NHNN yêu cầu phát triển nhanh dịch vụ ngân hàng số
- Huyệt vị
- 21:42 - 11/08/2020
Cuộc đua chuyển đổi số của các ngân hàng đang được đẩy nhanh thời gian gần đây, với những tên tuổi khá nổi bật trên thị trường như VPBank, MB, Vietcapital Bank, TPBank, Vietcombank, BIDV, OCB, Nam A Bank... khi họ liên tục đưa ra các dịch vụ mới liên quan đến số hóa nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dùng.
Không chỉ bản thân các ngân hàng gấp rút mà cơ quan quản lý cũng "sốt ruột" chỉ đạo các nhà băng phải đẩy nhanh phát triển các dịch vụ số hóa và thanh toán không dùng tiền mặt theo xu hướng chung của không chỉ thị trường trong nước mà còn quốc tế.
Cụ thể, tại văn bản 5596/NHNN-VP gửi tới các tổ chức tín dụng (TCTD) về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa ban hành cuối tháng 7 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu NHNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo các TCTD thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Trong đó: Thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng số và khẩn trương mở rộng thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục. Nghiên cứu kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các định hướng phát triển hoạt động thanh toán trong thời gian tới và nâng cao hiệu quả quản lý của NHNN đối với dịch vụ thanh toán.
Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money), trình Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Thông báo số 250/TB-VPCP ngày 24/7/2020.
Hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox).
Đặc biệt cần phối hợp với các nước ASEAN trao đổi, thảo luận và tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, ADB, WB…) về các dịch vụ ngân hàng mới như ngân hàng số, tiền số của Ngân hàng Trung ương…
Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát và cảnh báo rủi ro trong hoạt động thanh toán, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.
Ngoài ra, thực hiện tổng kết, đánh giá các Đề án, chương trình kế hoạch trong lĩnh vực thanh toán: kết quả triển khai phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020, đề xuất giải pháp thúc đẩy TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020...