, trên ngực có hình xăm lớn... cho vai diễn của mình. Ngay cảnh đầu, nhân vật thể hiện cá tính bất cần với những câu nói lè nhè rồi thẳng tay đốt quán nước ven đường. Khán giả thấy hiện hiển một Chí Phèo ác ôn vô lối, và ẩn sâu trong ánh mắt của hắn là thông điệp về sự phản kháng của kẻ đại diện cho lớp người bị bần cùng hóa trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Hình mẫu nhân vật tạo nét tương phản với kiếp sống mòn của giới trí thức (đại diện là hình ảnh ông giáo Thứ) hay sự cam chịu của người nhà quê (nhân vật lão Hạc). Cuối phim, Chí Phèo đâm chết Bá Kiến là hình ảnh được đẩy đến tận cùng của sự vùng lên, sự bất lực trong cuộc đời một tên lưu manh. Diễn xuất như điên dại của Bùi Cường gây ấn tượng với nhiều thế hệ khán giả. Nghệ sĩ Bùi Cường cũng từng thành thật rằng, Chí Phèo là vai diễn được khán giả nhớ đến nhất dù ông đóng nhiều vai khác và còn làm cả công việc đạo diễn. Vai diễn Chí Phèo đã mang lại cho ông giải thưởng "Diễn viên chính xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983).

Sau 15 năm gắn bó với nghề diễn viên, Bùi Cường chuyển sang làm đạo diễn. Bộ phim truyện đầu tay của ông là “Người hùng râu quặp”, sản xuất năm 1990 - là một trong những bộ phim ăn khách trong dòng phim thị trường lúc bấy giờ và cũng là tác phẩm góp phần xác lập tên tuổi nghệ sĩ Minh Vượng trong làng hài. Tiếp sau đó không lâu, năm 1996, ông ra mắt phim truyện nhựa đầu tay có tên “Người đàn bà không con” - một bộ phim tâm lý cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả truyền hình. Ngoài ra, ông thực hiện nhiều phim truyền hình ở hai miền nam bắc. Ông đã làm đạo diễn khoảng 80 bộ phim truyền hình, trong đó nổi bật nhất là Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, giành Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc. Phim dựa trên câu chuyện có thật về thiếu tướng Đặng Trần Đức - người dù đã có gia đình riêng, chấp nhận sống với thân phận khác và lấy một phụ nữ khác để hoạt động tình báo.

NSƯT Bùi Cường sinh năm 1945, là diễn viên điện ảnh khoá 2 của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cùng thời với NSƯT Bùi Bài Bình, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phương Thanh, NSND Minh Châu….

NSƯT Bùi Cường có tên trong danh sách được xét tặng danh hiệu NSND năm nay, ông đã ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu cao quý của nhà nước trao tặng. Nhưng vai diễn của ông, hình tượng nhân vật Chí Phèo bần cùng hóa, bi kịch hóa đầy gai góc và ám ảnh trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã mãi mãi trở thành kinh điển của điện ảnh Việt. Ông đã làm việc miệt mài đến khi qua đời. Vào đầu năm 2018, ông còn chia sẻ dự định làm phim về nhân vật Lão Hạc của Nam Cao, nhưng đến giờ, mọi dự định của ông đành dang dở.

Tang lễ NSƯT Bùi Cường sẽ được tổ chức vào sáng ngày 7/8, tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). 

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh