THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:06

Nhiều phụ nữ muốn sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng

         
 Rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng

Một số khảo sát được thực hiện bởi Marie Stopes International gần đây cho thấy rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó các dịch vụ cung ứng biện pháp tránh thai tại xã phường còn rất hạn chế, cụ thể: 42,3% trạm y tế không thường xuyên thực hiện dịch vụ đặt vòng; 23% người cung cấp dịch vụ (CCDV) tuyến xã gặp khó khăn khi đặt dụng cụ tử cung do chưa được tập huấn đầy đủ, không đủ trang thiết bị, hoặc ít thực hiện; Cơ cấu sử dụng phương tiện tránh thai (PTTT) chưa đa dạn; Ngân sách quốc gia cho kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hàng năm liên tục giảm và chậm giải ngân; Chính phủ chuyển dịch từ bao cấp sang xã hội hóa phát triển thị trường.

Việc thiếu hụt các phương tiện tránh tha trong Chương trình DS-KHHGĐ có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay số sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số, nhất là vùng có mức sinh cao và chưa ổn định. Tình trạng này sẽ tạo ra gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội đồng thời tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, trước năm 2011, 80% tổng cầu PTTT tại Việt Nam được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Từ năm 2011, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ quốc tế chuyển trọng tâm hỗ trợ sang lĩnh vực khác hoặc quốc gia khác, đến nay chưa có nhà tài trợ quốc tế nào cam kết nguồn vốn ODA để hỗ trợ phương tiện tránh thai để cấp “miễn phí” như trước đây. Tỉ lệ dân cư có nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng còn khá cao, với tỉ lệ 11,2% trong nhóm phụ nữ đã kết hôn, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa kết hôn, và khoảng 34,3% trong nhóm vị thành niên/thanh niên. Ước tính nhu cầu ngân sách giai đoạn 2011-2020, Việt Nam cần khoảng 3.132 tỷ đồng (150 triệu USD) để mua PTTT phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Tuy nhiên, trong 3 năm 2012-2014, tổng ngân sách phân bổ cho viêc mua sắm PTTT chỉ là 254 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 1/10 nhu cầu.

Được biết, nằm trong kế hoạch kéo dài từ năm 2015 tới hết năm 2020 nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản phụ nữ vùng nông thôn, MSV đã đóng góp 105 tỉ đồng và Tổng Cục Dân số- KHHGĐ cam kết đối ứng tối thiểu 50% hoặc hơn cho việc thực hiện chương trình. Theo đánh giá của các đại biểu, việc MSV tham gia và tài trợ ngân sách lớn cho các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ đã mang lại một ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của an sinh xã hội Việt Nam. Thông qua sự hợp tác lần này với Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, MSV sẽ đem lại một sự thay đổi đáng kể trong chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là các phụ nữ tại các vùng nông thôn không có điều kiện được tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ hiện đại.

Rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng

 Theo kế hoạch, Chương trình được thực hiện liên tục trong năm năm, chú trọng vào các khu vực cần ưu tiên. Chương trình cung ứng dịch vụ đi song song với việc tập huấn nâng cao năng lực cho người cung ứng dịch vụ tuyến cơ sở, và từng bước chuyển hướng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình về tuyến cơ sở và cung cấp thường xuyên, thay vì việc tập trung vào chiến dịch như hiện nay. Sự tham gia của y tế ngoài công lập trong chương trình này cũng góp phần thu hút nguồn lực dồi dào của mạng lưới cung ứng dịch vụ tư nhân, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại sự lựa chọn tốt hơn cho người dân, hướng tới một thị trường tự do lành mạnh được quyết định bởi cung và cầu.

     Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện của tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam cho biết, chương trình hợp tác này hoàn toàn phù hợp với xu hướng xã hội hóa trong công tác kế hoạch hóa gia đình và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Về ngắn hạn, chương trình thúc đẩy cung ứng dịch vụ KHHGĐ dài hạn và vĩnh viễn tại các vùng khó khăn sẽ giúp cho TCDS-KHHGĐ đạt được các mục tiêu phục vụ người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số một cách trọng điểm và hiệu quả hơn, bắt đầu từ năm 2015. "Việc đa dạng hóa các phương tiện tránh thai và nâng cao năng lực tiếp thị dịch vụ và sản phẩm tại khu vực y tế công lập và ngoài công lập sẽ góp phần nâng cao nhận thức và sự tự nguyện chi trả cho dịch vụ chất lượng của người dân, từ đó giảm dần việc bao cấp của nhà nước"- bà Hằng chia sẻ.

TRÂM ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh