Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm
- Huyệt vị
- 00:14 - 06/06/2021
Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 2 năm nay. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm một số ngân hàng tăng từ 0,1 - 0,3 điểm % so với trước đó ở kỳ hạn 6 và 12 tháng, lần lượt lên mức 5,4%/năm và 6,02%/năm.
Trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ ngày 27/5, ngân hàng SHB đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,1 - 0,3 điểm % so với trước đó. Ngân hàng này chủ yếu điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài như 12 tháng từ 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất 6,4%/năm… tùy khoản tiền gửi của khách hàng.
Ngân hàng Techcombank cũng vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1 - 0,2%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng lên 2,4%/năm, 3 tháng lên 2,6%/năm, 6 tháng lên 3,8%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới theo hướng tăng từ 0,1 - 0,2 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Khách gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng là 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên 5%/năm…, các mức lãi suất này tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Một số kỳ hạn dài lãi suất được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm %, cao nhất là kỳ hạn 36 tháng có lãi suất 6,4%/năm.
Lãi suất huy động tăng trở lại được cho là do tốc độ tăng trưởng huy động đang chậm hơn so với tín dụng. Các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh lãi suất huy động một phần để giữ chân khách hàng trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Tuy nhiên việc điều chỉnh này mới diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng, tùy theo kỳ hạn, và chưa phải là xu hướng chung nên chưa gây áp lực lên lãi suất đầu ra, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.