THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:33

Nhiều sai phạm tại dự án nghìn hecta, vạn con bò

Dự án nuôi bò của Cty Sao Đỏ tới nay vẫn dang dở chưa xong

 UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kết luận số 6451/KL-UBND về việc thanh tra toàn diện dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt của Cty Sao Đỏ, chỉ rõ nhiều sai phạm đã xảy ra.

Hiệu quả thấp

Năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định cho Cty Sao Đỏ thuê 1.513ha tại thôn 8, xã Ea Lai (thời hạn 50 năm), để chăn nuôi 13.000 con bò; trồng ngô hạt, ngô non, đậu nành và các loại thức ăn cho bò; quản lý 71,5 ha rừng, trồng 96,5 ha rừng sản xuất… Tổng vốn đầu tư gần 224 tỷ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng). Dự kiến, quý IV năm 2012 dự án sẽ đưa vào khai thác sử dụng.

Tính đến thời điểm thanh tra (năm 2016), địa phương đã bàn giao 1.000,3 ha đất để Cty Sao Đỏ triển khai dự án. Tuy nhiên, thực tế công ty này chỉ quản lý, sử dụng hơn 454 ha. Số diện tích còn lại vẫn “chưa lấy được”, do vướng mắc công tác đền bù. Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiệu quả dự án rất thấp so với kế hoạch được duyệt ban đầu. Tại thời điểm thanh tra (năm 2016), công ty đã trồng cỏ các loại để chăn nuôi bò chỉ đạt 24% so với kế hoạch; số đàn bò hiện có 3.232 (đạt 24,9% so với kế hoạch); tổng vốn đầu tư vào dự án đạt 56,19% so với kế hoạch được phê duyệt...

Do vậy, dự án của Cty Sao Đỏ chưa đóng góp nhiều về tăng thu ngân sách và chưa có tác động gì đối với thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương, trong khi đó phía công ty này cũng  chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở TNMT; Không lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây dựng các hạng mục không có giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế

Người dân khiếu kiện đòi đền bù

Liệu có đòi được 50,4 tỷ đồng cho ngân sách?

Để tạo điều kiện cho Cty Sao Đỏ thực hiện dự án thuận lợi, UBND tỉnh Đắk Lắk có nhiều chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, tiền thuê đất. Đặc biệt UBND tỉnh này đã cho tạm ứng hơn 50,4 tỷ đồng từ ngân sách để giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã Ea Lai. Tuy nhiên, theo báo cáo số 65/BC-KVXII của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII, việc tạm ứng hơn 50,4 tỷ đồng ngân sách để huyện M’đrắk chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án của Cty Sao Đỏ “là không đúng quy định”. Từ đó, Kiểm toán đề nghị thu hồi lại khoản tiền này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với dự án này, qua 6 lần điều chỉnh, tổng chi phí giải phóng đền bù phát sinh lên hơn 105 tỷ đồng. Trong đó, địa phương và nhà đầu tư chi gần 76 tỷ đồng (gồm: ngân sách tỉnh tạm ứng và bố trí hơn 50,4 tỷ; Quỹ phát triển đất tỉnh Đắk Lắk chi gần 5 tỷ; của Cty Sao Đỏ đầu tư hơn 20,4 tỷ). Tuy vậy, đến nay nhiều người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện đòi lấy tiền bồi thường, vì họ đã giao đất, không còn đất canh tác, đời sống vô cùng khó khăn. Ông Lê Văn Minh (trú tại thôn 10, xã Ea Lai) đại diện cho 9 hộ dân cho biết, đã gửi đơn đến cơ quan chức năng nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đủ tiền giải phóng mặt bằng.

Đất của người dân trong vùng dự án

Trước kiến nghị của Kiểm toán nhà nước khu vực XII yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi hơn 50,4 tỷ đồng tiền ngân sách tạm ứng cho Cty Sao Đỏ làm dự án, bà Chu Thị Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk  cho biết: “Hơn 50 tỷ đồng tiền ngân sách do tỉnh bố trí chứ huyện nghèo lấy đâu ra. Trong quá trình kiểm tra thực địa, có nhiều phát sinh, khiến cho chi phí giải phóng mặt bằng phải qua nhiều lần điều chỉnh. 9 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, cũng do qua những lần điều chỉnh này”.   

Ông Đặng Thái Nhị - Tổng giám đốc Cty Sao Đỏ vừa có đơn khiếu nại hàng chục nội dung tại Kết luận số 6451/KL-UBND. Theo công ty này, số diện tích hơn 454 ha đã được bàn giao trên thực địa, số còn lại chỉ giao trên giấy tờ nên công ty chưa thể quản lý và sử dụng. Do công tác giải phóng đền bù gặp nhiều vướng mắc nên công ty chưa làm được các bước thủ tục tiếp theo, gây ảnh hưởng toàn bộ dự án. Phía công ty đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét lại nội dung yêu cầu công ty hoàn trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng vì cho rằng yêu cầu này là thiếu cơ sở pháp lý, không thỏa đáng.

Theo VŨ LONG/ Báo Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh