Nhiều văn bản quy phạm pháp luật có biểu hiện cục bộ
- Tây Y
- 22:54 - 19/03/2018
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các đại biểu đã đặt các câu hỏi về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng 'nợ', chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật; giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; công tác rà soát việc ban hành VBQPPL tại các địa phương, tránh tình trạng "lạm phát" văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm, giải pháp khắc phục tình trạng ban hành văn bản còn sai sót, trái luật, trái thẩm quyền; khắc phục tình trạng "vênh nhau", chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Toàn cảnh phiên chất vấn
Trả lời đại biểu Trương Minh Hoàng về giải pháp đảm bảo tiến độ xây dựng pháp luật, tránh tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, Bộ trưởng cho rằng thời gian qua việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đạt bước tiến đáng kể. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng xin lùi, xin rút, đưa dự án luật ra khỏi chương trình, dù đã bớt đi so với trước... Điểm qua một số nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp nâng cao tínhchủ động; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Bộ Tư pháp là cơ quan được giao chức năng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị, Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong văn bản của bộ, ngành, địa phương?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, sử dụng thuật ngữ “lợi ích nhóm” e rằng hơi mạnh.Nhưng thực tế, dù quy trình làm luật hiện nay cơ bản đã ổn, thì cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này hay cách khác, có phần dành thuận lợi hơn cho ngành mình.
Những văn bản có biểu hiện cục bộ thường được thể hiện qua việc đưa các quỹ, tổ chức, chế độ, chính sách trong đạo luật không phải chuyên ngành và đề ra một số điều kiện tham gia thị trường.
Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn
Qua rà soát các văn bản hiện hành, Bộ Tư pháp nhận thấy, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII đã yêu cầu không quy định tổ chức trong văn bản pháp luật của ngành và hiện việc xây dựng các chính sách cơ bản bám sát tinh thần Nghị quyết. Do quy trình, thủ tục trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 tương đối chặt chẽ, với từng tầng, từng nấc, từng công đoạn đánh giá tác động rõ ràng, nên lợi ích nào đó sâu hơn cho ngành sẽ tương đối khó đưa vào văn bản quy phạm pháp luật của ngành.
Tuy nhiên để tránh tư tưởng cục bộ khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã đưa ra 4 yêu cầu với cán bộ, công chức, thậm chí coi như là cẩm nang với từng cá nhân khi thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải tuân thủ đúng quy trình; có đủ năng lực, trình độ để khi phát hiện vấn đề có nhận định thuyết phục; tuân thủ đúng quy trình, thủ tục từ quá trình lập đề nghị, đến lập dự thảo, trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua.