THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:45

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Đánh thuế và đưa ra tố tụng tài sản không giải trình được

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sáng 19/3, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề cập chất lượng các dự án Luật trong đó có việc chuẩn bị các dự án luật quá chậm, khiến cơ quan thẩm tra gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nga dẫn chứng, có dự án luật chuyển sang vào cuối ngày thứ 6, giao cho UB Tư pháp làm trong 2 ngày nghỉ, không đảm bảo tiến độ. Về chất lượng, có những dự án trình ra rất sơ sài, đánh giá tác động “chay”, chỉ khoảng nửa trang, không có số liệu kèm theo. Có những dự án luật chỉ được một Phó vụ trưởng ký “lấy vì” là đồng ý, tán thành. Ví dụ khác, trong hồ sơ luật chỉ ghi nhận 18/27 thành viên Chính phủ có ý kiến, còn 9 thành viên trong đó có những bộ quan trọng lại không có ý kiến, có dự án luật không có ý kiến của cơ quan chịu tác động của Luật, thậm chí có luật không có ý kiến của cả Bộ Tư pháp…

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

 

Bà Nga đặt câu hỏi, để xảy ra tình trạng đó thì có kỷ luật cá nhân nào không? Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thành Long đã phối hợp thế nào để giải quyết vấn đó? Bà Nga cũng đặt câu hỏi quan điểm của Bộ Tư pháp về việc xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được trong Dự án Luật phòng chống tham nhũng?

Thừa nhận tình trạng chất lượng các dự án Luật không đảm bảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu bộ ngành trong việc trình luật chậm, không đảm bảo tiến độ, quy trình. Thực tế, Quốc hội đã có nghị quyết liên quan đến công tác xây dựng văn bản pháp luật, xét về trách nhiệm chính trị, đó cũng là yếu tố để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng, trưởng ngành. Thủ tướng cũng yêu cầu rất rõ các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm trực tiếp về việc trình các văn bản pháp luật không đúng tiến độ. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Ông Long tán thành việc kiểm điểm, nhắc nhở, công bố công khai những việc chậm, văn bản còn nợ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

 

Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  Mai Tiến Dũng cho rằng, về phía Chính phủ luôn đặt vấn đề thượng tôn pháp luật, vấn đề xây dựng các văn bản chính sách pháp luật lên trên hết cũng như trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực thi, hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, đến nay các văn bản còn nợ đọng hướng dẫn là 8 văn bản (chứ không phải 12 như Bộ trưởng Lê Thành Long báo cáo). Để nâng cao chất lượng, Thủ tướng luôn đôn đốc, nhắc nhở các thành viên của Chính phủ trong các cuộc họp của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập tổ công tác của Thủ tướng và một trong những công việc thường xuyên của tổ công tác này là kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ về công tác xây dựng thể chế.

Liên quan đến câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, đây là dự án Luật rất khó, đến giờ vẫn còn một số ý kiến khác nhau. Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến thẩm định. Liên quan đến xử lý tài sản tham nhũng, quan điểm của Chính phủ là đối với  những tài sản nguồn gốc bất minh mà không giải trình được thi đánh thuế 45%. “Với tư cách là một thành viên của Chính phủ, chúng tôi tuân thủ quan điểm của Chính phủ. Còn về quan điểm của Bộ Tư pháp, theo thông lệ quốc tế ở nhiều nước những tài sản không chứng minh được thì tịch thu hoặc chuyển sang hình sự ngay. Riêng đối với điều kiện của Việt Nam thì nếu áp dụng ngay theo tôi là không khả thi. Quan điểm của Bộ Tư pháp thì phải thực hiện quy trình tố tụng tư pháp, tức là đưa ra tòa để xét xử” - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh