Nhiều kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Đề án 161 về các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
- Dược liệu
- 06:00 - 04/10/2022
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), Quyền Trưởng Nhóm Quan chức cao cấp ASEAN (SOM) của Việt Nam cùng với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của khoảng 150 đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo và cán bộ đầu mối các sở, ngành liên quan của 32 tỉnh, thành phố (từ Đà Nẵng đến Cà Mau).
Đặc biệt, Hội nghị còn được kết nối trực tuyến với Ban Thư ký ASEAN có trụ sở tại Gia các ta, In-đô-nê-xia.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hoan nghênh các Bộ, ngành, địa phương đều đã rất nỗ lực triển khai các chương trình, hành động cụ thể trong 5 năm vừa qua.
Đề án 161 đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực Văn hóa - Xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện Đề án 161 hết sức tích cực với những điển hình tốt như cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành.
Tham dự và có bài phát biểu trực tuyến, ông Ê-ka-pha Phan-tha-vông, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Ban Thư ký ASEAN chúc mừng Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thành công các Hội nghị quốc gia thực hiện Đề án 161.
Ông Ê-ka-pha Phan- tha-vông, đánh giá cao khả năng dẫn dắt và chủ trì của Bộ. Việc kết nối các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố cùng thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội thông qua một Đề án cấp Chính phủ của Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự hiểu biết và ý thức thuộc về Cộng đồng.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Hội nghị đã có những chia sẻ và thảo luận sôi nổi về các kết quả đánh giá thực hiện Đề án 161. Bên cạnh đó, các đại biểu còn được nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng; có thêm nhiều kiến thức bổ ích về các chủ đề quan trọng như lịch sử của việc Việt Nam gia nhập ASEAN và lợi ích ASEAN mang lại, đặc biệt là Chính trị - An ninh; những lợi ích mà CPTPP mang lại cho Việt Nam; Văn hóa phòng ngừa trong Cộng đồng ASEAN; ý nghĩa của Đề án 161 và sự kết nối của Đề án trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam,…
Trong khuôn khổ Hội nghị, các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam đã thông tin thêm với các đại biểu về tình hình hợp tác ASEAN trong từng lĩnh vực chuyên ngành và những vấn đề mới cùng các ưu tiên hoạt động ở cấp khu vực, cấp quốc gia. Từ đó, giúp các địa phương có thể tham khảo, cân nhắc tới khả năng kết nối với các hoạt động trong kế hoạch của mình trong thời gian tới.
Các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện việc ban hành các Kế hoạch thực hiện Đề án 161 cho giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thúc đẩy, phân bổ các nguồn lực, nhân lực và tài chính cho việc thực hiện Đề án; cân nhắc đến biện pháp xã hội hoá trong quá trình thực hiện và chú trọng hơn nữa trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về Đề án 161 nói riêng, hợp tác ASEAN nói chung để đảm bảo hiệu quả thực hiện.
Ngày 25/01/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, trong đó Bộ LĐ-TB-XH được giao là Cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam và 63 tỉnh, thành phố thực hiện.
Trong 5 năm vừa qua thực hiện Đề án, các Bộ, ngành, địa phương đều đã rất nỗ lực triển khai các chương trình, hành động cụ thể. Đề án 161 đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa – xã hội. Các thành tựu của Đề án 161 được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: giảm nghèo; thúc đẩy việc làm bền vững; bảo vệ môi trường; thúc đẩy tiếp cận với nhiều dịch vụ xã hội…
Việc thực hiện Đề án 161 bám sát các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025, góp phần đạt được mục tiêu chung của khu vực là “hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội”.
Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện Đề án hết sức tích cực với những điển hình tốt, như cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về nguồn lực dành cho Đề án cũng năng lực của cán bộ thực hiện.