CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:11

Nhiều nhà đầu tư xếp hàng xin làm cao tốc Ninh Bình-Nghi Sơn

 

Theo đó, liên danh nhà đầu tư đều đề nghị Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ hình thức đầu tư dự án đường cao tốc Ninh Bình-Thanh Hóa theo phương án chia dự án đường cao tốc Ninh Bình-Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 106km thành 2 dự án BOT và ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng.

Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Cụ thể, liên danh Tập đoàn xây dựng Miền Trung-Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bắc Ái xin làm đoạn đường cao tốc Ninh Bình (Nút giao Mai Sơn) đi Thanh Hóa (Nút giao Quốc lộ 47-Đông Xuân) dài 53km và chia tham gia đầu tư của doanh nghiệp và Nhà nước.

Đoạn đường cao tốc từ Ninh Bình (Nút giao Mai Sơn)-Quốc lộ 217 (Nút giao Hà Lĩnh), dài khoảng 30,5km, tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT. Riêng đoạn cao tốc từ Quốc lộ 217 (Nút giao Hà Lĩnh)-Thanh Hóa (Nút giao Quốc lộ 47-Đông Xuân), dài khoảng 22,5km, tổng mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng sẽ làm bằng ngân sách Nhà nước.

Với 53km còn lại của dự án đoạn Ninh Bình (Nút giao Mai Sơn) đi Thanh Hóa (Nút giao Quốc lộ 47-Đông Xuân), liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn-Tập đoàn Miền Trung-Tập đoàn Phúc Lộc-Tập đoàn Cường Thịnh Thi đã có đề nghị lên Bộ Giao thông Vận tải giao cho thực hiện.

Trong đó, đoạn đường cao tốc từ Thanh Hóa (Nút giao Quốc lộ 47-Đông Xuân) đến Minh Châu, dài khoảng 25km, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT. Đoạn cao tốc từ Minh Châu đến Nghi Sơn (Thanh Hoá), dài khoảng 28km tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.
Để đảm bảo tính khả thi của dự án BOT trong việc tính toán hoàn vốn và việc thẩm định tài trợ phần vốn vay ngân hàng, liên danh nhà đầu tư cam kết ứng vốn trước để thi công đoạn cao tốc thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, lãi vay được tính vào phương án tài chính của dự án BOT.

Liên danh nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, bố trí vốn hoàn trả cho nhà đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và 2020-2025, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm, nguồn vốn kết dư và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn trả phần vốn nhà đầu tư đã ứng trước. Trong trường hợp ngân sách Nhà nước có vốn, có thể bố trí sớm hơn để hoàn trả vốn cho nhà đầu tư.

Nếu được chấp thuận, liên danh nhà đầu tư cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện dự án một cách tốt nhất đảm bảo an toàn, chất lượng, kỹ mỹ thuật và sớm đưa dự án vào sử dụng khai thác.

Trong văn bản gửi đến Bộ Giao thông Vận tải, liên danh các nhà đầu tư cũng tự giới thiệu về tiềm lực tài chính vững mạnh, đặc biệt là hệ thống trang thiết bị phục vụ thi công hiện đại được đầu tư bằng nguồn vốn chủ sở hữu, kinh nghiệm đã từng đầu tư các dự án giao thông lớn trọng điểm trên địa bàn cả nước đảm bảo chất lượng tiến độ theo yêu cầu và mong muốn được góp phần xây dựng hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có 2.500-3.000km đường cao tốc.

Trước đó, Ban quản lý dự án 1 đã có Tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình-Thanh Hóa (Nghi Sơn) với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 18.377 tỷ đồng.

Tuyến đường được xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Trên tuyến có 22 cầu dài 5,5km, 28 cầu vượt dài 5km và 2 hầm: Tam Điệp dài 240m, Thung Thi dài 630m.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh