THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:47

Nhiều rào cản khi phụ nữ khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm

Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm

Rào cản xuất phát từ nhận thức của xã hội

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người khuyết tật (NKT) Việt Nam chiểm 10% dân số tương đương 8,6 triệu người, đứng thứ tư trong số các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. NKT trong độ tuổi lao động khá lớn và lao động nữ khuyết tật đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay nguồn lực lao động này đang bị bỏ trống, nguyên nhân là do họ gặp phải quá nhiều rào cản trong quá trình tiếp cận việc làm.

Các đại biểu đều nhận định rằng nguyên nhân gây ra những rào cản khi NKT tiếp cận các cơ hội việc làm trước hết là từ nhận thức của xã hội.

 Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung khuyết tật và phát triển (DRD) đưa ra những phân tích về 3 mô hình trợ giúp NKT dựa trên 3 quan điểm về NKT, đó là mô hình từ thiện, y tế và xã hội. Trong đó ông cho rằng mô hình xã hội dựa trên quan điểm xã hội tạo ra khuyết tật là một lối tiếp cận nhân văn đối với KT. Coi KT là một phần tự nhiên trong sự đa dạng của nhân loại; KT không làm con người mất đi hay thêm vào nhân tính, giá trị và quyền lợi. Những rào cản xã hội bao gồm thái độ, thành kiến và sự phân biệt đối xử của con người đi đôi với những rào cản vật chất, thiếu thông tin. Những rào cản này chia cách và ngăn cản NKT tiếp cận giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và đời sống gia đình. Mô hình xã hội nhìn thấy vấn đề ở đây là chính xã hội này gây ra khuyết tật. Hầu hết những khó khăn mà NKT phải đối mặt đều do cách tổ chức xã hội gây ra. Do đó xã hội phải thay đổi và tạo mọi điều kiện để NKT tham gia vào các hoạt động của xã hội. Trong khi mô hình từ thiện coi NKT là không có khả năng hoạt động nếu không có sự trợ giúp của xã hội do đó người ta có cái nhìn thương hại, cách làm của mô hình này là NKT thiếu cái gì cho cái đó. Còn với mô hình y tế thì coi NKT như những người bệnh nên tập trung vào chữa trị, chỉnh sửa NKT để NKT có thể tham gia vào các hoạt động xã hội. Từ những phân tích trên cho thấy nhận thức khác thì việc làm cũng sẽ khác, ông Cử nói.

Theo bà Bà Lưu Thị Ánh Loan, quyền giám đốc DRD, rào cản đối với NKT là do họ thiếu những dụng cụ trợ giúp cho những khiếm khuyết của họ, những công trình công cộng chưa thiết kế cho NKT, ý thức chưa đúng của người xung quanh đối với NKT. Riêng nữ KT thì rào cản còn nhiều hơn so với nam,  họ gặp phải những quan niệm chưa đúng về giới trong học tập lẫn việc làm. Bà Loan đưa ra ví dụ:  đối với các em nữ KT thì cha mẹ thường sẽ hướng các em chọn những nghề như thêu, ren , may,.. để “có nghề sống qua ngày” mà không chú trọng phát triển nghề nghiệp hay các vấn đề khác. Chia sẻ câu chuyện của bản thân bà Loan cho biết, là nữ lại khuyết tật nên cũng đã từng vấp phải rào cản rất lớn từ gia đình khi bà quyết tâm sẽ lên thành phố để học cao hơn, thậm chí khi bà đã có những thành công nhất định, được đi đào tạo ở nước ngoài thì gia đình vẫn khuyên bà nên nhường cơ hội cho người khác.

 Còn nhiều thách thức

 Ngoài các rào cản trên thì vấn đề dạy nghề cho NKT cũng đang còn nhiều bất cập. Thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao song chính sách dạy nghề cho NKT chưa đồng bộ, ngành nghề chưa đáp ứng với nhu cầu việc làm của thị trường, chưa có chương trình đào tạo nghề ở trình độ cao, chưa có nhiều doanh nghiệp nhận lao động KT.

Bà  Loan đưa ra kết quả nghiên của DRD về những khó khăn của khoảng 30 DN  khi tiếp nhận NLĐ KT cho thấy: Các DN chưa nhận thức chưa đúng về khả năng của phụ nữ KT, họ không hiểu rõ về các dạng tật và mức độ tật của NLĐ. Nhiều DN cho rằng, hiệu suất công việc và chi phí thuê lao động là NKT cao hơn, năng suất làm việc thấp hơn so với LĐ bình thường.  Ngoài ra, NKT thường làm việc không đạt yêu cầu và hay gây ra hậu quả hay tai nạn vì họ đi đứng khó khăn. Công việc  dành cho NLĐKT chưa nhiều, không đa dạng, khi nhận người lao động vào làm việc, DN sa thải rất ngại vì thấy có lỗi. 

 Còn bà Nguyễn Quỳnh Trang, điều phối viên của tổ chức ILO cho biết: Thách thức của lao động nữ khuyết tật khó tiếp cận với cơ hội việc làm đến từ hai phía là bản thân NKT và xã hội. Trong đó, từ phía xã hội còn nhiều rào cản về vật lý, thông tin truyền thông, kỹ thuật, hệ thống các trường nghề....Qua khảo sát của ILO cùng một số đối tác, hiện các trường dạy nghề vẫn thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu, kỹ năng làm việc của giáo viên và chưa tiếp cận được với NKT. 

Bà Trang cho rằng: Thúc đẩy việc làm cho phụ nữ KT cần sự phối hợp và thể hiện vai trò của các bên như các cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp; các hiệp hội đoàn thể và bản thân NKT. Với việc thể hiện trách nhiệm trong hỗ trợ phục hồi chức năng, nghề và việc làm cho NKT, ILO tiếp tục phối hợp cùng Bộ LĐ-Tb&XH xây dựng kế hoạch, chính sách việc làm cho NKT.

Chỉ có “Đi làm và có công việc là một cách hòa nhập vào xã hội nhanh nhất và khẳng định giá trị bản thân tốt đối với NKT”, bà Trang nhấn mạnh.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo - Trung tâm dạy nghề cho NKT và trẻ mồ côi TP.Hồ Chí Minh đề xuất: Nếu muốn có được việc làm, có chỗ đứng bình đẳng trong xã hội thì phải giáo dục và đào tạo cho NKT nói chung, phụ nữ KT nói riêng có một nghề nghiệp mà xã hội đang cần, càng tinh xảo càng tốt, và một sự hiểu biết nhất định để có thể tự tin hòa nhập, tự tin làm việc, từ đó mới nói đến việc tạo sự bình đẳng cho họ trong xã hội và trong môi trường mà họ đang sống.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị cần nhấn mạnh vai trò của công đoàn phối hợp cùng các tổ chức xã hội, các cơ sở đào tạo nghề đưa NLĐKT về làm viêc tại  các DN, hỗ trợ NLĐKT tại DN.  Song song đó, các hiệp hội ngành nghề cần thúc đẩy việc làm bình đẳng cho NKT, vận động các DN nhận NKT vào làm việc vì những mặt mạnh của NLĐ KT là rất chăm chỉ, chịu khó. Đồng thời đưa ra những hình thức tuyên dương với những DN có chính sách tốt cho NKT, các thủ tục ưu đãi cần đơn giản hóa.

Lê Hoàng/Lao dộng và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh