Nhiều tỉnh đề nghị Đồng Nai phối hợp hỗ trợ đưa công dân về quê phòng tránh dịch Covid-19
- Dược liệu
- 06:49 - 13/08/2021
Thông tin cụ thể được báo Kinhtedothi.vn cho biết, hiện tại tỉnh Đồng Nai đã nhận được đề nghị hỗ của các tỉnh Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Cà Mau về việc hỗ trợ đưa công dân có nguyện vọng trở về địa phương để phòng, tránh dịch Covid-19.
Trong những ngày gần đây, một số công dân đang ở Đồng Nai có nguyện vọng trở về địa phương nơi mình thường trú. Tuy nhiên Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai cho hay, địa phương này không tổ chức đưa họ về, mà chỉ hỗ trợ tỉnh, TP nào có nhu cầu đón công dân của tỉnh mình về quê.
Theo đó, những tỉnh, TP nào có nhu cầu đón công dân của mình đang sinh sống và làm việc ở Đồng Nai về địa phương thì liên hệ với tỉnh Đồng Nai. Sau đó hai bên sẽ bàn bạc, trao đổi, thống nhất về thời gian, địa điểm, số lượng, phương thức đưa đón, hỗ trợ công dân đang sinh sống, làm việc tại Đồng Nai về quê hoặc di chuyển qua địa bàn.
Theo sự phối hợp giữa các địa phương với Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai, trong số các nhóm đối tượng được hỗ trợ đưa về quê sẽ ưu tiên giải quyết gồm người già, trẻ em, phụ nữ đang mang thai. Phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người có bệnh lý nền. Người đi khám, chữa bệnh, người thăm thân nhân, công tác chưa trở về được. Lao động tự do, lao động mất việc làm và lao động đang ở trong các vùng giãn cách xã hội, cách ly y tế nhưng chưa có nơi cư trú ổn định.
Công dân đang ở Đồng Nai có nguyện vọng trở về quê buộc phải đợi địa phương nơi mình thường trú có kế hoạch đưa về. Và di chuyển bằng phương tiện chính quyền chuẩn bị, không được đi bằng phương tiện cá nhân. Danh sách sẽ được UBND cấp huyện, TP tổng hợp gửi lên Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai. Nếu địa phương nơi công dân thường trú không có kế hoạch đưa về thì người dân không được tự ý về.
Thông tin từ Tuoitre.vn cho hay, theo Sở Y tế Đồng Nai, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 11.700 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4. TP Biên Hòa chiếm gần 50% với 5.008 ca, tiếp đến là các huyện Vĩnh Cửu 2.524 ca, Nhơn Trạch 2.152 ca, Trảng Bom 737 ca… trong đó có 1.862 bệnh nhân khỏi bệnh và 87 ca tử vong.