Nhiều lao động tự do tại TP.HCM chưa tiếp cận được gói hỗ trợ
- Dược liệu
- 13:15 - 18/08/2021
Những ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên về tình hình chi trả tiền hỗ trợ của các quận, huyện, TP trên địa bàn TP.HCM còn xảy ra nhiều bất cập và thiếu sót. Anh Nguyễn Văn Trung (40 tuổi, ở tổ 38, khu phố 3, phường 13, quận Bình Thạnh) cho biết, là trụ cột gia đình, trước đây trung bình mỗi ngày anh kiếm được từ 200 - 500 ngàn đồng từ chạy xe ôm công nghệ. Nhưng khi dịch bùng phát, Thành phố thực hiện giãn cách, ít người đi, có khi cả ngày anh không chạy được chuyến nào. Đầu tháng 7, phần vì vắng khách và khu nhà trọ lại bị phong toả kéo dài do phát hiện ca nhiễm Covid-19, anh đành chấp nhận ở nhà.
"Sau đó, tổ dân phố có xuống lấy danh sách để nhận tiền hỗ trợ, tuy nhiên, cho đến hiện tại gia đình tôi cũng như cả tổ 38 khoảng 330 hộ vẫn chưa ai nhận được tiền hỗ trợ. Theo như chị tổ trưởng nói, "hiện tổ dân phố tập trung rà soát và hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu phong toả, khu lao động nghèo". Anh Trung cho hay.
Tương tự, chị Nguyễn Thị H., thợ hồ (39 tuổi, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) thất nghiệp. Khoảng giữa tháng 7, tổ trưởng khu phố đến lấy danh sách để xem xét hỗ trợ 1,5 triệu đồng nhưng đến nay chị chưa nhận được tiền. "Tiền dành dụm mấy tháng vèo cái đã hết do phải trả tiền nhà trọ và mua thức ăn hàng ngày. Mấy ngày nay, tôi trông ngóng tiền hỗ trợ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày mà chờ mãi vẫn không thấy đâu", chị H. buồn bã nói.
Trong căn phòng trọ nhỏ trên đường An Phú Đông (Quận 12), chị Phan Thị Tuyết Vân (51 tuổi) thất thần vì không có tiền để mua gạo. Từ đầu năm đến nay, thu nhập từ việc bán rau của gia đình chị Vân cứ giảm dần theo diễn biến của dịch Covid-19.
Trước đây, tầm 2h sáng hàng ngày chị Vân ra chợ đầu mối mua khoảng 20kg rau. Vợ chồng chị chất lên chiếc xe đạp cũ đi bán. Mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng.
Chị Vân đã phải vay khắp nơi số tiền 3 triệu đồng để trang trải chi phí, đồng thời gửi về quê và phải trả dần 50.000 đồng/ngày. Điều này đã làm cho cuộc sống của chị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn.
"Theo thông tin được biết Chính phủ và UBND TP.HCM đang triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân khó khăn vì dịch Covid-19, cả gia đình đều vui mừng và mong ngóng mãi, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ số tiền hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương", chị Vân cho biết.
Chị Cao Thị Kim Thoa (SN 1983), là lao động tự do bị mất việc vì dịch Covid-19 đang tạm trú trên địa bàn Phường An Phú Đông, đã nhiều lần ôm hồ sơ lên UBND phường An Phú Đông làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ, nhưng mãi không nhận được sự hướng dẫn, chị liền gửi hồ sơ lên Sở LĐ-TB&XH và nhiều lần gọi lên tổng đài 1022 để "cầu cứu".
"Sau đó phường An Phú Đông gọi tôi lên và đồng ý giải quyết hỗ trợ cho tôi với số tiền 1,2 triệu đồng và một phần quà trị giá khoảng 300 ngàn đồng", chị Thoa nói.
Trao đổi với PV Báo Dân sinh, một chủ nhà trọ trên địa bàn phường An Phú Đông cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 đến nay khu trọ không nhận được hướng dẫn hay bất kỳ thông báo nào của UBND phường về việc Chính phủ và UBND TP.HCM triển khai các gói hỗ trợ cho người dân khó khăn. Cho đến khi nhiều người thuê trọ đến hỏi thì chủ trọ mới biết và lên phường hỏi. "Tôi lên phường thì được hướng dẫn về lập danh sách và nộp lên để phường duyệt. Khu nhà trọ tôi gần 100 phòng nên số đối tượng được hỗ trợ là 122 người. Tuy nhiên khi tôi nộp danh sách lên thì phường bảo quá nhiều, đến nay chỉ hỗ trợ cho 12 người", chủ khu trọ nói.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, đến nay gói hỗ trợ thứ nhất cơ bản hoàn thành. Và đợt thứ hai đang triển khai, Thành phố mở rộng thêm nhóm được hỗ trợ nhằm không bỏ sót người nghèo gặp khó khăn cần giúp đỡ.
Theo đó, ngoài 344.000 lao động tự do, đợt này còn có thêm 90.500 hộ nghèo, cận nghèo nhận, mỗi hộ sẽ nhận 1,5 triệu đồng, tổng kinh phí 150 tỷ đồng. 170.000 lao động nghèo, khó khăn ở nhà trọ, trong khu cách ly được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, tổng số tiền 254 tỷ đồng. Việc giải ngân phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/8.
Tuy nhiên, đến nay đã là ngày 17/8 nhưng đa số các đối tượng trên đều chưa thể tiếp cận được với gói hỗ trợ này. Bên cạnh đó, người dân trên các quận, huyện, TP.Thủ Đức phản ánh thời gian qua có một số tổ khu phố không xuống để lấy thông tin. Có nơi xuống lấy thông tin và đơn đề nghị được nhận hỗ trợ của người dân nhưng không có phản hồi. Đáng nói, một số nơi người dân còn phản ánh bị Tổ trưởng tổ khu phố hoạnh họe và gây khó dễ và xem thường người dân nếu có kiến nghị.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, TP chủ trương giúp đỡ tất cả người dân khó khăn bằng nhiều cách khác nhau, chứ không chỉ những trường hợp theo Nghị quyết 09. Qua nhiều kênh thông tin, khi người dân phản ánh rất bí bách mà chưa được giúp đỡ, thành phố chỉ đạo địa phương liên hệ trực tiếp giải quyết ngay.
Và việc hỗ trợ người dân không chỉ dừng lại ở một tuần mà sẽ thực hiện nhiều tuần, nhiều tháng. Thành phố huy động mọi nguồn lực từ người dân thành phố, cả nước, bằng ngân sách và cả những quỹ dự trữ khi cần thiết.
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, TPHCM trích ngân sách để thực hiện hỗ trợ theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nguyên tắc là trường hợp mà gói hỗ trợ bằng ngân sách của TPHCM không có thì sẽ bổ sung, trường hợp nào trùng nhau thì sẽ thực hiện theo chính sách nào có chế độ hỗ trợ cao hơn.
Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM quy định, lao động tự do mất việc vì dịch sẽ được hỗ trợ nếu làm một trong 6 loại công việc: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số dạo; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm việc thuộc ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 1749 ngày 30/5/2021. Mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày.